Kịch trong mối quan hệ với luân lí

Một phần của tài liệu Bước đầu tái dựng tiến trình phát triển của kịch nói việt nam từ khởi thủy cho đến những năm 40 của thế kỉ XX (Trang 95)

Ngay từ khi kịch vẫn chưa ăn sâu và bám rễ vào nền văn học Việt Nam, khi nó mới được hình dung như một thể loại xa lạ, thì những nhà dịch giả đã gán cho nó cái ý nghĩa luân lí. Thật ra, đây cũng là một thực tế chung đối với tất cả các loại hình nghệ thuật lúc đó. Khi mà trong xã hội, những tư tưởng cũ - mới đang giao tranh. Cái mới chưa được định hình, trong con mắt của những nhà Nho, trở thành cái lố lăng, làm hại cho phong hóa nước nhà. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của kịch dĩ nhiên sẽ đóng vai trò như một công cụ để truyền tả nội dung luân lí, đạo đức. Một điều đặc biệt nằm ngay trong chính bản thân thể loại kịch sẽ sớm được khai thác và lợi dụng vào mục đích phi văn học này, đó là tính diễn xướng của kịch. Chính hoạt động diễn kịch tạo nên ở kịch khả năng khuyến giáo rất cao. Bởi những gì được diễn, sẽ có tác dụng trực quan rất tức thì, hiệu ứng của nó được tăng lên rõ rệt. Đây là điều không phải loại hình nghệ thuật nào cũng có được. Chính bởi thế, ngay từ đầu, các dịch giả đã nhận thấy khả năng “kiểu chính nhân tâm” của thể loại này. Điều này thể hiện rất rõ khi Phạm Quỳnh biên soạn những bài lí luận sơ khai về kịch cho toàn thể quốc dân được rõ. Khi giới thiệu về nghề diễn kịch ở châu Âu, ông đã viết: “Mục đích diễn kịch là bày ra một cái đại công đức sự nghiệp gì để cho ta cảm động mà muốn theo, hay là vẽ ra những thói hư tật xấu của người đời để cho ta buồn cười mà muốn chừa, cốt là khiến cho người ta sinh ra cái lòng mến yêu điều thiện và ghét sự ác. Mục đích ấy, tuy về sau cũng có nhiều nhà soạn kịch làm sai đi, nhưng nguyên là có quan hệ với luân lí, với đạo đức lắm.” [20]. Như vậy, diễn kịch là một cách thể hiện nội dung khuyến trừng giống như trong văn chương nho giáo. Những bài giới thiệu này có một vị trí rất đặc biệt đối với sự phát triển kịch sau đó. Nó tạo ra một sự hướng đường cho hoạt động kịch sau này. Vì thế, những tác phẩm đầu tiên như Chén thuốc độc, Tòa án lương tâm của Vũ Đình Long đều mang đậm nội dung đạo đức. Từ đó, nó tạo ra một mô thức trong sáng tạo: mỗi bài kịch là một bài luân lí.

Điều này tác động đến cả hoạt động diễn kịch.Ngay cả diễn viên cũng coi việc diễn của mình là đang hóa thân, thực hiện công việc một nhà diễn thuyết để mà cảnh tỉnh người đời. Có thể nhận thấy điều này qua lời của ông Dương Nhữ Tiếp, hội trưởng hội đồng diễn kịch Chén thuốc độc: “Chúng tôi theo cách mua vui cao thượng của các bậc danh nhân các nước văn minh, muốn mang những trò tuồng trong nhân thế lên sân khấu mà phô diễn, tả những nết hay, tật xấu của người đời, lấy tư cách một nhà diễn thuyết mà để mình vào trong các vai tuồng mong vì đời mà cảnh tỉnh”. Nói như vậy để thấy, giá trị luân lí đã bao trùm đời sống kịch trường. Nghệ thuật kịch không được chú trọng. Việc các nhà viết kịch đã kết cấu vở kịch như thế nào thì ít được bàn đến; thay vào đó là việc mổ xẻ xem tác phẩm đã nêu nên bài học gì cho quốc dân, và bài học ấy bổ ích như thế nào. Như vậy, bản thân kịch là thể loại có nguồn gốc Âu Tây, nhưng khi vào Việt Nam, nó được nhìn qua lăng kính của các nhà nho.

Nhìn vào thực tế sự phát triển của kịch từ khởi thủy đến khi có những tác phẩm đầu tiên, có thể nhận thấy mối quan hệ giữ kịch và luân lí rất nặng nề. Nó thể hiện quán tính của văn chương nho giáo đã lấn quá sâu và ảnh hưởng đến quá trình văn học chuyển mình theo hướng Âu Tây hóa. Rõ ràng, kịch là bộ môn tân kì nhất, mang bản sắc văn hóa châu Âu, nhưng khi gia nhập gia đình văn học nước ta, thì chính nó cũng nhiễm những di chứng của nền văn hóa Á Đông.

Một phần của tài liệu Bước đầu tái dựng tiến trình phát triển của kịch nói việt nam từ khởi thủy cho đến những năm 40 của thế kỉ XX (Trang 95)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w