DÙNG
Cùng với nguồn vốn đang tăng lên nhanh chóng và được di chuyển khắp nơi trên thế giới nhằm tối đa lợi nhuận cho các nhà đầu tư, sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ (hầu hết ở phương Tây) đã ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ thương mại trên thế giới. Một trong những ví dụ rõ nét nhất về ảnh hưởng của sự thay đổi công nghệ ở các quốc gia phát triển tới lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu của các nước đang phát triển đó là sự phát triển sản phẩn nhân tạo thay thế cho các sản phẩm thô truyền thống. Trong vòng 4 thập kỉ qua, các sản phẩm nhân tạo thay thế cho các hàng sản phẩm thô như cao su, hàng len, bông, sợi gai, sợi đay, da thú đã được sản xuất ngày càng nhiều. Trong tất cả các trường hợp, thị phần các sản phẩm thô của các nước đang phát triển giảm một cách đáng kể. Ví dụ, trong giai đoạn từ 1950 đến 1980 tỷ trọng cao su tự nhiên trong tổng tiêu thụ của thế giới giảm từ 62% xuống còn 28%, tỷ lệ bông trong tổng tiêu thụ sợi giảm từ 41% xuống 29%. Sự thay thế về mặt công nghệ, cùng với độ co giãn của cầu theo giá và thu nhập của các sản phẩm thô là thấp, và sự gia tăng bảo hộ nông nghiệp của các nước phát triển đã giải thích tại sao việc theo đuổi không có phê phán lý thuyết lợi thế so sánh có thể gây rủi ro và thường không mang lại thành công cho nhiều nước đang phát triển.
Tuy nhiên, xét theo khía cạnh khác, có luận điểm cho rằng việc các công nghệ mới do các nước phương Tây phát triển có mặt ở tất cả mọi nơi trên thế giới đã khiến các nước công nghiệp hóa mới có cơ hội có được những công nghệ này. Thông qua bước đầu tiên là bắt chước các sản phẩm được sáng chế ở nước ngoài, một số nước dang phát triển có đủ điều kiện về vốn con người (ví dụ các nước công nghiệp mới châu Á) có thể đi theo chu kì sản phẩm của thương mại quốc tế. Với việc áp dụng mức lương thấp hơn một cách tương đối, các nước chuyển từ sản xuất các sản phẩm với công nghệ thấp sang công nghệ cao, thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các quốc gia đã tiến hành quá trình công nghiệp hóa trước đó.
Giả định về thị hiếu và sở thích của người tiêu dùng trên thế giới có tính cố định và quyết định cơ cấu sản xuất thông qua tín hiệu của thị trường là một giả thiết phi thực tế nữa của lý thuyết này. Không chỉ có vốn và công nghệ sản xuất được truyền bá khắp thế giới thông qua hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia được trợ giúp và khuyến khích từ chính phủ của mình, mà sở thích và thị hiếu của người tiêu dùng thường được tạo nên và kích thích thông qua chiến dịch quảng cáo của các công ty tài chính hùng mạnh chi phối thị trường nội địa. Bằng việc tạo ra nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, các doanh ngiệp quốc tế chiém lĩnh thị trường nội địa có thể tạo ra các điều kiện để gia tăng lợi nhuận. Đây là nét đặc thù ở các nước đang phát triển, nơi bị hạn chế thông tin và thông tin không hoàn hảo về cả phía sản xuất và tiêu dùng đã tạo nên trường hợp thị trường không hoàn hảo ở mức độ cao. Ví dụ, người ta ước tính ở các nước đang phát triển, hơn 90% quảng cáo được tài trợ bởi các hãng nước ngoài kinh doanh trong thị trường nước đó. Như đã đề cập trong các chương trước, người tiêu dùng hiện tại thường không có quyền lực tối thượng về bất cứ sản phẩm nào,chưa kể việc không biết được các công ty đa quốc gia sẽ sản xuất ra những hàng gì với số lượng bao nhiêu.