Tham gia các hoạt động xã hội

Một phần của tài liệu Vai trò của vốn xã hội trong việc phát triển nguồn nhân lực trẻ (nghiên cứu trường hợp tỉnh Nghệ An) (Trang 91)

8. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1.3Tham gia các hoạt động xã hội

Tham gia vào các hoạt động xã hội được đánh giá là hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân, và là quá trình tái tạo dựng vốn xã hội, là cơ sở để duy trì và phát triển vốn xã hội và tạo dựng nguồn vốn xã hội mới cho nguồn nhân lực. Việc mỗi cá nhân tham gia vào hoạt động xã hội được xem như điều kiện cần để có thể mở rộng quan hệ xã hội và tìm kiếm các lợi ích từ các nhóm xã hội mà cá nhân tham gia. Những lợi ích này có thể là những tác động tích cực về nhiều mặt đối với cá nhân như thuận lợi hơn cho công việc, thuận lợi hơn cho những nhu cầu đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, hoặc về sự thích ứng với yêu cầu công việc, hoặc sự đáp ứng các nhu cầu cá nhân.

Nghiên cứu này xem xét vai trò của vốn xã hội trong việc tạo cơ hội và thúc đẩy cá nhân tham gia các hoạt động xã hội qua ba nhóm hoạt động chính: tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, tham gia hoạt động của nhóm nghề nghiệp, và tham gia hoạt động của các nhóm phi chính thức khác như nhóm cùng sở thích, nhóm tín dụng hụi/họ…

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến 70,8% (354 người) trả lời thường xuyên tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội do cơ quan phát động. Các hoạt động này bao gồm các hội thi, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn… Các hoạt động này do rất nhiều các nhóm xã hội khác nhau trong cơ quan phát động như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Đảng ủy, Công đoàn…

Khi được hỏi về mối liên hệ giữa vốn xã hội của cá nhân với việc tham gia xã hội, nguồn nhân lực trẻ cho biết, vốn xã hội đóng vai trò tích cực trong việc giới thiệu các nhóm chính trị xã hội để cá nhân tham gia:

Mình tham gia là do trưởng phòng giới thiệu. Anh ấy nói cố gắng tham gia

các hoạt động cũng là cơ hội cọ sát và giao lưu với mọi người, tạo thiện cảm với mọi người, nhất là cán bộ mới và trẻ như mình”

89

Không chỉ đóng vai trò trong việc cung cấp các tiếp cận cần thiết để cá nhân tham gia hoạt động xã hội, vốn xã hội còn được nhìn nhận như thành tố thúc đẩy quá trình tham gia tích cực của cá nhân trong các hoạt động của các nhóm chính trị xã hội. Dưới đây là chia sẻ của một bí thư đoàn thanh niên về vai trò của vốn xã hội trong việc thúc đẩy quá trình tham gia hoạt động xã hội của cá nhân:

“Hoạt động thì vui nhưng mà cũng tốn nhiều thời gian lắm, đôi khi anh kẹt thời gian quá mà không biết làm răng để cân bằng lại được. Đùng một cái phải ở lại đến tối để chuẩn bị cho hoạt động này, đùng một cái lại phải bỏ cả thứ bảy chủ nhật để chuẩn bị cho đại hội kia. Mà công việc thì vẫn cứ phải hoàn thành. Tham gia cũng vui, cũng được hòa đồng với mọi người. Nhưng nếu bà xã mà không ủng hộ và anh chị em bạn bè đồng nghiệp không động viên, có lẽ anh cũng không tham gia được đến bây giờ nữa”

(PVS, nam, 29 tuổi)

Ở địa vị xã hội khác, các cá nhân cũng thừa nhận nhóm đồng nghiệp có ảnh hưởng tích cực trong việc thúc đẩy cá nhân hoạt động xã hội và phát huy năng lực của bản thân. Dưới đây là chia sẻ của một cán bộ công đoàn:

“Nói chung là tham gia các hoạt động ở cơ quan thì chị cũng không muốn lắm, vì là mình là gái có chồng rồi, còn chồng còn con, đi làm về phải nhanh nhanh mà đón con, rồi về nhà lại tất bật chợ búa, cơm nước… Nhưng mà nhiều hoạt động, cả phòng tham gia rất nhiệt tình, mình cũng không thể nào nhìn thấy mọi người nhiệt tình quá như thế mà cứ lần nữa mãi không tham gia được, nên mình nhào vô làm chương trình kịch bản cùng tụi nó luôn. Không ngờ sau nó tụi nó mới nói chứ, nói chị làm bọn em choáng quá, không ngờ chị lại tổ chức hay như vậy, sếp cũng khen là sáng tạo nữa. Nên là sau lần đấy, được khen hoài, mình cũng thích và hăng hái tham gia nhiều hoạt động”.

