Giai đoạn từ 1940 đến

Một phần của tài liệu Bước đầu tái dựng tiến trình phát triển của kịch nói việt nam từ khởi thủy cho đến những năm 40 của thế kỉ XX (Trang 70)

Đây là thời kì kịch có sự chuyển hướng trong sáng tác và biểu diễn. Những tác phẩm kịch thơ của Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử từ giai đoạn trước, đã mở ra một hướng đi mới cho kịch trường. Kịch thơ đã trở thành một trào lưu rộng khắp và năng sản nhất. Chỉ trong vòng vài năm, kể từ 1940, cho đến khoảng 1944, 1945, nó đã tạo ra một số lượng tác phẩm rất lớn, và lôi cuốn được lực lượng đông đảo những người sáng tác kịch.

Đây cũng là thời kì khá đặc biệt của xã hội Việt Nam. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ ở phạm vi toàn thế giới, thực dân Pháp thua trận ở nhiều mặt trận. Khi phát xít Nhật vào chiếm Việt Nam, thực dân Pháp dễ dàng đầu hàng. Từ đây, nước ta rơi vào tình trạng một cổ hai tròng. Cả hai kẻ thù đều muốn tranh giành thuộc địa. Nhật dấy lên các khẩu hiệu “Cách mạng quốc gia”, “Cần lao - Gia đình - Tổ quốc”, lấy cớ Nhật - Việt cùng trong khối Đông Á để lừa gạt, thu hút người Việt về phía mình. Trong khi đó, thực dân Pháp, sau khi đã không bảo vệ được thuộc địa của mình, trong tình thế này, vẫn cố gắng giương cao khẩu hiệu “Việt - Pháp phục hưng”, và đề ra phong trào phục cổ, nhằm đánh lạc hướng người Việt, tạo ra một cảm giác giả tạo: hướng về quá khứ, ru ngủ tinh thần quốc dân, quên đi thực tại mất nước.

Phong trào văn nghệ phục cổ lan rộng khắp cả nước, thể hiện ở tất cả các lĩnh vực văn hóa tinh thần như thơ ca, hội họa, âm nhạc, kịch, khảo cứu…Các văn nghệ sĩ Việt Nam coi đây là cơ hội để thể hiện lòng yêu nước của mình. Tìm về quá khứ lịch sử là cách để họ thể hiện niềm tự hào dân tộc vẫn luôn âm ỉ cháy. Trong mĩ thuật, các họa sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh,…đã tìm cội nguồn cảm hứng trong những hình ảnh thân thuộc và thuần tính Việt nhất. Trong âm nhạc, các sáng tác của Lưu Hữu Phước (Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang…), Văn Cao (Trường ca sông Lô, Bắc Sơn…), đều thể hiện được âm hưởng dân tộc. Đây cũng là thời kì hoạt động khảo cứu lịch sử và văn hóa rất thịnh hành. Các tờ báo chuyên về khảo cứu giá trị văn học cổ như: Tri tân, Thanh nghị hoạt động mạnh mẽ

và lôi cuốn được rất nhiều văn nghệ sĩ ở rất nhiều lĩnh vực. Trong tình trạng tất cả các sáng tác đều phải thông qua sự kiểm duyệt rất gắt gao, thì đây là một cơ hội cho nghệ sĩ có thể thể hiện được lòng yêu nước của mình một cách công khai, và cũng là cơ hội để văn nghệ sĩ cổ động cho tinh thần dân tộc, làm thức dậy niềm tự hào dân tộc. Chính bởi mục tiêu ngầm ẩn ấy, mà phong trào văn nghệ phục cổ có sức lan rộng đến như thế. Cũng tại thời điểm này, không khí văn đàn sôi nổi hẳn lên. Chính tại thời điểm này, kịch chuyển hướng trong chủ đề, đề tài. Kịch lịch sử nổi lên như một trào lưu đầy thu hút. Các nhà viết kịch đã hướng ngòi bút của mình vào kho tàng lịch sử nước nhà, khơi dậy lại những câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử. Hầu hết các vở kịch đều được viết dưới hình thức kịch thơ.

