Lâu nay, trong hình dung về kịch, thì tên gọi thống nhất là kịch nói. Song, không phải ngay từ đầu, cách gọi về kịch đã thống nhất. Từ khởi thủy cho đến những năm 40, kịch đã trải qua khá nhiều cách gọi. Điều này có liên quan không khi chúng ta đang tìm hiểu về tiến trình phát triển của kịch. Thực tế, điều này lại quan hệ một cách mật thiết.
Kịch là thể loại mới lạ chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam. Trong quá khứ, văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng của mô hình văn học Trung Hoa. Nền văn chương nho giáo ấy không có chỗ cho thể loại diễn xướng. Khi nội tại nền văn học nước ta chuyển đổi sang hệ hình văn học phương Tây, thì kịch đã được du nhập, và trở nên là một thể loại mới lạ nhất. Chính sự mới lạ , tân kì đó đã tạo ra những sự không đồng nhất trong cách định danh thể loại. Khảo sát theo tiến trình phát triển của kịch nói, có thể nhận thấy chính cách định danh này phản ánh phần nào cách hình dung của công chúng về thể loại mới lạ này. Ở phía nào đó, nó cho thấy những bước phát triển trong chính bản thân thể loại.
Đây là thể loại chưa có trong tiền lệ nước ta; nhưng ngay từ đầu thế kỉ XX, cách gọi thể loại là thể kịch đã trở nên phổ biến trong nội bộ những người tiếp xúc Tây học. Tuy vậy, đối với công chúng, thì đó là cách gọi quá tân kì. Thực tế đó đặt ra rất nhiều khó khăn cho những người chuyển ngữ đầu tiên như Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh. Trong rất nhiều bản dịch của Phạm Quỳnh, ông gọi bản kịch là “bản tuồng” (Tuồng Lôi- xích, Tuồng Hòa –lạc). Như vậy, cách định danh này cho thấy ông đã gọi theo cách hình dung của các loại hình sân khấu cổ truyền của dân tộc. Việc gọi như vậy, theo tôi là để tạo ra sự quen thuộc đối với công chúng Annam. Bởi nếu như ngay từ đầu, gọi bản kịch là kịch như ngày nay, thì sẽ tạo cảm giác xa lạ, khó có thể tạo ra một sự tiếp nhận bình thường được. Thứ nữa, đó là do việc chuyển ngữ vốn rất khó khăn. Chính ông cũng đã có lời giáo đầu về chuyện dịch thuật: “Người dịch khổ vì hai điều: một là sợ không đúng lời văn Tây, hai là sợ không lọn ra tiếng ta. Lọn tiếng ta tất không đúng lời Tây, đúng lời Tây tất không lọn tiếng ta” (Nam phong số 38/1920). Tuy vậy,
cũng không thể loại trừ một khả năng, chính những dịch giả đầu tiên này đã coi kịch là loại hình tương đương với tuồng, chèo. Bởi khi giới thiệu về kịch, ông vẫn gọi đó là “tuồng”, Trong khi phân biệt kịch với các loại hình cổ truyền, ông gọi kịch là “tuồng Tây”, so với “tuồng ta” là cách gọi các thể loại sân khấu truyền thống. Nếu như vậy, thì chính bản thân những người dịch, khi tiếp nhận văn hóa của Pháp, cũng đã nhìn một thể loại mới lạ qua lăng kính của văn hóa Việt. Nó cho thấy ngay từ khi được chuyển ngữ vào Việt Nam, kịch đã không được gọi đúng tên thật sự của nó. Đây là một quy ước mang tính xã hội, nhưng việc định danh theo lối cũ chứng tỏ trong tiếp nhận kịch, quán tính cũ vẫn tồn tại như một điều khó có thể xóa bỏ.
Tuy vậy, chính những dịch giả đầu tiên này cũng ý thức rất rõ đây là những thể loại mới lạ, và khái niệm kịch đã được đề cập rất nhiều lần.
Sau đó, khi “kịch” đã trở thành một cách gọi được đa số công chúng chấp nhận thì khái niệm “kịch” đã được hiểu như là một loại hình độc lập. Tuy nhiên, người đương thời nhận thấy nó là cách gọi khá chung chung. Và bản thân họ cũng không quen với cách gọi này. Việc tìm ra một cách gọi cụ thể là điều rất khó khăn. Sau đó, rất nhiều người gọi đó là “lối kịch mới”. Cách gọi này để đối lập với “lối kịch cổ” chỉ các loại hình nghệ thuật cổ truyền. Chẳng hạn, trong lời nói đầu vở Tòa án lương tâm, Vũ Đình Long viết: “Chúng tôi tập làm quốc văn, thấy hiện trong văn giới nước ta, chưa ai lưu tâm đến việc soạn kịch theo lối mới”. Khái niệm “kịch theo lối mới” cũng đồng nghĩa với khái niệm “kịch Tây” mà người đương thời hay sử dụng để gọi các bản kịch Pháp.
Như vậy, việc định danh thể loại cho thấy cách hình dung của công chúng đối với kịch và mức độ hiểu của họ về nội hàm khái niệm đó. Trong thời gian này, họ định danh khá ngẫu nhiên, tức là gọi thẳng đây là kịch theo lối mới. Điều đó cho thấy kịch đã trở thành một bộ phận của đời sống văn chương, cho dù cái bộ phận đó vẫn còn rất lạ lẫm.
Sang thời kì sau, thì cách gọi thẳng “kịch theo lối mới” không còn được nhiều người sử dụng nữa. Người ta gọi giản tiện là kịch. Bản thân sự giản lược này nói lên rằng kịch đã đi sâu vào đời sống văn hóa, văn học.
Công chúng đã mặc nhiên thừa nhận nó như một thể loại đương nhiên mà không cần phải giải thích về nó. Đó cũng là lúc bản thân kịch đã xác lập được vị thế của mình trên văn đàn. Cách gọi này tồn tại cho đến ngày nay.
Như vậy, điểm qua tiến trình cách định danh thể loại kịch, có thể nhận thấy những biến chuyển. Sự biến chuyển đó cho thấy những bước tiến trong nhận thức của công chúng về thể loại này. Mặt khác, nó cũng chứng tỏ độ thâm nhập của bản thân kịch vào đời sống văn chương với những mức độ khác nhau.