Chính phủ cần có những biện pháp cải thiện cán cân vãng lai để giảm áp lực gia tăng nợ công, đặc biệt là nợ công nước ngoài.
Cán cân thương mại là một thành phần quan trọng của cán cân vãng lai. Để giảm thâm hụt cán cân thương mại, biện pháp thứ nhất là phải đưa ngành công nghiệp Việt Nam thoát khỏi cảnh “thủ công với máy móc”, phát triển ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Ở khía cạnh khác, hằng năm, Việt Nam đã chi không ít tiền để nhập khẩu những chiếc điện thoại di động đắt tiền hay những chiếc “siêu xe” mà trên thế giới chỉ có vài chiếc. Theo thống kê Tổng cục Hải quan, trong năm 2011, Việt Nam đã chi gần 2.6 tỷ USD để nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện và 1.03 tỷ USD để nhập khẩu ô-tô loại nguyên chiếc. Mặc dù những con số này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu nhưng đây là sự lãng phí không đáng có. 3.63 tỷ USD này gần bằng với giá trị của 7 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2011 mà người nông dân đã đổ bao mồ hôi công sức mới có được. Khi sức ép giảm giá của đồng Việt Nam tăng cũng là lúc gánh nặng trả nợ nước ngoài của Việt Nam tăng. Do đó, Việt Nam nên hạn chế nhập khẩu những mặt hàng đắt tiền, xa sỉ phục vụ cho thiểu số “đại gia”, chẳng hạn như tăng đánh thuế TTĐB đối với các mặt hàng này, để cải thiện cán cân thương mại và giảm sức ép lên thị trường ngoại tệ Việt Nam.
Đối với cán cân dịch vụ, Nhà nước cần có những chính sách để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển từ bán theo điều kiện FOB sang điều kiện nhóm C (CPT hoặc CIP), và các doanh nghiệp nhập khẩu chuyển sang nhập khẩu theo điều kiện FOB. Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển vận tải đường biển đủ năng lực đáp ứng được các điều kiện chuyên chở trong mua bán quốc tế. Ngoài ra, các chất lượng dịch vụ logistic đi kèm phải được nâng cao vì khi thay đổi điều kiện, trách nhiệm của các doanh nghiệp nhiều hơn. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logicstic cần nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, kiến thức về thương mại quốc tế để hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp. Bên cạnh, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cần nâng cao năng lực tài chính và xây dựng uy tín để cạnh tranh với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.
Ngoài ra, lượng kiều hối gửi về dồi dào trong những năm gần đây là nhân tố tích cực để cải thiện cán cân vãng lai. Do đó, Nhà nước cần có những chính sách tạo niềm tin cho kiều bào ở nước ngoài, để gia tăng lượng kiều hối gửi về nước. Một trong những biện pháp là xây dựng môi trường vĩ mô ổn định với lạm phát thấp và tỷ giá ít biến động. Bên cạnh, môi trường và văn hoá kinh doanh của Việt Nam phải được cải thiện. Ngoài ra, minh bạch về thông tin và ổn định về chính sách điều hành của Nhà nước là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin của kiều bào.