Xuất phát từ khái niệm hiệu quả kinh tế là phạm trù kinh tế thể hiện mối quan hệ so sánh giữa kết quả thu được với lượng chi phí bỏ ra để đạt kết quả đó. Do đó muốn xác định hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp chúng ta phải xác định được hai nhóm yếu tố: kết quả thu được(K) và chi phí bỏ ra (C).
Về số tuyệt đối: H = K – C = Doanh thu – Chi phí Về số tương đối:
CK K H =
• Nhóm yếu tố kết quả (K)
Thể hiện giá trị sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra trong một thời gian nhất định. Về mặt sản xuất, đó chính là giá trị sản lượng (số lượng sản phẩm sản xuất * giá thành toàn bộ). Song sản xuất chỉ là giai đoạn cấu tạo nên sản phẩm. Vấn đề là sản phẩm của doanh nghiệp phải được thị trường chấp nhận, có nghĩa là sản phẩm phải thực hiện được “đầu ra”, phải bán đi, thu tiền về. Nếu chỉ sản xuất mà không tiêu thụ được, hoặc giá tiêu thụ không đủ bù đắp chi phí, thì doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng phá sản, không thể tiếp tục sản xuất. Vì vậy, khi nghiên cứu hiệu quả, cái đích người ta quan tâm không phải là giá trị sản lượng, mà chính là giá trị hàng hoá (chính là doanh thu tiêu thụ). Doanh thu tiêu thụ phụ thuộc vào số lượng tiêu thụ và giá tiêu thụ (giá bán):
Doanh thu tiêu thụ = số lượng hàng hoá tiêu thụ * giá bán Số lượng hàng hoá và giá bán sản phẩm lại phụ thuộc vào các yếu tố:
+ Tính năng tác dụng của sản phẩm: Vấn đề mà người mua thực sự quan tâm trước hết là giá trị sử dụng của chúng.
+ Chất lượng sản phẩm phù hợp với sự mong đợi của người tiêu dùng: với sản phẩm là thực phẩm được đánh giá chất lượng thông qua mùi vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào chất lượng của nguyên liệu đầu vào, công nghệ chế biến, hình thức bảo quản,…
+ Giá bán sản phẩm phù hợp với chất lượng sản phẩm và thu nhập của người tiêu dùng.
+ Thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng, hình thức, chủng loại, mẫu mã bao bì đóng gói.
+ Thị phần của nhà sản xuất, uy tín của thương hiệu.
+ Thời điểm tiêu thụ, phương thức tiêu thụ, chính sách phát triển của quốc gia, sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại…
+ Năng lực sản xuất của doanh nghiệp, phản ánh quy mô khối lượng sản phẩm mà doanh nghiệp có thể sản xuất ra tương ứng với mức đầu tư xác định trong một thời gian nhất định.
• Nhóm yếu tố chi phí (C)
Thể hiện bằng tiền chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra để đạt được kết quả trên. Đây chính là toàn bộ nguồn lực đầu vào bao gồm cả lao động vật hóa và lao động sống: máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên nhiên vật liệu, lao động…
+ Chi phí về nguyên liệu chịu ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của vùng cung cấp nguyên liệu, giá cả thu mua, công nghệ chế biến, thời gian thu mua…Trong quá trình SXKD, doanh nghiệp thường phải sử dụng nhiều loại vật tư nguyên liệu khác nhau bao gồm nguyên liệu chính, nguyên liệu phụ, nhiên liệu…Nguyên vật liệu có đặc điểm tham gia một lần vào chu kỳ sản xuất, tiêu hủy hoàn toàn hoặc bị biến dạng so với ban đầu, giá trị của nguyên vật liệu chuyển toàn bộ vào giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp phải có biện pháp cung ứng đầy đủ, kịp thời nguyên vật liệu đảm bảo cho quá trình sản xuất được liên tục. Tuy nhiên nguyên vật liệu phải đúng chủng loại, quy cách, đảm bảo chất lượng và có giá cả phù hợp. Chất lượng nguyên vật liệu có ảnh hưởng rất lớn đến định mức tiêu hao vật tư, đến giá thành sản phẩm. Chính vì thế, doanh nghiệp thường rất quan tâm đến quá trình thu mua, nguồn cung ứng, vận chuyển, bảo quản, chất lượng và giá cả nguyên liệu.