(PVS, nữ, 30 tuổi)

Bên cạnh việc tham gia các nhóm chính trị - xã hội, các cá nhân còn tích cực tham gia hoạt động của các nhóm nghề nghiệp, như các hoạt động trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.

90

“Không biết các chị ở ngoài đó thì có tham gia mấy cái hoạt động hội giảng, hội thảo trao đổi chuyên môn không, chứ chúng tôi trong này tổ chức nhiều cái lắm. Anh chị em tham gia đầy đủ lắm. Mình mời các chuyên gia về chia sẻ về công tác xã hội rồi về kỹ năng cụ thể, vài tuần hoặc là vài tháng một chuyên gia (…) Mà mời chuyên gia cũng toàn dựa vào quan hệ ngoại giao của trưởng phòng thôi, chứ chúng tôi đâu có quen”

(PVS, nam, 34 tuổi)

Việc tham gia hoạt động của các nhóm phi chính thức khác như nhóm sở thích, nhóm tín dụng hụi, họ cũng được cá nhân chú trọng. Họ lập luận rằng việc tham gia vào mạng lưới xã hội này có thể đem lại những lợi ích về kinh tế và tinh thần. Đồng thời cũng giúp nguồn nhân lực tạo dựng được vốn xã hội mới – những yếu tố để giúp họ tìm kiếm được nhiều lợi ích hơn nữa.

“Ôi hoạt động thì nhiều lắm, lúc đi nhậu, lúc đi hát, lúc đi café, chủ yếu là tạo cơ hội cho mọi người chia sẻ với nhau, có người cần giúp thì mỗi người xúm vào giúp một tý cũng xong, đấy như đợt vừa rồi một chị trong nhóm con phải mổ, cả nhóm lại đóng góp mỗi người giúp cho một ít, có anh có em, có bạn có bè, nương tựa vào nhau (…) nhưng có khi nhà có chuyện này, cơ quan có chuyện kia thì động viên nhau mấy câu, cũng nhẹ đi rất nhiều… Tham gia như thế, lợi được nhiều mà không có hại đâu (cười)”

(PVS, nam, 30 tuổi)

Rõ ràng, những lợi ích mà việc tham gia các hoạt động xã hội đem lại cho cá nhân được họ ghi nhận và xác định như mục tiêu chính để tham gia vào các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, khi tìm hiểu cụ thể việc tham gia vào các hoạt động này, vốn xã hội lại đóng vai trò như bộ lọc sắp xếp các cá nhân tham gia với các vai trò khác nhau. Việc tham gia ở các mức độ khác nhau này, cũng đem lại lợi ích ở mức độ cũng rất khác nhau. Nếu cá nhân được cất nhắc tham gia hoạt động với vai trò tổ chức, hoặc được xác định là cá nhân chủ chốt trong từng hoạt động cụ thể, họ sẽ nhận được lợi ích hơn những vai trò khác khi tham gia hoạt động.

91

“Khi nghe nói đến việc tham dự hội diễn văn nghệ, mình cũng muốn tham gia. Đây là một cơ hội để mọi người biết đến mình hơn, và tạo thiện cảm cho đội ngũ lãnh đạo cấp trên hơn, chẳng hạn như cán bộ cấp tỉnh họ có đến cơ quan làm việc, thì mình cũng đã có cơ hội được làm quen từ trước rồi. Lúc đấy mọi việc sẽ được giải quyết thuận lợi hơn nhiều. Mình càng tham gia vào tiếp mục chính hoặc là mình được trong ban tổ chức, thì người ta càng chú ý đến mình hơn, cơ hội để người ta nhớ mình cũng nhiều hơn. Nhưng mà nói chung, cũng phải có anh chị em trong nhóm chơi với mình đề cử, rồi mọi người khác ủng hộ thì mình mới được tham gia tiếp mục chính, chứ không thì cũng cũng chỉ làm chân chạy việc hoặc phụ họa cho người khác, biết đến khi nào cấp trên mới nhớ đến mình”

(PVS, nữ, 28 tuổi)

Một phần của tài liệu Vai trò của vốn xã hội trong việc phát triển nguồn nhân lực trẻ (nghiên cứu trường hợp tỉnh Nghệ An) (Trang 91)