Sự hình thành nhu cầu thưởng thức mớ

Một phần của tài liệu Bước đầu tái dựng tiến trình phát triển của kịch nói việt nam từ khởi thủy cho đến những năm 40 của thế kỉ XX (Trang 25)

Thị hiếu và nhu cầu của con người, nhất là trong nghệ thuật, thường bất tuân theo một định lệ nào, nhưng lại được hình thành trên một cơ chế rất phức tạp và lâu dài. Không phải ngày một ngày hai là có những chuyển biến về nhu cầu thưởng thức. Công chúng trước hết phải là một cá thể, một cá thể hấp thụ đầy đủ không khí xã hội, tinh thần xã hội, và phải có một kinh nghiệm thẩm mĩ nhất định thì mới có trong mình một tiềm năng thay đổi một định hướng thẩm mĩ vốn đã định hình. Nhưng đó vẫn chỉ là những yếu tố tiên quyết. Không có một thực thể nào bất di bất dịch, ngay cả một xã hội cũng luôn có những biến đổi. Chính cái luôn biến đổi của xã hội tác động vào từng suy nghĩ, cảm nhận của con người, đến một lúc nào đó, người ta thấy chính mình cũng không còn đứng im nữa. Khi ấy, cái nhu cầu trong con người đòi hỏi một thể thức mới, phù hợp với cái đang hiện tồn. Và cái kinh nghiệm thẩm mĩ vốn đã định hình sẽ dần bị thay thế theo những đòi hỏi tự thân ấy.

Từ nhận thức đó, chúng tôi đi vào mô tả sự hình thành của nhu cầu mới về kịch và lí giải bằng những nguyên nhân mà theo chúng tôi là khả dĩ hợp lí.

Như phần trên đã trình bày, bước sang thế kỉ XX, xã hội Việt Nam đã trải qua những biến thiên có tính chấn động chưa từng có trong lịch sử. Sự chấn động thuộc về hình thái ý thức chứ không chỉ dừng lại như những sự kiện đơn lẻ. Khi những thiết chế xã hội như đô thị được xây dựng và đi vào hiện thực hóa, thì cái mầm mống của một phương thức, phong cách sống khác với lối sống trong cổ truyền đã định hình từ hàng ngàn năm đã trở nên lạc hậu, không phù hợp nữa. Người ta đã thấy hình như cuộc sống gấp gáp hơn, những xác tín tinh thần cũng bị lung lay trước cơn “bình địa ba đào”, người ta không thể yêu, ghét, suy nghĩ như trước nữa. Đi liền với nhịp sống, phong cách sống là tâm thức sống, là triết lí sống của thời hiện tại. Người ta trở về với cuộc đời trần thế, với những khát khao cũng trần tục. Cái kỉ nguyên hiện đại mở ra trước mắt người Việt choáng ngợp như thế, đột ngột như thế, nhưng cũng hấp dẫn như thế. Trong bối cảnh ấy, người ta không còn háo hức mỗi buổi diễn tuồng với mục đích khuyến giáo đạo đức quá đậm đặc, với cách trình diễn quá mực thước, xa lạ với con người thế

tục, và nhu cầu giải phóng cảm xúc thế tục của người thành thị. Người ta cũng không còn mặn mà với những vở chèo tiết tấu quá chậm, không phù hợp với nhịp sống mới.

Ngay từ khi cái mầm phương Tây chớm nở trong lòng người xứ Annam, thì bản thân các môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo cũng ý thức được sự mất giá của mình. Và đổi mới là một cơ hội để lôi kéo sự chú ý của khán giả, giành lại cơ may tồn tại của sân khấu truyền thống. Những nỗ lực đổi mới cho thấy nghệ thuật không tồn tại tự thân nó. Sự tồn tại của bất cứ một môn nghệ thuật nào cũng gắn bó mật thiết với thị hiếu và nhu cầu thưởng thức của khán giả, độc giả (bao gồm cả người sáng tạo). Nhu cầu thưởng thức, thường kéo theo chuẩn mực nghệ thuật, thậm chí góp phần quyết định đến phương thức tồn tại và cách thức biểu hiện của loại hình. Điều này có thể không đúng ở một số trường hợp, nhưng nó lại tỏ ra khá hợp lí khi nhìn vào thực tế sự thay đổi lặng lẽ về mặt loại hình của sân khấu Việt Nam đầu thế kỉ XX. Rõ ràng, có một sự thay đổi từ khi người Việt Nam lần đầu tiên biết đến các vở kịch nói Pháp qua sách vở và báo chí, lần đầu được biết đến các rạp hát chuyên nghiệp, lần đầu được tận mắt nhìn thấy cách bài trí và cảm nhận hiệu ứng kịch phương Tây. Phương thức tự sự của kịch nói phương Tây, dẫu là một sản phẩm ngoại quốc đầy lạ lẫm, lại tỏ ra phù hợp với cuộc sống đô thị xứ Annam buổi ban đầu. (Lẽ dĩ nhiên, phương thức biểu hiện và ước lệ hóa của sân khấu truyền thống phải chịu một phen lép vế và kém thu hút.)

Và như thế, chính những hối thúc, đòi hỏi của công chúng đã tạo ra một miền đất hứa cho sự ra đời của kịch nói.

Một phần của tài liệu Bước đầu tái dựng tiến trình phát triển của kịch nói việt nam từ khởi thủy cho đến những năm 40 của thế kỉ XX (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(104 trang)
w