+ Chi phí về khấu hao tài sản cố định (TSCĐ)
Chi phí khấu hao phụ thuộc vào tình trạng trang bị TSCĐ. TSCĐ là những tư liệu sản xuất có giá trị lớn, có thời gian sử dụng lâu dài, tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất. TSCĐ bao gồm: máy móc thiết bị, nhà xưởng, phương tiện vận tải, dụng cụ quản lý…Đây là nhân tố có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả SXKD. Trong đó máy móc thiết bị và công nghệ là bộ phận trọng yếu. Đây là hai yếu tố gắn bó chặt chẽ với nhau, phản ánh trình độ của lực lượng sản xuất. Thời đại ngày nay, lao động của con người đã dần được thay thế
bằng cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa; việc trang bị và sử dụng máy móc thiết bị ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, từ cuối thế kỷ 20, cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, tác động tất cả các nhân tố của lực lượng sản xuất, làm cho lực lượng sản xuất thay đổi không ngừng. Các ngành khoa học công nghệ cũng hình thành nên các tổ chức sản xuất, thu hẹp khoảng cách giữa phát minh với áp dụng thực tiễn, khiến cho khoa học công nghệ đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp. Chất lượng máy móc thiết bị thường quyết định qui trình công nghệ, thiết bị hiện đại thì đi cùng với công nghệ tiên tiến. Ngược lại máy móc thiết bị lạc hậu thì công nghệ cũng lạc hậu: tốn nguyên liệu, lãng phí nhân công, giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp. Để đánh giá tình trạng kỹ thuật của TSCĐ, người ta thường so sánh giá trị máy móc thiết bị trên tổng giá trị của TSCĐ để phân tích cơ cấu đầu tư. Nếu giá trị máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giá trị TSCĐ thì TSCĐ đó không phát huy được tác dụng, không đem lại hiệu quả kinh tế. Tình trạng kỹ thuật của TSCĐ còn được phản ánh qua chỉ tiêu hệ số hao mòn TSCĐ, được xác định bằng cách so sánh số khấu hao đã trích với tổng nguyên giá TSCĐ. Hệ số hao mòn càng lớn chứng tỏ TSCĐ càng cũ và ngược lại.
+ Chi phí về vốn: Vốn của doanh nghiệp bao gồm vốn tự có và vốn đi vay Doanh nghiệp muốn tiến hành sản xuất cần có số vốn ban đầu nhất định. Vốn có vai trò rất quan trọng đối với quá trình SXKD. Vốn chính là yếu tố vật chất đầu tiên mà bất cứ quá trình SXKD, dùng vốn để mua trang máy móc thiết bị, mua nguyên vật liệu, thuê nhân công…Vốn nằm ở tất cả các khâu: khâu dự trữ, khâu sản xuất và khâu lưu thông. Vốn kinh doanh có hai loại: vốn cố định và vốn lưu động.
Vốn cố định là toàn bộ số vốn ứng trước để mua sắm, xây dựng hay lắp đặt hình thành nên TSCĐ. TSCĐ là những tư liệu lao động chủ yếu bao gồm máy móc thiết bị, nhà cửa vật kiến trúc, phương tiện vận tải, thiêt bị truyền dẫn, phương tiện quản lý…Vốn cố định được gọi là số vốn đầu tư ứng trước bởi vì số
vốn này nếu được sử dụng hiệu quả sẽ không bị mất đi, doanh nghiệp sẽ thu hồi lại sau khi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa dịch vụ. Đối với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau, ở mỗi thời gian khác nhau, sản xuất kinh doanh các sản phẩm khác nhau thì tỷ trọng vốn cố định trong tổng số vốn khác nhau. Qui mô của vốn cố định nhiều hay ít quyết định đến qui mô của TSCĐ, ảnh hưởng rất lớn đến trình độ trang bị kỹ thuật và công nghệ, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn cố định có đặc điểm là tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất, giá trị được chuyển dần từng phần vào giá thành phẩm. Tác giả Đặng Thúy Phượng đã rút ra kết luận: “Vốn cố định của doanh nghiệp là một bộ phận của vốn đầu tư ứng trước về TSCĐ mà đặc điểm của nó là luân chuyển dần từng phần trong nhiều chu kỳ sản xuất và hoàn thành một vòng tuần hoàn khi TSCĐ hết thời gian sử dụng”
Vốn lưu động: biểu hiện bằng tiền của tài sản lưu động. Tài sản lưu động trong sản xuất: nguyên vật liệu, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, sản phẩm dở dang….và tài sản lưu động trong lưu thông: sản phẩm, thành phẩm chờ tiêu thụ, các loại vốn bằng tiền, các khoản vốn trong thanh toán, các khoản chi phí trả trước, chi phí chờ kết chuyển…Vốn lưu động có đặc điểm phù hợp với đặc điểm của tài sản lưu động là không ngừng vận động qua các giai đoạn của chu kỳ kinh doanh: giai đoạn dự trữ, giai đoạn sản xuất, giai đoạn lưu thông. Sau mỗi chu kỳ kinh doanh, vốn lưu động chuyển một lần toàn bộ giá trị vào giá thành sản phẩm và thu hồi lại khi doanh nghiệp bán xong hàng, thu được tiền.
