TÓM TẮT VÀ KẾT LUẬN: NHỮNG NGƯỜI LẠC QUAN VÀ NHỮNG NGƯỜI BI QUAN

Một phần của tài liệu Chuyên khảo - QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN (Trang 58)

I. CÁC CHIẾN LƯỢC THƯƠNG MẠI NHẰM PHÁT TRIỂN KINH TẾ: KHUYẾN KHÍCH XUẤT KHẨU VÀ THAY THẾ NHẬP KHẨU

3. TÓM TẮT VÀ KẾT LUẬN: NHỮNG NGƯỜI LẠC QUAN VÀ NHỮNG NGƯỜI BI QUAN

NGƯỜI BI QUAN

Bây giờ chúng ta tóm tắt những ý chính được đưa ra và những lý luận trong quá trình tranh luận giữa một bên ủng hộ chính sách thương mại tự do, phát triển hướng ngoại và khuyến khích xuất khẩu - người lạc quan về thương mại - với một bên ủng hộ bảo hộ, chiến lược phát triển hướng nội, và thay thế nhập khẩu - người bi quan về thương mại.

3.1. Lý lẽ của trường phái bi quan

Những người theo trường phái này có xu hướng tập trung vào 3 chủ đề: (1) tăng trưởng nhu cầu sản phẩm thô xuất khẩu bị hạn chế, (2) hệ số trao đổi thương mại giảm do giá hàng sản phẩm thô xuất khẩu giảm, (3) sự gia tăng của “các chế độ bảo hộ mới” chống lại hàng xuất khẩu công nghiệp và nông nghiệp chế biến của các nước LDC.

Xuất khẩu của các nước LDC chậm là do: (1) sự thay đổi trong các nước phát triển, từ công nghệ thấp, sản phẩm cần nhiều nguyên liệu sang công nghệ cao, sản phẩm cần nhiều kỹ thuật đã làm giảm nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô, (2) hiệu quả tăng lên trong việc sử dụng nguyên liệu thô của ngành công nghiệp, (3) vật liệu nhân tạo thay thế cho nguyên liệu tự nhiên như cao su, mạ đồng, và sợi tổng hợp, (4) sự co giãn của thu nhâp đối với nhu cầu sản phẩm thô và sản phầm của ngành công nghiệp nhẹ thấp, (5) tăng năng suất nông nghiệp của các nước phát triển và (6) sự gia tăng bảo hộ đối với cả nông nghiệp và các sản phẩm cần nhiều lao động của các nước công nghiệp phát triển.

Giá trị thương mại giảm là do (1) kiểm soát có mức độ thị trường yếu tố sản xuất và thị trường hàng hóa tại các nước phát triển cùng với sự gia tăng cạnh tranh nguồn cung của các hàng hóa xuất khẩu tại LDC và (2) mức độ co giãn của thu nhập về cầu hàng xuất khẩu của LDC thấp.

Sự gia tăng của chế độ bảo hộ mới trong thế giới phát triển là do sự thành công của một số nước chậm phát triển trong việc mở rộng sản xuất các loại mặt hàng cả sơ cấp và thứ cấp tại mức giá cạnh tranh trên thị trường thế giới, cộng với sự lo sợ bị mất việc của công nhân có lương cao tại các nước phát triển. Họ gây áp lực với các chính phủ ở Bắc Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản để giảm hoặc cấm những hàng nhập khẩu cạnh tranh từ các nước đang phát triển. Vì vậy, những người bi quan kết luận rằng thương mại làm ảnh hưởng xấu đến các nước đang phát triển vì (1), nhu cầu các sản phẩm truyền thống tăng chậm có nghĩa là việc gia tăng xuất khẩu sẽ giảm giá hàng xuất khẩu và chuyển thu nhập từ nước nghèo sang nước giàu, (2) nếu không hạn chế nhập khẩu, sự co giãn lớn của cầu nhập khẩu và co giãn ít của xuất khẩu có nghĩa là các nước đang phát triển phải tăng trưởng chậm để tránh khủng hoảng cán cân thanh toán và trao đổi thương mại, và (3) các nước phát triển có lợi thế so sánh trong sản xuất mặt hàng sơ cấp, điều này có nghĩa là chính sách khuyến khích xuất khẩu có xu hướng hạn chế công nghiệp hoá, công cụ chính để tích lũy kỹ năng công nghệ và tố chất doanh nhân. Những người bi quan thương mại cho rằng tự do thương mại thông qua WTO bị hạn chế trên thực tiễn, với việc các nước chậm phát triển không có những luật sư có quyền lực cao và các nguồn lực cần thiết khác để buộc thị trường các nước phát triển mở cửa.

