3.2.1. Đề xuất với Oceanbank
* Ngân hàng cần hoàn thiện hệ thống xếp hạng nội bộ, hệ thống quản trị thông tin khách hàng.
a) Căn cứ hình thành kiến nghị
Tại Oceanbank, hệ thống xếp hạng nội bộ đã được sử dụng từ lâu, tuy nhiên tỷ trọng các thang điểm chưa thực sự hợp lý cũng như tình trạng thông tin do doanh nghiệp cung cấp không chính xác nên kết quả xếp hạng khách hàng chưa được sử dụng như một tiêu chuẩn có ý nghĩa thực sự quan trọng để phục vụ quyết định cho vay.
Bên cạnh đó, toàn ngân hàng chưa có hệ thống kết nối thông tin để tất cả các bộ phận cùng chia sẻ và tìm hiểu về khách hàng. Trong thực tế đã có những bài học đắt giá trong việc không thu thập dữ liệu để quản lý tập trung và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị dẫn đến tình trạng một khách hàng vay vốn tại nhiều chi nhánh, nhiều ngân hàng, thậm chí một khách hàng đang có nợ quá hạn tại chi nhánh này vẫn có thể vay vốn được tại chi nhánh khác do không có sự trao đổi thông tin lẫn nhau. Vì thế để hạn chế rủi ro khi cho vay các món vay có quy mô lớn thì việc xây dựng hệ thống thông tin về khách hàng là một giải pháp cần thiết và được coi là nguyên tắc bắt buộc. Ngân hàng càng hiểu biết rõ về khách hàng bao nhiêu thì càng đảm bảo an toàn đối với khoản đầu tư của mình bấy nhiêu. Mức độ hiểu biết về khách hàng phụ thuộc vào lượng thông tin mà ngân hàng thu thập được và khả năng phân tích các thông tin của cán bộ cho vay. Tuy nhiên luôn xảy ra tình trạng thông tin bất cân xứng trong hoạt động tín dụng. Đó là tình trạng một trong hai bên (ngân hàng hoặc khách hàng) trong quan hệ tín dụng có được thông tin ít hơn bên kia. Thông thường ngân hàng có nhiều thông tin về sản phẩm hơn khách hàng, còn khách hàng của ngân hàng có nhiều thông tin về bản thân, năng lực tài chính, về
phương án, dự án... Tình trạng này thường gây hậu quả cho ngân hàng nhiều hơn, dẫn ngân hàng đến những quyết định sai lầm.
b) Mục tiêu
- Hoàn thiện hệ thống xếp hạng nội bộ với mục tiêu
+ Thiết lập cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng để các cán bộ có liên quan đi đến cho quyết định cho vay một cách đồng đều, thống nhất.
+ Giám sát, đánh giá khi các khoản tín dụng đang còn dư nợ cho phép ngân hàng lường trước những dấu hiệu cho thấy khoản vay đang có chất lượng xấu đi hay tốt lên để có các biện pháp kịp thời.
+ Xây dựng mô hình đánh giá tổng quan về các doanh nghiệp để làm căn cứ áp dụng chính sách tín dụng phù hợp với từng loại khách hàng.
+ Trên cơ sở chấm điểm, xếp hạng, chi nhánh nên có những chính sách khác nhau về phương thức cho vay, tài sản bảo đảm, thời gian vay, thời hạn trả nợ... Từ đó, chi nhánh sẽ phát triển được mạng lưới khách hàng trọng tâm và có chất lượng.
- Thiết lập quy trình, cách thức thu thập thông tin đầy đủ, chính xác và có độ tin cậy cao.
c) Nội dung kiến nghị
♦ Xếp hạng nội bộ là phương pháp lượng hóa mức độ rủi ro tín dụng của khách hàng thông qua đánh giá bằng thang điểm.
