i) Lịch sử phát triển của trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại trên thế giới
Người ta không biết chính xác phương thức trọng tài bắt đầu xuất hiện từ khi nào, nhưng có thể khẳng định đây chính là hình thức tiền thân của việc hình thành các tòa án sau này. Tòa Trọng tài là một trong những phương thức cổ xưa nhất để giải quyết bất hòa giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã biết sử dụng phương thức này để giải quyết tranh chấp. Quy định sơ khai về trọng tài trong luật mua bán hàng hóa cho phép các lái buôn được tự phân xử bất hòa của mình không cần có sự can thiệp của Nhà nước. Về sau Luật La Mã cho phép mở rộng phạm vi tranh chấp, không chỉ trong biên giới lãnh thổ, mà còn ở những nước La Mã có trao đổi hàng hóa, có nghĩa là trải rộng trên hầu khắp lục địa Châu Âu.
Trong hệ thống luật của Anh, văn bản pháp luật đầu tiên về trọng tài phải kể đến Luật Trọng tài 1697, nhưng vào thời điểm luật được thông qua, đây đã là một phương thức rất phổ biến (phán quyết đầu tiên của trọng tài ở Anh được đưa ra vào năm 1610). Tuy nhiên các quy định sơ khai về trọng tài trong hệ thống luật common law thể hiện một hạn chế cơ bản là bất cứ bên tham gia tranh chấp nào cũng có thể khước từ việc thực hiện phán quyết của trọng tài nếu thấy phán quyết đó bất lợi cho mình. Hạn chế này đã được khắc phục trong Luật năm 1697.
Trong Hiệp ước Jay năm 1794, Anh và Mỹ đã thống nhất đưa các vấn đề còn đang tranh chấp liên quan đến các khoản nợ và biên giới ra giải quyết ở trọng tài. Việc giải quyết tranh chấp này kéo dài 7 năm, và được coi là kết thúc thành công.
Từ đầu thế kỷ XX, các nước (trong đó có Pháp và Mỹ) bắt đầu thông qua các đạo luật quy định và khuyến khích việc phân xử ở cấp trọng tài thay cho kiện tụng ở tòa án vốn được cho là kém hiệu quả hơn.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại thế giới, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng phát triển, dẫn tới việc hình thành những tổ chức trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các hợp đồng thương mại quốc tế.
Tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng được thừa nhận rộng rãi, đặc biệt là trong các thập kỷ gần đây. Các quốc gia sửa đổi luật pháp về trọng tài cho phù hợp với tình hình thực tế; các điều ước quốc tế về trọng tài đang có thêm những thành viên mới; trọng tài trở thành một môn học trong chương trình đào tạo ngành luật; các doanh nghiệp ngày càng tin tưởng vào một phương thức giải quyết tranh chấp linh hoạt, công bằng, với phán quyết được công nhận rộng rãi trên phạm vi thế giới.
Thậm chí, trọng tài hiện nay còn giải quyết tranh chấp "trực tuyến" (thường được biết đến với thuật ngữ ODR - online dispute resolution nghĩa là giải quyết tranh chấp trực tuyến). Trọng tài trực tuyến tiến hành khi có khiếu nại trực tuyến, thủ tục tố tụng diễn ra trên internet, trọng tài phân xử và ra phán quyết dựa vào hồ sơ do các bên xuất trình.
ii) Lịch sử phát triển của trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam
Ở Việt Nam, trọng tài đã xuất hiện từ thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa vào những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ XX dưới tên gọi là "trọng tài kinh tế". Trọng tài kinh tế khi đó có những đặc trưng phản ánh sự vận hành của cơ
chế kinh tế kế hoạch hóa, vừa mang chức năng quản lý và chức năng giải quyết tranh chấp; do đó, trọng tài kinh tế ở Việt Nam thời đó không phải là tổ chức trọng tài phi chính phủ theo đúng nghĩa. Khoa học pháp lý cũng chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu, làm rõ bản chất pháp lý của cơ quan này. Chính sách đổi mới đã dẫn đến sự phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền dẫn tới sự chấm dứt tồn tại của một số định chế đặc trưng cho kế hoạch hóa, trong đó có hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã dẫn đến nhu cầu thành lập các trung tâm trọng tài đúng nghĩa (phi Chính phủ) ở Việt Nam. Hiện nay ở Việt Nam có 7 trung tâm trọng tài kinh tế đang hoạt động (ACIAC, VIAC, HCMCAC, HCAC, CCAC, PIAC. VID.ARCE).