Người mở màn cho mùa kịch lịch sử là Phan Khắc Khoan với hai tác phẩm Trần Can (kịch lịch sử 3 hồi) sáng tác năm 1939 và Lý Chiêu Hoàng sáng tác năm 1940. Trong đó, Trần Can đã được công diễn ba lần: tại Thanh Hóa - 3/3/1940, tại Bắc Ninh - 25/3/1940, tại Vinh - 8/2/1941. Hai vở kịch được nhà in Quang hoa xuất bản năm 1942.

Sau đó, ông cho đăng nhiều tác phẩm trên tạp chí Tri tân: Vua Lê Chiêu Thống đăng trên Tri tân số 44 (tháng 4 năm 1942). Phạm Thái, Tri tân từ số 94 đến 103 (từ tháng 5 đến tháng 6 năm 1943). Nguyễn Hoàng, Tri tân số 86 (tháng 3 năm 1943). Ải Bắc, năm 1942.

Vi Huyền Đắc trong giai đoạn này cũng viết hai vở kịch thơ lịch sử: Kinh Kha, nhà in Hàn thuyên xuất bản, 1942. Vở kịch đã được ban kịch Thế Lữ công diễn hai đêm cuối tuần: 2 và 3/19/1943.

Lệ chi viên (kịch quốc sử 5 đoạn), diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, đêm 18,19/11/1944. Vở kịch sau đó được xuất bản năm 1945.

Đoàn Phú Tứ tiếp tục xuất bản tác phẩm sáng tác từ giai đoạn trước. Năm 1941, tập kịch Mơ hoa được Đời nay xuất bản. Trong trào lưu mới này, ông có sáng tác thêm ba vở kịch: Hai vợ chồng (kịch ngắn 1 hồi), đăng trên Thanh nghị số 9 năm 1942; Không nắng thì mưa, năm 1943; đáng chú ý hơn cả là vở kịch Ngã ba, đăng trên Thanh nghị từ số 29 đến 34, năm 1943.

Khái Hưng cũng vẫn tiếp tục với các vở kịch: Cóc tía và Quyển sách ước, kịch 3 hồi (Đời nay xuất bản năm 1940); song gây tiếng vang lớn nhất là vở kịch Đồng bệnh (Đời nay xuất bản năm 1942). Vở kịch này đã được Ban kịch Hà Nội diễn vào đêm 12/12/1942, tại Nhà hát lớn Hà Nội để giúp quỹ cứu tế quốc gia. Cũng năm 1942, nhà xuất bản Đời nay cho in tập kịch Đồng bệnh gồm ba vở kịch: Đồng bệnh, Nhất tiếu, Khúc nghê thường.

Vũ Hoàng Chương là tên tuổi mới trong làng kịch. Giai đoạn này ông trở nên nổi tiếng với các tác phẩm: Vân Muội (đăng trong Giai phẩm, 1943) vở kịch được Ban kịch Hà Nội diễn vào đêm 12/12/1942 (cùng với vở Đồng bệnh của Khái Hưng) tại Nhà hát lớn Hà nội. Năm 1943, ông viết vở Hồng Điệp, đăng trên Giai phẩm và Thanh nghị (số 51,52,53,54 tháng 1/1944). Năm sau, ông viết Chương Chi, in tại Nhà xuất bản Anh Hoa năm 1944. Các tác phẩm của ông đều tạo nên những tiếng vang trong giới kịch trường.

Hoàng Cầm cũng là cái tên mới với hai kịch thơ nổi tiếng: Kiều Loan (1942), và Hận Nam Quan (1942). Hai vở kịch này đều đã được công diễn và tạo tiếng vang lớn.

Hai nghệ sĩ lãng mạn thời kì này là Yến Lan và Nguyễn Bính viết chung vở Bóng giai nhân (1942). Vở kịch đã được Ban kịch Hà Nội diễn đêm 10/10/1942.