3.2. Lý lẽ của trường phái lạc quan

Những người này có xu hướng xem nhẹ vai trò của cầu quốc tế trong việc xác định lợi ích từ thương mại. Thay vào đó họ tập trung vào mối quan hệ giữa chính sách thương mại của các nước chậm phát triển, thành quả xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Họ cho rằng tự do thương mại (bao gồm khuyến khích xuất khẩu, hạ giá đồng tiền, xoá bỏ rào cản thương mại) làm xuất khẩu tăng nhanh và tăng trưởng kinh tế bởi vì thương mại tự do đem lại một số lợi ích như sau:

1. Thúc đẩy cạnh tranh, cải thiện việc phân bổ nguồn lực và quy mô kinh tế ở những nước chậm phát triển có lợi thế so sánh. Chi phí sản xuất do vậy sẽ thấp đi.

2. Tạo ra áp lực phải tăng hiệu quả, cải tiến sản phẩm và thay đổi công nghệ, vì vậy tăng năng suất lao động và dẫn tới chi phí sản xuất giảm.

3. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm tăng lợi nhuận, tăng tiết kiệm và đầu tư, do đó tăng trưởng kinh tế hơn nữa.

4. Thu hút vốn đầu tư và công nhệ của nước ngoài, những yếu tố hiếm có của các nước chậm phát triển.

5. Tạo ra nguồn ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu lương thực nếu như khu vực nông nghiệp kém phát triển, bị hạn hán hoặc chịu những thiên tai.

6. Loại trừ được những tổn thất về kinh tế do sự can thiệp của chính phủ vào cả thị trường xuất khẩu và thị trường ngoại hối, thay việc phân phối theo thị

trường cho các hành vi tham nhũng và tìm kiếm địa tô gây ra bởi khu vực nhà nước.

7. Thúc đẩy cơ hội tiếp cận với những nguồn lực quý hiếm công bằng hơn, làm cải thiện phân bổ nguồn lực

8. Cho phép các nước chậm phát triển tận dụng được lợi ích của những đổi mới từ WTO.

Cuối cùng, những người lạc quan về thương mại cho rằng khuyến khích xuất khẩu đầu tiên có thể gặp khó khăn về lợi ích bị hạn chế - đặc biệt so sánh với lợi ích có được dễ dàng từ việc áp dụng chiến lược thay thế nhập khẩu giai đoạn đầu tiên - trong dài hạn, lợi ích kinh tế có xu hướng tích cóp động lực, trong khi thay thế nhập khẩu phải đối mặt với xu hướng doanh thu giảm dần.