Để có đủ vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí của vốn vay, doanh nghiệp phải tính toán cân nhắc, đảm bảo sử dụng hiệu quả cả vốn cố định và vốn lưu động, tăng nhanh vòng quay của vốn, kết hợp cân đối giữa vốn cố định và vốn lưu động sao cho với số vốn ít nhất mà vẫn đảm bảo sản xuất và tiêu thụ một số lượng hàng theo yêu cầu.
+ Chi phí lao động
Trong các yếu tố cấu thành nên giá trị SP hàng hóa, lao động là yếu tố năng động nhất. Lao động đã tạo ra giá trị thặng dư (chính là lợi nhuận, mục đích SXKD của doanh nghiệp). Vì vậy, lao động là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của DN. Lao động ở mỗi DN bao gồm:
Số lượng lao động: phụ thuộc vào qui mô sản xuất, trình độ tay nghề, tình hình trang bị kỹ thuật, trình độ tổ chức quản lý sản xuất…Các doanh nghiệp khác nhau có những đặc điểm khác nhau về số lượng lao động thường xuyên và lao động hợp đồng, có những đặc điểm khác nhau về tỷ trọng giữa lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Số lượng lao động trong kỳ thường xuyên biến động do tuyển dụng mới, do nghỉ hưu, nghỉ thôi việc, do hết thời hạn hợp đồng… Doanh nghiệp cần có kế hoạch khoa học hợp lý, sử dụng tốt nhất lực lượng lao động hiện có.
Chất lượng lao động: phụ thuộc vào trình độ thành thạo tay nghề của công nhân (số công nhân ở từng bậc thợ, số công nhân đã qua đào tạo,…) của doanh nghiệp. Trong thời đại ngày nay, khoa học kỹ thuật và công nghệ tiến bộ rất nhanh, đòi hỏi chất lượng lao động không ngừng nâng lên, lao động phải có văn hóa, có tri thức, nắm bắt được khoa học kỹ thuật, trình độ lành nghề, phải thường xuyên nâng cao trình độ thì mới có thể điều khiển máy móc trang thiết bị hiện đại, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất hàng hóa để xuất khẩu. Chất lượng lao động còn phụ thuộc vào trình độ quản lý, cách thức tổ chức của bộ máy gián tiếp. Các chỉ tiêu phản ánh cụ thể chất lượng lao động là nâng cao năng suất lao động:
- Số sản phẩm sản xuất/người/đơn vị thời gian. - Doanh thu/lao động/đơn vị thời gian.
Các chỉ tiêu trên phản ánh năng suất lao động cả số lượng và chất lượng. chính vì lao động là nhân tố năng động nhất của lực lượng sản xuất, cùng điều kiện sản xuất như nhau nhưng lao động có thể tạo nên năng suất khác nhau, dẫn đến hiệu quả kinh tế khác nhau, cho nên công tác quản lý và sử dụng lao động đã trở thành một môn khoa học, được đúc kết trở thành nghệ thuật quản lý. Lao động cần phải được đào tạo và luôn tự hào để tiến kịp với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Trong việc bố trí sử dụng lao động cần đúng người, đúng việc, phù hợp trình độ chuyên môn, bố trí hình thành dây chuyền sản xuất liên tục, khép kín, khoa học để nâng cao năng suất lao động, chất lượng va hiệu quả công việc.
Tóm lại, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD, song có hai yếu tố cơ bản chủ yếu nhất tác động đến chi phí đầu vào và kết quả đầu ra của DN. Đó chính là doanh thu tiêu thụ và chi phí của sản phẩm hàng hóa đã thực hiện tiêu thụ. Các yếu tố cơ bản này lại chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác. Xác định rõ ảnh hưởng của các nhân tố đến doanh thu tiêu thụ và chi phí tiêu thụ, có vai trò rất quan trọng giúp cho DN phân tích đánh giá, tìm ra các biện pháp để nâng cao hiệu quả SXKD.