Trần Tử Anh viết Thế chiến quốc năm 1942, được ban kịch Hà Nội diễn cùng với Bóng giai nhân của Yến Lan và Nguyễn Bính.

Lưu Trọng Lư viết Ngọc Du Ngọc Duệ năm 1942. Vở kịch này được biểu diễn ở nhiều nơi: Đà Nẵng, Hội An, Huế…

Thế Lữ giai đoạn này dịch vở Trường hận (viết bằng tiếng Pháp) của Vi Huyền Đắc (1938), cho diễn thử nghiệm hai trường đoạn, lấy tên là: Trầm Hương Đình và Mã Phôi Pha. Buổi diễn này, Thế Lữ đã thể hiện một cải biên lớn trong việc diễn kịch thơ. Ông đã cách tân cách ngâm theo lối thông thường, chỉ giữ lại tính âm nhạc trong lời nói để tập trung vào hành động kịch.

Thao Thao viết Quán biên thùy và Duy tân năm 1943; Người mù dạo trúc năm 1945.

Phạm thao viết vở Trưng vương (kịch lịch sử bằng thơ 6 cảnh), vở kịch được ban kịch Thanh niên diễn giúp trại hè tại Hà Đông năm 1943.

Mai Phương có viết Lọ vàng, đã diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội (theo lời giới thiệu trên Thanh nghị số 48).

Kim Chung viết Trưng vương khởi nghĩa, vở kịch này được Sĩ Tiến dàn cảnh, ban hát thanh niên diễn tại rạp Tố Như Hà Thành đêm 13/12/1942.

Trên Tri tân có đăng nhiều vở kịch ngắn của các tác giả không chuyên: Trận giết Liễu Thăng (kịch ngắn bằng thơ 3 cảnh) của Đỗ Hoàng Lạc - Tri tân số 65 năm 1942; Ngũ Tử Tư (kịch lịch sử bằng thơ) của Xuyên Hồ - Tri tân số 34, năm 1942; Hưng Đạo (kịch lịch sử 3 hồi bằng thơ) của Trần Văn Bích, Tri tân số 64, 66, năm 1942; Cám dỗ (kịch bằng thơ 1 hồi), của thúy Minh, Tri tân số 49, năm 1942.

Cũng trên Tri tân, đáng chú ý là sự xuất hiện của Lưu Quang Thuận như là nhà viết kịch đầy hứa hẹn. Các tác phẩm đã đăng: Lê Lai đổi áo (kịch thơ ngắn), Tri tân só 109 (26/8/1943), vở kịch đã được diễn tại lửa trại hướng đạo Phong Lê tại Quảng Nam và sân khấu Hà Đông ngày 17/3/1943; Yêu Ly (kịch dài bằng thơ, 3 hồi 2 cảnh và 1 khai từ), sáng tác năm 1942, Tri tân đăng từ số 201 đến 210, năm 1945;

Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều vở kịch lịch sử khác, các vở đều được diễn ở phạm vi rất rộng. Chu du đại chiến Uất Trì (kịch vui 3 cảnh), sáng tác năm 1942, đã diễn tại Hà Đông, Hội An, Đà Nẵng…từ 1942 cho đến 1945; Giáo viên xuống âm phủ (kịch vui 1 hồi), sáng tác năm 1944, đã diễn tại Hà Đông, Việt Trì, Nam Định…; Người Hoa Lư (kịch thơ 3 màn), đã diễn ở Vinh do ban Hoát Châu diễn giúp Bình dân học vụ năm 1945.

Cũng trên Tri tân, đáng chú ý nhất là vở kịch lịch sử Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng (đăng từ số 121 đến 139, từ tháng 11/1943 đến tháng 4/1944). Vở kịch đánh dấu tài năng và tầm vóc văn hóa của nhà viết kịch

trẻ tuổi. Đây cũng là một đỉnh cao nghệ thuật của nền văn học kịch Việt Nam từ khi hình thành cho đến trước Cách mạng Tháng tám.