3.3.HỢP NHẤT CÁC LÝ LẼ: DỮ LIỆU VÀ SỰ NHẤT TRÍ

Chúng ta có thể xem xét lại sự tranh luận trên hai khía cạnh, thực tiễn và lý thuyết. Rostam M. Kavoussi cho rằng bằng chứng thực tế chứng tỏ một cách rõ ràng là không ai, người lạc quan hay bi quan về thương mại, đúng hoàn toàn trong mọi thời gian. Nó phụ thuộc vào sự thay đổi của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, khi nền kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng trong thời kỳ từ 1960 đến 1973, các nước LDC càng mở cửa nền kinh tế thì có được kết quả tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với các nước đóng cửa (cả về xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế). Lý luận này của người lạc quan dường như đúng trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế thế giới nhanh. Nhưng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại từ năm 1973 đến năm 1977, càng mở cửa nền kinh tế (trừ 4 nước công nghiệp mới ở châu Á) thì tình hình càng khó khăn và những người bi quan lại đúng hơn. Nghiên cứu tiếp theo của Hans W. Singer và Patricia Gray năm 1988, dựa trên việc mở rộng phân tích thực tiễn của Kavoussi thời kỳ 1977-1983, đưa ra kết quả là khi điều kiện thế giới không thuận lợi tốc độ tăng trưởng cao của thu nhập xuất khẩu chỉ xảy ra khi nhu cầu thế giới tăng mạnh. Kết luận của họ dường như đúng trên phạm vi rộng hơn trong những năm sau đó. Tăng trưởng xuất khẩu của các nước LDC rất nhanh chóng trong thời kỳ tăng trưởng nhanh cuối những năm 1990, nhưng nó lại giảm sút mạnh trong thời kỳ suy thoái bắt đầu vào năm 2000.

Những thay đổi về chính sách thương mại dường như có ít hoặc không có tác động. Hơn nữa, những nước có thu nhập thấp thường gặp khó khăn trong tất cả các thời kỳ. Singer và Gray cho rằng trái với quan điểm của Ngân hàng thế giới và những người lạc quan, chính sách phát triển hướng ngoại không phải là cơ sở chắc chắn cho các nước chậm phát triển. Do đó, có thể kết luận là cả khuyến khích xuất khẩu hay thay thế nhập khẩu đều chưa rõ là chiến lược nào tốt hơn.

Phân tích cuối cùng, không chiến lược hướng nội hay hướng ngoại sẽ quyết định sự phát triển hay không của các nước đang phát triển. Các chính sách hướng nội

và bảo hộ như thuế, hạn ngạch và điều chỉnh tỷ giá hối đoái không nhất thiết là sẽ bảo đảm được nhiều việc làm hơn, thu nhập cao và được phân phối công bằng hơn, sức khỏe và dinh dưỡng đầy đủ hơn, nước sạch và giáo dục phù hợp hơn là những chính sách hướng ngoại và không bảo hộ mang lại. Chính sách khuyến khích xuất khẩu đóng góp cho tăng trưởng GNP nhiều hơn so với chính sách thay thế nhập khẩu trong suốt những năm 60 và 70. Kết quả tương tự đã không xảy ra ở thời kỳ tăng trưởng chậm, những năm 80. Hơn nữa, sự thành công của việc khuyến khích xuất khẩu trong thời kỳ toàn cầu hoá, những năm 1990, khác nhau một cách đáng kể giữa các vùng và các nước. Một vài nước thành công, một vài nước khác đình trệ, và một vài nước châu Á đã thành công trước đó thông qua chính sách tự do hóa thương mại và tài chính (ví dụ: Thái Lan, Inđônêsia, Malaysia và Hàn Quốc) đã gặp khó khăn khi mà đồng tiền của họ bị sụt giá và những nhà đầu tư nước ngoài cùng với những kẻ đầu cơ nhanh chóng rút vốn.

Tóm lại, sự thống nhất hiện tại nghiêng về phía quan điểm chiết trung, cố gắng phù hợp với lý lẽ hợp lý của cả mô hình tự do thương mại và mô hình bảo hộ đối với tình hình thực tiễn về kinh tế, thể chế, chính trị của các quốc gia cụ thể. Có chính sách phù hợp với nước này nhưng lại không phù hợp với nước khác. Ví dụ, trước năm 1997 những câu chuyện về sự thành công của các nước Đông Á có thể ít phù hợp cho các nước đang phát triển khác.

Kết luận, tất cả các tranh luận ở trên đều bỏ sót một trong những chính sách thương mại dài hạn thành công của các nước đang phát triển nhỏ hay trung bình. Đó là sự mở rộng thương mại giữa các nước đang phát triển - giữa các nước phát triển với nhau hơn giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển – và sự hội nhập kinh tế trong các vùng của các nước đang phát triển.

Một phần của tài liệu Chuyên khảo - QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w