Thứ nhất, cần có cơ chế hỗ trợ pháp lý từ phía Nhà nước đối với TTTM
nói chung và trọng tài vụ việc nói riêng. Đây là một giải pháp quan trọng. Nếu có sự hỗ trợ thích đáng thì TTTM có thể phát huy mạnh được chức năng và vai trò của mình. Ở các nước trên thế giới, người ta chỉ giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài là chủ yếu, giải quyết qua toà án chiếm một tỷ lệ không lớn trong khi đó ở Việt Nam tình trạng này lại ngược lại. Cần phải nêu ra vấn đề đó để chúng ta thấy rằng: nếu đó là tư duy và nhận thức của xã hội, Nhà nước không có sự hỗ trợ đúng mức thì các tổ chức phi Chính phủ, trong đó có TTTM không thể phát huy hết vai trò của mình trong việc thực hiện chức năng quản lý xã hội dân sự.
Thứ hai, để triển khai tốt thi hành Luật TTTM năm 2010. Chính phủ
cần ban hành nghị định hướng dẫn Luật TTTM năm 2010 và Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Luật TTTM nhằm tạo ra một cách hiểu và áp dụng thống nhất một số quy định của Luật TTTM, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của các trung tâm trọng tài, trọng tài viên trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ ba, cần có các biện pháp giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân
hiểu biết vai trò và ý nghĩa của tổ chức xã hội dân sự đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường đã hội nhập.
Với xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay, các tranh chấp sẽ diễn ra thường xuyên, phổ biến và gia tăng về số lượng, gia tăng tính chất phức tạp cùng với sự phát triển về quy mô, nhịp độ, các loại, dạng hoạt động thương mại trong phạm vi quốc gia, cũng như quốc tế. Trong bối cảnh đó, giải quyết nhanh, gọn, có hiệu quả, hợp lý các tranh chấp thương mại càng trở nên cần thiết đối với mục tiêu thúc đấy hoạt động kinh doanh thương mại. Bởi lẽ, nếu
chúng được giải quyết nhanh, gọn, hợp lý, có hiệu quả các tranh chấp thương mại không những tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra một cách suôn sẻ, không gặp ách tắc, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh được bảo đảm mà còn tạo môi trường tâm lý tốt cho các thương nhân yên tâm, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, kinh doanh.
Với những tiện ích rõ rệt của mình và với xu hướng được ưa thích, sử dụng rộng rãi trong đời sống thương mại ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài sẽ hứa hẹn một bước phát triển, trong những năm tới, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong tranh chấp quan hệ kinh tế.
Việc tuyên truyền, phổ biến về trọng tài là một trong những biện pháp hiệu quả nâng cao nhận thức của xã hội về tác dụng và hiệu quả của hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
- Nội dung tuyên truyền bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức,
hoạt động trọng tài, trong đó pháp luật về trọng tài là một nội dung cần đặc biệt chú trọng để doanh nghiệp, các đối tượng khác có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về trọng tài.. Cần tuyên truyền, phổ biến về vai trò và bản chất của hoạt động trọng tài, về pháp luật TTTM nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, doanh nhân, các cơ quan nhà nước liên quan và của xã hội về vai trò của TTTM.
- Xây dựng các chương trình tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng
Các đối tượng có liên quan cần được phân chia thành từng nhóm theo tiêu chí về trình độ, mức độ nhu cầu hiểu biết để từ đó xây dựng các chương trình tuyên truyền phù hợp với từng nhóm.
- Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền
Việc sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền có tác dụng giúp cho các thông tin dễ dàng đến được với các đối tượng khác nhau. Các hình thức truyền
thống được sử dụng thường xuyên là in ấn, phát các tờ rơi, tài liệu, tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh trong việc tiếp cận dịch vụ trọng tài thông qua các trang web của các Trung tâm trọng tài. Việc tuyên truyền về dịch vụ trọng tài nên được lồng ghép vào các diễn đàn khác nhau để thông qua các diễn đàn này quảng bá cho hoạt động trọng tài giúp cho hiệu quả của việc tuyên truyền, phổ biến về TTTM sẽ cao hơn.
Thứ tư, tăng cường sự giám sát của Quốc hội đối với việc hủy quyết
định trọng tài, công nhận và thi hành phán quyết trọng tài sao cho việc hủy quyết định của trọng tài là vô cùng hãn hữu, chỉ trong các trường hợp đặc biệt và rõ ràng theo quy định của pháp luật. Sự giám sát của Quốc hội đối với các quyết định của tòa án liên quan đến trọng tài góp phần làm tan đi nỗi ám ảnh về nguy cơ hủy phán quyết trọng tài.