- Trong thời gian tới, Oceanbank cần hoàn thiện hệ thống xếp hạng khách hàng nội bộ theo hướng hoàn thiện bộ chỉ tiêu chấm điểm, bộ chỉ tiêu tài chính bao gồm khả năng thanh toán, khả năng tự tài trợ, khả năng sinh lời, các chỉ tiêu hoạt động,.. và bộ chỉ tiêu phi tài chính gồm mức độ tín nhiệm trong quan hệ tín dụng với ngân hàng và các TCTD khác, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình TSBĐ, vị thế trong lĩnh vực sản xuất, quy mô hoạt động.... Các chỉ tiêu này cùng với tỷ trọng giữa các chỉ tiêu cần được cập nhật định kỳ để phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, hệ thống cần phải bổ sung mức bình quân ngành để làm căn cứ so sánh, cho điểm tín dụng.
- Kết quả xếp hạng phải trở thành một trong những căn cứ chính để xác định mức vốn vay, xác định các điều kiện thích hợp (điều kiện về TSBĐ, về lãi suất...). Ngoài ra, kết quả xếp hạng còn là cơ sở để ngân hàng tiến hành phân loại dư nợ vay tương ứng mức độ rủi ro của khách hàng, từ đó có chính sách trích lập DPRR và quản lý tín dụng thích hợp.
trường hợp cụ thể có ảnh hưởng đến hoạt động của khách hàng (có thay đổi bất thường trong nội bộ, thiên tai, dịch bệnh...), ngân hàng cần tiến hành chấm điểm ngay.
♦ Để hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ áp dụng hiệu quả đối với tất các doanh nghiệp, ngân hàng còn cần hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ theo các hướng sau đây:
- Xây dựng hệ thống nội bộ xếp hạng khách hàng cần phân biệt theo từng nhóm khách hàng vì mỗi nhóm khách hàng có đặc điểm hoạt động khác nhau nên cần có những tiêu chí đánh giá khác nhau:
+ Đối với nhóm khách hàng là các doanh nghiệp lớn, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi xây dựng bảng điểm cần chú ý các chỉ tiêu tài chính; Lưu chuyển tiền tệ; trình độ quản lý: kinh nghiệm kinh doanh và kinh nghiệm trong ngành, tính khả thi của phương án kinh doanh; Quá trình trả nợ vay tại Oceanbank và các ngân hàng khác, mức độ giao dịch ...; Các yếu tố bên ngoài như triển vọng ngành, vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường.
+ Đối với nhóm khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Về cơ bản các chỉ tiêu đánh giá cũng giống nhóm các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng tỷ trọng các chỉ tiêu thì khác nhau: Trong khi các khách hàng là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài các chỉ tiêu tài chính là rất quan trọng thì đối với nhóm khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chỉ tiêu đánh giá chủ sở hữu của các doanh nghiệp này, khả năng quản lý và quá trình quan hệ với ngân hàng lại quan trọng hơn vì các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này không thực sự đáng tin cậy, không phản ánh thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
- Với mỗi chỉ tiêu phân tích của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, cần xây dựng khung chuẩn cho từng nhóm doanh nghiệp theo quy mô, ngành kinh doanh trong từng thời kỳ.
- Kiểm soát chặt chẽ thông tin đầu vào của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Thông tin đầu vào phải là thông tin chuẩn, đáng tin cậy thì kết quả xếp hạng mới chính xác.
♦ Hệ thống quản trị thông tin khách hàng bao gồm việc thu thập, xử lý, phân tích, xếp loại, dự báo, trao đổi, cung cấp, lưu trữ, khai thác và sử dụng toàn bộ các thông tin về khách hàng nhằm góp phần đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, đồng thời giúp cấp quản lý có căn cử để xây dựng chính sách tín dụng và chiến lược
quản lý rủi ro tín dụng.
Để có thể tập hợp được những thông tin hữu ích, tại chi nhánh cần ban hành quy định hướng dẫn các bộ phận sưu tầm, đóng góp thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu. Chi nhánh cũng cần dành một khoản chi phí thích đáng cho việc sưu tầm thông tin, thậm chí trong một số trường hợp cần mạnh dạn trả giá để có những thông tin giá trị. Dựa vào các thông tin thu thập được, ngân hàng sẽ tiến hành tính toán, đưa ra đánh giá, nhận xét rõ ràng về mức độ an toàn vốn cho vay đối với từng đối tượng khách hàng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng mà ngân hàng phải làm khi cho vay các dự án có quy mô lớn, nhằm phòng ngừa hạn chế rủi ro cho chính bản thân ngân hàng.