Sau khi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền bắc cơ bản hoàn thành, Đảng ta đã xác định vì hoạt động kinh tế là hoạt động làm nền tảng cho những hoạt động xã hội khác, đồng thời là một nhiệm vụ tương đối mới mẻ và khó khăn đối với Nhà nước ta, cho nên trước hết phải đặc biệt chú ý tăng cường hiệu lực của Nhà nước ta về mặt tổ chức quản lý kinh tế. Theo đó, nguyên tắc tập trung, chuyên môn hóa, hợp tác hóa… trong các ngành kinh tế được đề cao. Mọi hoạt động kinh tế trong chế độ ta đều diễn ra theo kế hoạch, mà kế hoạch Nhà nước là công cụ chủ yếu để quản lý kinh tế. Công tác kế hoạch hóa của Nhà nước kết hợp với đề cao trách nhiệm và phát huy sáng tạo của các ngành, các địa phương và cơ sở. Bộ máy quản lý kinh tế cũng được xây dựng trên nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ, bảo đảm hình thành các ngành kinh tế - kỹ thuật, các tổ chức kinh tế liên hiệp, các vùng kinh tế và các cơ cấu kinh tế địa phương.
Xét về mặt lịch sử, Trọng tài kinh tế xuất hiện và phát triển cùng với sự ra đời của chế độ hợp đồng kinh tế. Năm 1960, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định số 04/TTg ngày 04/01/1960 để ban hành Điều lệ tạm thời về Hợp đồng kinh tế. Ngày 14/01/1960, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/TTg về Tổ chức Trọng tài kinh tế (Nhà nước). Theo Nghị định này,
ngành Trọng tài kinh tế được tổ chức ở cấp Trung ương, khu, thành phố, tỉnh và bộ với chức năng chủ yếu là xử lý các tranh chấp hợp đồng kinh tế. Quy định này nhằm làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của các bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, thể hiện nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ, tích cực xây dựng cấp huyện và phân định trách nhiệm giữa huyện và tỉnh, thành phố.
Tiếp theo, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 54-CP ngày 10/03/1975 về chế độ hợp đồng kinh tế thay Nghị định số 04-TTg, ngày 14/04/1975, Chính phủ đã ra Nghị định số 75-CP ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trọng tài kinh tế nhà nước. Theo Bản Điều lệ này, Trọng tài kinh tế được thành lập như một cơ quan nhà nước có chức năng quản lý công tác hợp đồng kinh tế và giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế. Đó là chức năng giữ vững tính kỷ luật nhà nước về hợp đồng kinh tế, giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế và xử lý vi phạm hợp đồng kinh tế.
Với Nghị định số 24/HĐBT ngày 10/8/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Trọng tài kinh tế các cấp được thống nhất tên gọi là Trọng tài kinh tế, ngạch Trọng tài viên được xác lập. Ngày 17/04/1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 62/HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trọng tài kinh tế bộ, tỉnh, huyện. Trọng tài kinh tế cấp huyện được thành lập theo Nghị định này. Ngày 10/01/1990, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh về Trọng tài kinh tế quy định tổ chức, thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế. Đặc biệt, Pháp lệnh Trọng tài kinh tế đã bỏ Trọng tài cấp Bộ, nguyên tắc các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn Trọng tài đứng ra giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế được ghi nhận.
Như vậy, Trọng tài kinh tế là cơ quan thuộc hệ thống cơ quan chấp hành và điều hành của Nhà nước (Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân các cấp), có chức năng quản lý nhà nước đối với công tác hợp đồng kinh tế và giải
quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế. Nét đặc thù của Trọng tài kinh tế thể hiện ở chỗ, hoạt động giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm hợp đồng kinh tế cũng chính là phương tiện để đạt được mục đích trực tiếp điều hành, tổ chức các quan hệ kinh tế.
Nhìn khái quát từ góc độ lịch sử, ta thấy Trọng tài kinh tế từ chỗ là cơ quan nhà nước có chức năng chủ yếu là xử lý các vi phạm hợp đồng kinh tế (Nghị định số 20/TTg ngày 14/01/1960), đã phát triển thành một cơ quan Nhà nước có chức năng chủ yếu là quản lý công tác hợp đồng kinh tế (Nghị định số 75/CP ngày 14/04/1975, Nghị định số 24/HĐBT ngày 10/8/1981, Nghị định số 62/HĐBT ngày 17/04/1984, Pháp lệnh Trọng tài kinh tế ngày 12/01/1990). Quá trình phát triển đó của Trọng tài kinh tế tương ứng với việc ngày càng mở rộng vai trò của hợp đồng kinh tế.
