Quy mô nợ công

Một phần của tài liệu Tìm ra các giải pháp cho vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam (Trang 37 - 38)

Các công bố chính thức của Việt Nam về nợ công không đầy đủ, thường chỉ công bố số liệu nợ nước ngoài của Việt Nam. Mặt khác, do định nghĩa và cách tính khác nhau nên số liệu nợ công được công bố từ các nguồn rất khác nhau.

Theo tạp chí The Economist, nợ công của Việt Nam năm 2001 mới là 8,54 tỷ USD, tương đương 27% GDP, bình quân mỗi người gánh số nợ công xấp xỉ 106,62 USD. Nhưng tính đến hết năm 2011, nợ công đã tăng lên 56,51 tỷ USD, tương đương 50,9% GDP. Như vậy, trong vòng 11 năm từ 2001 đến nay, quy mô nợ công đã tăng gấp gần 6,6 lần. Từ năm 2009 đến cuối 2011, tốc độ tăng trưởng nợ công có chậm lại so với các năm trước và ở mức 12%/năm. Tuy nhiên, theo các công bố của IMF các con số này lại cao hơn. Năm 2001, nợ công của Việt Nam là 10,01 tỷ USD chiếm 31,7% GDP. Đến hết năm 2010, nợ công của Việt Nam đã là 55.09 tỷ USD (cao hơn 4.36 tỷ USD so với công bố của tạp chí The Economist), chiếm 52% GDP. Như vậy, dù các con số công bố có khác nhau nhưng đều có chung xu hướng là tăng qua các năm (xem Hình 2.8).

Hình 2.8: Nợ công của Việt Nam từ năm 2001 – 2010

Đơn vị tính: tỷ USD.

Nguồn: IMF, Tạp chí The Economist.

Nợ công tăng trong khi thâm hụt ngân sách thường xuyên qua các năm. Đặc biệt, năm 2009, theo công bố của Bộ Tài chính, thâm hụt NSNN bằng 6,9% GDP. Điều này đã vi phạm nguyên tắc quản lý nợ công cơ bản là nợ công hôm nay phải được bù đắp bằng thặng dư ngân sách tương lai. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiết kiệm nội địa trên GDP trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010 luôn thấp hơn so với mức đầu tư toàn xã hội trên GDP. Năm 2006, tỷ lệ tiết kiệm nội địa đạt 30% GDP nhưng từ năm 2007 đến 2010, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 26% GDP. Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư vẫn ổn định khoảng 41% GDP, ngoại trừ năm 2007 tỷ lệ này tăng lên khoảng 46% GDP. Do đó, bên cạnh vốn đầu tư nước ngoài bù đắp phần thiếu hụt, thì Chính phủ sẽ phải tiếp tục đi vay thêm rất nhiều. Vì vậy, nợ công của Việt Nam đang gia tăng cùng với sự bất ổn.

Một phần của tài liệu Tìm ra các giải pháp cho vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam (Trang 37 - 38)