Sự hình thành kịch trường Việt Nam

Một phần của tài liệu Bước đầu tái dựng tiến trình phát triển của kịch nói việt nam từ khởi thủy cho đến những năm 40 của thế kỉ XX (Trang 27)

Như phần trên đã trình bày, đô thị đã tác động rất lớn đến bản thân đời sống văn học. Tại đây, những con đường lập thân phi truyền thống hình thành dưới tác động của các quan niệm phương Tây. Văn chương có thể trở thành một loại hàng hóa, và viết văn cũng có thể trở thành một nghề như bất cứ nghề nghiệp nào khác. Bắt đầu từ sự lựa chọn của Tản Đà, khái niệm văn nhân không còn đơn thuần là một nhân vật văn hóa như trước,

đó còn là một nghề, với tất cả tính độc lập tương đối của nó trong lĩnh vực sáng tạo tinh thần. Các sáng tác lại được một bệ đỡ rất lớn, đó là các thiết chế văn hóa hoạt động trong vòng một quy chế đã ban hành. Nhà hát đã trở nên quen thuộc với công chúng. Báo chí đã trở thành một kênh giao tiếp xã hội hữu hiệu. Từ đây, một không gian văn hóa mở đã hình thành. Điều này có tác động rất lớn đến đời sống văn chương. Mối liên hệ giữa nhà văn và độc giả, giữa các nhà lập ngôn với nhau, giữa người đọc với bản báo,… đã được hình thành. Sự giao lưu và những ngôn luận về văn chương đã như một thứ lực hút cho những ai quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Tất cả những điều này chứng tỏ văn chương đã dần bứt ra khỏi những thiết chế vốn là đặc tính cố hữu của văn chương bác học trong truyền thống, để trở thành một lĩnh vực có tính độc lập tương đối. Và đây cũng chính là tiền đề cho sự ra đời của kịch trường.

Nhưng kịch trường không phải ngày một ngày hai là hình thành và cũng không đơn thuần chỉ là những bàn luận về kịch trên báo chí. Một trường về kịch chỉ thực sự hình thành khi chính bản thân kịch đã đủ tư cách là một thể loại văn học, có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Từ điểm mấu chốt này, các nhân tố rất cơ bản như: nhà viết kịch, diễn viên, độc giả, khán giả, những tiếng nói hoặc bình luận về kịch mới hình thành. Và khi ấy, một thiết chế quyền uy mới được xác lập. Bởi bản chất của trường văn học là một không gian văn hóa xã hội mà trong đó có sự tham gia của các tác nhân. Trường không phải là tổng số mà là một cấu trúc thứ bậc. Trong đó, các tác nhân quyền uy liên tục đấu tranh giành quyền ấn định giá trị riêng của mình lên phần còn lại.

Đối với nền kịch nói nước ta, trường về kịch chỉ thực sự hình thành khi nhà viết kịch ý thức về nghề nghiệp của mình. Kịch ra đời từ năm 1921 với Chén thuốc độc của Vũ Đình Long. Tác phẩm mang tính thử nghiệm rất lớn. Chính vì thế mà nó đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng. Từ một đơn vị trung tâm là tác phẩm, (dưới dạng kịch bản khi đăng trên Hữu thanh tạp chí, hay vở diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội), vở kịch đã quy tụ được tiếng nói của tất cả những ai quan tâm đến sự hình thành và tiền đồ của thể loại mới mẻ này. Dư luận trên Hữu Thanh, Nam phong, Thực

nghiệp dân báo,…tất cả đã cho thấy, kịch đang dần trở thành một lĩnh vực riêng biệt, độc lập với thơ ca, tiểu thuyết; độc lập với cả các loại hình sân khấu truyền thống như chèo, tuồng…Tức là, nó đã tạo cho mình một địa vị để có thể chính danh trên diễn đàn văn học nghệ thuật. Từ những bài diễn thuyết trên công luận hoặc những lời góp ý ban đầu, kịch đi vào quỹ đạo phát triển của nó với một bệ đỡ, bệ phóng là một niềm kì vọng lớn lao của trí thức, nghệ sĩ và công chúng đối với một loại hình mới lạ. Đằng sau nó là ý thức dân tộc và nỗ lực xây dựng một nền kịch sánh vai với kịch trường Pháp. Đây chính là những viên gạch nền móng đầu tiên của kịch trường Việt Nam.

