phát sinh từ hoạt động thương mại
Trọng tài là một loại hình cơ quan tài phán, do đó, vấn đề đầu tiên mà Nhà nước nào cũng phải quan tâm giải quyết là vấn đề về thẩm quyền của trọng tài. Trong lịch sử, trọng tài đã được sử dụng để giải quyết nhiều loại tranh chấp khác nhau: tranh chấp giữa các quốc gia, tranh chấp thương mại và tranh chấp lao động. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới thì trọng tài được thành lập chủ yếu để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại. Tùy theo quan điểm của mỗi nước, mà thẩm quyền của trọng tài có thể được quy định khác nhau, nhưng có một điểm chung nhất là pháp luật trọng tài các nước đều thừa nhận trọng tài là một phương thức phổ biến và hữu hiệu trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại. Điều 2 Luật Trọng tài Trung Quốc thừa nhận: "Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng và các tranh chấp liên quan tới quyền sở hữu và các lợi ích phát sinh giữa các chủ thể dân sự có địa vị pháp lý ngang nhau, như giữa các công dân, pháp nhân hoặc tổ chức khác có thể được giải quyết bằng trọng tài" [19]; Điều 1 Luật Trọng tài Thụy Điển quy định: "Mọi tranh chấp liên quan đến một vụ việc dân sự cũng như việc bồi thường thiệt hại do hành vi tội phạm có thể được các bên thỏa thuận giải quyết bởi một hoặc các trọng tài viên" [18]. Như vậy, phạm vi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài rất rộng, bao gồm hầu như mọi tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể có địa vị pháp lý ngang bằng nhau.