Trong cơ chế thị trường ở nước ta hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối đầu với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành. Có rất nhiều doanh nghiệp đã trụ vững và phát triển do hoạt động có hiệu quả nhưng không ít doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc phá sản. Thực tế ở Việt Nam hiện nay việc nâng cao hiệu quả SXKD là hết sức cần thiết bởi hầu hết các máy móc thiết bị đang sử dụng phần lớn trong các doanh nghiệp là những máy móc thiết bị lạc hậu, thậm chí rất lạc hậu. Trình độ công nghệ kém so với thế giới làm hao phí nguyên liệu không những rất lớn mà chất lượng sản phẩm cũng không cao. Tỷ lệ sai hỏng nhiều, sản phẩm rất khó để cạnh tranh với các nước trong khu vực cho nên việc xác định vị trí của sản phẩm do Việt Nam sản xuất trên thế giới còn đang là một dấu hỏi lớn.
Thông qua quá trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa dịch vụ cho xã hội, mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm sự chênh lệch giữa kết quả và chi
phí (chính là lợi nhuận). Trong phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh, hiệu quả kinh tế đồng nghĩa với lợi nhuận. Muốn đạt được lợi nhuận tối đa, người ta quan tâm đến các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế là mối quan tâm hàng đầu, là mục tiêu của mọi nền sản xuất bởi vì:
+ Bản chất của hiệu quả là nâng cao năng suất lao động xã hội, tiết kiệm mọi hao phí lao động cần thiết. Tiết kiệm chi phí lao động là mục tiêu phấn đấu của mọi nền sản xuất xã hội.
+ Các nguồn lực bị giới hạn và ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu xã hội ngày càng cao, đòi hỏi sử dụng nguồn lực phải khoa học, hiệu quả.
Hiệu quả kinh tế có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Có hiệu quả, doanh nghiệp mới có điều kiện để đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ, sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, giá thành thấp, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Vì vậy, nâng cao hiệu quả SXKD là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa sống còn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.