Tuy nhiên, khái niệm kịch trường không phải ngay từ đầu đã xuất hiện. Và cũng chưa hẳn là ngay từ đầu, kịch đã đủ sức lôi kéo khán giả và trở nên một kì tích trong văn giới. Tác phẩm đầu tiên là một dấu mốc, là cú huých cho những sáng tạo tiếp theo. Sau đó, với những sáng tác của Nguyễn Hữu Kim, Vi Huyền Đắc ở miền Bắc, Trung Tín, Nguyễn Từ Sơn ở miền Nam, thì không gian thực sự của kịch được hình thành. Các tác nhân trong không gian ấy tham gia vào việc thiết lập quyền uy, tác động đến toàn bộ kịch trường. Lúc này, dư luận chính là một tác nhân có sức ảnh hưởng lớn lao và mạnh mẽ đến hoạt động sáng tác cũng như hoạt động biểu diễn. Đó cũng là điều dễ hiểu, trong tình hình nền kịch còn rất non trẻ, việc lắng nghe ý kiến phản hồi để điều chỉnh hoạt động kịch là một hướng đi hứa hẹn. Từ năm 1936, kịch trường mới thực sự trưởng thành và lớn mạnh. Các phạm trù đạo đức, luân lí bị gạt ra khỏi sáng tạo. Kịch trở về với địa hạt nghệ thuật đích thực của mình. Lúc này, dư luận cũng không phải là tác nhân quan trọng nhất trong đời sống kịch, mà cá nhân nhà viết kịch mới là tác nhân có tính chi phối cao nhất và quyết định nhất. Quyền uy của giới người sáng tạo quan trọng tới mức, trong thời kì này, nhà viết kịch đôi khi cũng chính là đạo diễn (Thế Lữ, Phan khắc Khoan) hoặc nhà viết kịch đồng thời là diễn viên, (Vũ Hoàng Chương, Yến Lan, Nguyễn Bính…). Điều này cho thấy chủ ý của nghệ sĩ đối với tác phẩm của mình được thể hiện ở mức cao nhất. Do vậy, kịch của thời kì này mang dấu ấn cá nhân rất đậm nét. Đây cũng chính là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành về chất của hoạt

động kịch nói ở nước ta. Khi nhà viết kịch không bị quá phụ thuộc vào dư luận, là lúc sự tự chủ và sự tự tin của chủ thể ở mức cao nhất. Sau những năm 40, với một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, kịch lan rộng ra, nhiều khi biến thành những hoạt động quần chúng. Đối với kịch trường lúc này, xu thế chính trị và chính sách văn hóa của thời đại mới chính là nhân tố có sức chi phối đến mọi hoạt động kịch. Vì thế, kịch trường lúc này thiếu tính chuyên nghiệp và tỏ rõ xu hướng chính trị hóa hoạt động kịch.

Như vậy, kịch phát triển đến một mức nào đó, nó tạo nên một đời sống của riêng mình, với một thiết chế rất riêng. Sự ra đời và phát triển của kịch trường cho thấy những dấu ấn phát triển của thể loại, song, ngược lại thì chính trường về kịch lại có vai trò như một bệ phóng, thúc đẩy sự vận hành và phát triển của kịch. Sự tranh giành quyền ảnh hưởng của các tác nhân, ở một phía nào đó, lại thúc đẩy sáng tác. Đối với kịch, thì tác nhân thị trường chưa bao giờ là tác nhân chi phối chính, do vậy, văn học kịch đã tránh được nguy cơ bị thị trường hóa. Tuy vậy, nó lại bị những xu hướng khác chi phối, đó là tính lẻ tẻ, không chuyên nghiệp trong sáng tác, và nhất là trong biểu diễn. Thứ nữa là xu hướng đại chúng hóa, càng về sau càng rõ ràng. Thời kì sau năm 40, kịch còn tỏ rõ xu hướng xã hội hóa. Chính hai điều này khiến cho kịch nước ta rất khó có thể trở thành thể loại chuyên nghiệp.

Tiểu kết:

Như vậy, trên đây, chúng tôi đã trình bày những tiền đề cơ bản nhất cho sự ra đời và phát triển của thể loại kịch nói nước ta. Từ một bối cảnh chung nhất cho sự ra đời của một nền văn học mới, cho đến những tiền đề có tính khu biệt của riêng thể loại kịch nói. Kịch khởi phát từ chính những tiền đề căn bản nhất, là cuộc sống thị thành và những tác động của nó lên đời sống xã hội, dẫn đến những biến đổi trong nội tại những hình thái ý thức xã hội, trong đó có văn chương. Do kịch nói là thể loại mới lạ nhất, không có trong tiền lệ nước nhà, nên bản thân nó phải trải qua một quá trình rất lâu dài để nội hóa một sản phẩm nhập ngoại. Quá trình lâu dài này, đã để lại rất nhiều dấu vết lên sự phát triển của kịch giai đoạn sau.

Chương 2. Sự ra đời và phát triển của kịch nói từ khởi thủy đến những năm 40

Một phần của tài liệu Bước đầu tái dựng tiến trình phát triển của kịch nói việt nam từ khởi thủy cho đến những năm 40 của thế kỉ XX (Trang 27)