Tại Nam kì, kịch không phát triển rầm rộ và thu hút đông đảo văn nghệ sĩ tham gia như tại Bắc kì. Nhưng trong thời gian này, có một số vở kịch lịch sử rất đáng chú ý, tạo được những tiếng vang lớn, cổ động được tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Phong trào viết và diễn kịch tại Nam kì thời gian này thường gắn với các hoạt động yêu nước của sinh viên, thanh niên.

Hoàng Mai nổi tiếng khắp Nam kì với vở kịch lịch sử 4 hồi Đêm Lam Sơn. Vở kịch được sinh viên Sài Gòn tổ chức diễn vào các đêm 14, 21, 22/6/1943). Vở kịch này có tác động rất lớn đến công chúng nói chung và với sinh viên, thanh niên nói riêng. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc được đánh thức. Trong tiếng nhạc của Lưu Hữu Phước, nó lại càng phát huy được hiệu ứng của mình, và buổi diễn kịch biến thành nơi cổ động lòng yêu nước của thanh niên.

Nguyễn Xuân Trâm giai đoạn này cũng có viết một số vở: Trưng Vương khởi nghĩa, Hội nghị Diên Hồng, Lam Sơn họp mặt… Các vở này được diễn chủ yếu tại các tỉnh Nam kì như Huế, Bình Định, Nha Trang, Tuaran, Sài Gòn…và cũng tạo nên sự hưởng ứng lớn.

Tiểu kết:

Nhìn lại tình hình phát triển của kịch ở giai đoạn này, có thể nhận thấy cảm hứng lịch sử đã tạo nên sức hấp dẫn rất lớn đối với hoạt động sáng tác và biểu diễn. Kịch lịch sử đã trở thành một trào lưu rộng khắp, lôi cuốn hầu hết văn nghệ sĩ tham gia, từ những tác giả chuyên viết kịch, đã trở nên nổi tiếng từ giai đoạn trước cho đến những tác giả không chuyên. Đây được coi là thời kì năng sản nhất của nền kịch việt Nam. Thực tế, chỉ trong vòng mấy năm, từ khi mùa kịch kịch sử bắt đầu (1940) cho tới khi Cách mạng tháng tám nổ ra (1945), phong trào kịch đã tạo ra được một khối lượng tác phẩm rất lớn, không kém khối lượng tác phẩm của thời kì trước. Tốc độ sản sinh tác phẩm lớn hơn nhiều lần, ngay cả cho đến sau này, kịch cũng không thể đạt được tốc độ như thế. Điều này chứng tỏ việc

tìm về quá khứ, nhìn lại lịch sử đã tạo nên cảm hứng rất lớn cho hoạt động sáng tác.

Cảm hứng lịch sử cũng đã có tác động rất lớn đến bản thân sự phát triển của kịch giai đoạn này. Một mặt, nó kích thích sáng tác. Mặt khác, nó lại là động lực kích thích để các tác giả phải trở lại các vấn đề của lịch sử dân tộc. Nó góp phần tạo ra một không gian, cũng là một cơ hội để cả người sáng tác lẫn công chúng nhìn lại lịch sử của mình. Trong bối cảnh chúng ta bị xâm lăng và đang mất chủ quyền, thì điều này đặc biệt quan trọng. Tuy vậy, đây lại là một thách thức cho những ai muốn đật dấu ấn lên kịch trường. Bởi kịch lịch sử không đơn thuần là việc đem diễn lại các tích lịch sử lên sân khấu, mà quan trọng nhất là thể hiện cách nhìn của tác giả và đạo diễn về vấn đề lịch sử ấy. Nếu như vậy thì đây lại là một lĩnh vực rất khó thành công. Bởi nhà viết kịch, ngoài chuyện am tường lịch sử như một điều kiện tiên quyết thì ông ta phải là người có chính kiến và phải trau dồi vốn văn hóa và hiểu biết xã hội. Từ một sự kiện hoặc nhân vật lịch sử, tác giả còn phải phát hiện ra những vấn đề cao hơn lịch sử, thì đó là điều không phải ai cũng có thể làm được. Thế nhưng, trong giai đoạn này, rất nhiều tác phẩm kịch đã để lại những tiếng vang lớn, và cho đến nay, nó vẫn giữ được vị trí như là những tác phẩm tiêu biểu nhất của lịch sử kịch nói việt Nam. Đó là: Hận Nam quan, Kiều Loan (Hoàng Cầm), Yêu Ly (Lưu Quang Thuận), Dương Quý Phi (Thế Lữ),… và đặc biệt là Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng. Như vậy, đến giai đoạn này, kịch Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công nhất. Chỉ trong vòng 5 năm, với một khoảng thời gian rất ít như vậy, chúng ta có những tác phẩm đỉnh cao thực sự. Các tác phẩm này vừa có chất lượng nghệ thuật tốt vừa thể hiện được những phát hiện của tác giả về lịch sử và khái quát được những vấn đề có tính nhân loại. Cũng ở các bản kịch này, những yêu cầu của thể loại đã được đáp ứng. Điều này cho thấy quá trình du nhập kịch, cho đến thời gian này, đã được nội hóa tới mức cao nhất. Đặc biệt, ở thể loại bi kịch, một thể loại khó nhất và có những yêu cầu khắt khe nhất, thì với các vở kịch như: Dương Quý Phi, Yêu Ly, Vũ Như Tô, những hình mẫu của thể loại bi kịch ở Việt Nam đã được xác lập. Trong đó, Vũ như Tô là một đỉnh cao nghệ thuật đích thực. Mặc dù,

