Khái quát nợ công tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Tìm ra các giải pháp cho vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam (Trang 36 - 37)

Việc đánh giá thực trạng nợ công Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do các số liệu về nợ công rất khó tiếp cận. Nguồn thông tin chính thống về nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay được cung cấp duy nhất qua Bản tin Nợ công của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, thông tin trong bản tin này không được cập nhật, bản tin chỉ mang tính chất thống kê thuần túy, chưa đưa ra được những thông tin cần thiết về rủi ro của Việt Nam, đặc biệt số liệu dự đoán cho năm tiếp theo. Các thống kê khác về nợ công trong nước và đặc biệt là nợ của khối DNNN đều không được công bố chi tiết và chính thống (Vũ Minh Long, 2013).

Một vấn đề khác là Việt Nam hiện có những cách hạch toán chưa theo thông lệ quốc tế. Nhiều khoản chi ngân sách từ nguồn trái phiếu Chính phủ cho các dự án giáo dục, thủy lợi, y tế… được để ngoại bảng và không được tính đầy đủ vào thâm hụt ngân sách và nợ công. Sự thiếu nhất quán trong cách hạch toán tài khóa khiến cho các con số thống kê không phản ánh chính xác về thực trạng nợ công của Việt Nam, gây khó khăn cho việc kiểm chứng thông tin cho những người tham gia thị trường cũng như cho việc so sánh quốc tế, đánh giá và quản lý rủi ro nợ công của Việt Nam (Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, 2013)

Theo khuyến cáo của Caner, Grennes và Koehler-Geib (2011) thì mức nợ công nguy hiểm cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là 64%. Dựa vào số liệu nước ngoài trên đồng hồ nợ toàn cầu (The Global Debt Clock) của tạp chí The Economist về mức nợ công Việt Nam từ năm 2004 đến nay, có thể thấy nợ công Việt Nam đã liên tục gia tăng, đỉnh điểm là đạt 54,4% vào năm 2011, vượt qua ngưỡng 50% GDP, tiến gần đến mức nguy hiểm.

Hình 2.7: Tỷ lệ nợ công trên GDP (%) của Việt Nam từ 2004 – 2014

Nguồn: The Economist (2015), The Global Debt Clock

Một phần của tài liệu Tìm ra các giải pháp cho vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam (Trang 36 - 37)