Khi đất nước chuyển sang cơ chế kinh tế mới thì sự tồn tại của Trọng tài kinh tế với chức năng là một cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước - sản phẩm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung tỏ ra không còn phù hợp. Sự phát triển đa dạng các loại hình kinh tế cùng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế có hình thức sở hữu khác nhau dẫn đến sự thay đổi cả về hình thức, tính chất của tranh chấp và đi liền với nó là nội dung tranh chấp. Do vậy, phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế cũng đòi hỏi phải đổi mới. Chính vì vậy, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 28/12/1993, Tòa kinh tế chuyên trách được hình thành trong hệ thống Tòa án nhân dân từ ngày 01/7/1994 với chức năng giải quyết các tranh chấp kinh tế. Hệ thống trọng tài kinh tế nhà nước cũng giải thể từ ngày đó.
Trước những đòi hỏi khách quan về đa dạng hóa các hình thức và phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh phù hợp với đặc điểm của cơ chế thị trường, cũng như góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, ngày 05/09/1994, Chính phủ đa ban hành Nghị định số 116-CP về tổ chức và hoạt động của các Trung tâm Trọng tài kinh tế. Theo các quy định của
Nghị định này, Trọng tài kinh tế thực sự được xác định là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tức là tổ chức phi chính phủ có thẩm quyền giải quyết một số tranh chấp theo quy định, hoàn toàn tách rời với chức năng quản lý Nhà nước như trước đây. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị định 116-CP, đã có 6 Trung tâm trọng tài được thành lập với hơn 130 trọng tài viên. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan và khái quát thì trọng tài chưa thể hiện được vai trò của mình với chức năng là một cơ quan tài phán có vai trò hỗ trợ đắc lực cho Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp. Nhằm khắc phục những hạn chế, tăng cường hiệu quả và năng lực của các Trung tâm trọng tài và đội ngũ Trọng tài viên, ngày 25/02/2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh TTTM số 08/2003/PL-UBTVQH. Ngày 31/7/2003, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nghị quyết số 05/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh TTTM và ngày 15/01/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh TTTM. Có thể nói, Pháp lệnh đã mở rộng một cách đáng kể thẩm quyền cho Trọng tài ở nước ta so với thẩm quyền của Trọng tài theo Nghị định 116-CP; quy định đầy đủ, rõ ràng về thỏa thuận trọng tài, góp phần chấm dứt tình trạng "lấn quyền của Tòa án đối với trọng tài"; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc trở thành Trọng tài viên; ghi nhận hình thức trọng tài mới là trọng tài vụ việc; mở rộng thẩm quyền chọn Trọng tài viên cho các bên tranh chấp; ghi nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa Trọng tài với Tòa án; nâng cao vị thế của Trọng tài bằng việc ghi nhận tính được cưỡng chế thi hành của các phán quyết trọng tài; quy định nhiều cơ chế mới để đảm bảo cho việc thành lập các Trung tâm trọng tài được chặt chẽ hơn, trên cơ sở đó mà nâng cao chất lượng và uy tín của các Trung tâm Trọng tài.
Những quy định mới của Pháp lệnh TTTM đã tạo ra khả năng to lớn cho sự phát triển của TTTM ở nước ta, giúp giải quyết nhanh chóng các tranh chấp thương mại, giảm bớt gánh nặng của cơ quan Tòa án... Đồng thời, cùng
với các quy định pháp luật khác, pháp luật về trọng tài đã góp phần tạo nên một hệ thống pháp luật trong sạch, vững mạnh, phục vụ yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước.
Theo quy luật chung của sự phát triển và trưởng thành, ngày 17-6-2010, Quốc hội đã thông qua Luật TTTM thay thế cho Pháp lệnh TTTM năm 2003. Luật TTTM năm 2010 đã khắc phục được những điểm chưa rõ ràng của Pháp lệnh. Trong Luật TTTM năm 2010, hầu hết các chuẩn mực của pháp luật trọng tài quốc tế đã được tiếp thu và vận dụng một cách linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Bởi vậy, Luật TTTM năm 2010 hứa hẹn sẽ trở thành một công cụ pháp lý hữu hiệu, góp phần thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phát triển mạnh ở Việt Nam.