tại thời điểm nó ra đời cho đến 1995, qua hành trình mấy mươi năm, nó không được công diễn, và cũng ít được nhắc đến, (hoặc được nhắc đến nhưng không làm toát lên tầm vóc của nó được). Cho tới năm 1995, nó mới lần đầu được công diễn tại Nhà hát tuổi trẻ, Hà Nội. Điều này có nhiều lí do, và một trong những lí do chính là tính phức tạp của vở kịch. Bản thân nó có những vấn đề mà nếu chỉ nhìn qua lăng kính của đấu tranh giai cấp thì sẽ không thể hiểu đúng với tinh thần của tác phẩm. Một cách khách quan, đây là tác phẩm có chất lượng nghệ thuật nhất từ khi kịch nói Việt Nam ra đời cho đến nay. Theo nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư, nó là tác phẩm bi kịch vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thể loại bi kịch Việt Nam. “Tác phẩm đã đáp ứng được khá hoàn hảo mọi yêu cầu, mọi tiêu chí của của một thể loại văn học mà mĩ học châu Âu xưa nay có lí do coi là thể loại cao quý nhất và khó nhất” [5; 50]. Bởi thế, ông cho rằng Vũ Như Tô như “một trái chín sớm tuyệt vời của tiến trình văn hóa Việt Nam hội nhập văn hóa thế giới” [5; 72]

Sự thành công đó, một mặt vì những động lực của bối cảnh văn hóa xã hội, nhưng mặt khác, nó cho thấy bản thân kịch đã có những bước phát triển qua những chặng đường phía trước. Một bệ phóng cho kịch đã được tích tụ, và cho đến khi gặp những điều kiện chín muồi, nó đã tạo nên những đỉnh cao nghệ thuật thực sự.

Cảm hứng lịch sử cũng tác động đến tính chất của hoạt động kịch trong thời gian này. Kịch lịch sử nằm trong phong trào văn nghệ phục cổ. Phong trào này, đối với các văn nghệ sĩ, mang một ý nghĩa đặc biệt. Nó gắn với tinh thần tự hào và ý thức dân tộc, là cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện mình. Chính vì thế, nó có sức cổ vũ, truyền nhiệt hứng rất lớn nếu như người nghệ sĩ đó tạo ra được những hiệu ứng cho tác phẩm. Bản thân điều này đã có có sức thu hút rất mạnh đối với công chúng kịch. Họ đến xem kịch

Một phần của tài liệu Bước đầu tái dựng tiến trình phát triển của kịch nói việt nam từ khởi thủy cho đến những năm 40 của thế kỉ XX (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w