Phát triển thị trường nợ trong nước

Một phần của tài liệu Tìm ra các giải pháp cho vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam (Trang 50)

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, đều gặp phải tình trạng vay mượn nước ngoài bằng những ngoại tệ mạnh, nên có nhiều nguy cơ đối mặt với rủi ro tỷ giá. Các rủi ro khi vay nợ nước ngoài đã được đề cập trong các phần trên, và đặc biệt từ kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng khu vực Mỹ Latinh thập niên 80. Chính vì vậy, việc phát triển thị trường nợ trong nước là thực sự cần thiết trước nhu cầu cần vốn đầu tư hiện nay của Việt Nam. Nhật Bản là quốc gia đã rất thành công trong việc phát triển thị trường trái phiếu chính phủ của mình, với việc phần lớn các khoản tiết kiệm của người dân, bên cạnh chi cho bảo

hiểm và các quỹ hưu trí, được các tổ chức tài chính sử dụng đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Để làm được điều tương tự, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể phát triển thị trường này, cùng với phát triển thị trường tài chính trong nước nói chung. Trong Quyết định phê duyệt chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua đã đề cập đến việc phát triển thị trường này nhằm giảm bội chi ngân sách. Trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ phải chấp nhận chi phí vay mượn, hay lãi suất cao nhằm thu hút đầu tư nội địa. Cùng với thời gian, cần phải có những chiến lược tăng dần hợp lý tỉ trọng nợ trong nước trong danh mục nợ chính phủ, xây dựng chính sách, quy trình, và hệ thống cho cả thị trường sơ cấp và thứ cấp thông qua các giao dịch mua lại, hoán đổi nợ để dần nâng cao tính thanh khoản trên thị trường này. Khi tính thanh khoản đã được cải thiện, chính phủ có thể vay mượn khi cần thiết với mức rủi ro thấp do phát hành bằng đồng nội tệ, có kỳ hạn dài hơn và lãi suất cố định.

KẾT LUẬN

Nợ công không chỉ là vấn đề của các quốc gia phát triển mà của cả các quốc gia đang phát triển. Việc giám sát và quản lý nợ công không có một khuôn mẫu thích hợp đối với mọi nước, mà nó yêu cầu sự linh hoạt tương ứng với từng quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, một yêu cầu chung trong công tác quản lý nợ công là sự công khai minh bạch: công khai về số liệu nợ công và minh bạch về việc sử dụng nợ công. Bên cạnh, Nhà nước nên xây dựng kế hoạch trung – dài hạn về quản lý – sử dụng nợ công và các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai.

Từ kết quả phân tích của báo cáo cho thấy: thâm hụt NSNN kéo dài, thâm hụt cán cân vãng lai và hiệu quả đầu tư thấp là nguyên nhân dẫn đến nợ công của Việt Nam liên tục gia tăng cả về con số tuyệt đối lẫn tương đối. Mặc dù, nợ công của Việt Nam vẫn trong vùng an toàn nhưng cơ cấu nợ công lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Rủi ro thứ nhất là tỷ trọng nợ công nước ngoài luôn chiếm khoảng 60% nợ công của Việt Nam, trong khi VND đang trong xu hướng mất giá so với các đồng tiền khác trên thế giới. Đặc biệt, trong nợ công nước ngoài, giá trị các khoản vay bằng USD và JPY luôn chiếm trên 60%. Do đó, rủi ro tỷ giá là rất cao. Thứ hai, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, đặc biệt vay từ nước ngoài, đang có xu hướng tăng cao về cả con số tương đối lẫn tuyệt đối. Và, đa số các khoản được Chính phủ bảo lãnh là dành cho khu vực kinh tế Nhà nước, hoạt động không hiệu quả và có hệ số ICOR cao. Khi các đối tượng được bảo lãnh không thể trả nợ, Chính phủ sẽ phải trả thay là tất yếu. Thứ ba, gánh nặng lãi suất không chỉ của nợ công trong nước mà cả nước ngoài đang tăng lên.

Để đối phó với tình trạng trên, Chính phủ cần giải quyết tình trạng thâm hụt NSNN bằng cách kiểm soát chặt chẽ việc thu và chi ngân sách, tránh thất thoát NSNN. Ở phía thu, quan trọng nhất là công tác chống trốn thuế, đặc biệt là chống hoạt động chuyển giá xảy ra trong các doanh nghiệp FDI và cả doanh nghiệp trong nước. Ở phía chi, các khoản chi nên được phân bổ lại vào các lĩnh vực thật sự cần thiết, và cắt giảm những khoản chi dàn trãi vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đảm nhiệm. Bên cạnh, Chính phủ cần đưa ra những chính sách thích hợp làm giảm thâm hụt cán cân thương mại, cán cân dịch vụ và thu hút lượng kiều hối gửi về, để cải thiện cán cân vãng lai. Trên hết, hiệu quả của nền kinh tế phải được nâng lên, đặc biệt là hiệu quả đầu tư của khu vực công. Gỉai pháp mà tôi đưa ra là chú trọng đầu tư khoa học công nghệ, đầu tư giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng, công khai minh bạch hoạt động của các DNNN, xây dựng chính sách tiền lương hợp lý trong các DNNN và tạo điều kiện để ứng dụng mô hình PPP thay cho đầu tư Nhà nước truyền thống.

Như vậy, giải pháp của Việt Nam hiện nay mà Chính phủ phải thực hiện ngay là tăng tính công khai minh bạch và cắt giảm các khoản đầu tư, chi tiêu không cần thiết. Giải pháp trong dài hạn là phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Tìm ra các giải pháp cho vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(58 trang)
w