Các yếu tố chủ quan

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, chi nhánh Quảng Ninh (Trang 42)

1.3.1.1. Yếu tố từ phía ngân hàng

Thứ nhất, mô hình tổ chức hoạt động tín dụng

Việc sắp xếp mô hình tổ chức hoạt động tín dụng phải phù hợp với mô hình quản trị rủi ro mà ngân hàng lựa chọn. Một mô hình tổ chức hoạt động tín dụng tốt theo thông lệ quốc tế sẽ tạo ra cách thức hạn chế rủi ro tín dụng.

Nếu mô hình tổ chức hoạt động tín dụng phân định rõ chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân tham gia và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân theo phân cấp, ủy quyền phê duyệt cấp tín dụng thì sẽ đảm bảo hoạt động tín dụng tuân thủ các chính sách, quy trình tín dụng của ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng.

Thứ hai, chính sách tín dụng và quy trình tín dụng của ngân hàng

Chính sách tín dụng và quy trình tín dụng được coi là bộ khung của quản trị rủi ro tín dụng. Chính sách tín dụng, quy trình tín dụng chuẩn và phù hợp sẽ có tác động trực tiếp tới hiệu quả quản trị rủi ro.

Chính sách tín dụng đúng đắn sẽ tạo điều kiện cho NHTM sử dụng tối ưu nguồn vốn của mình để cho vay, thu hút lượng khách hàng lớn hơn, đảm bảo khả năng sinh lời trên cơ sở phân tán rủi ro, tuân thủ pháp luật, an toàn trong kinh doanh và là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng tín dụng. Nếu chính sách tín dụng không phù hợp sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng và có thể tạo ra nhiều rủi ro.

Việc xác lập một quy trình tín dụng và không ngừng hoàn thiện là đặc biệt quan trọng đối với NHTM. Một quy trình tín dụng hợp lý sẽ giúp ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm thiểu rủi ro tín dụng. Quy trình tín dụng là cơ sở cho việc phân định quyền, trách nhiệm cho các bộ phận trong hoạt động tín dụng, thiết lập các hồ sơ và thủ tục vay vốn.

Thứ ba, việc đo lường, đánh giá rủi ro tín dụng

Đo lường, đánh giá rủi ro tín dụng là nguyên tắc cho vay quan trọng bởi mục tiêu của hoạt động cho vay là tạo ra các khoản vay tốt, có khả năng hoàn trả theo đúng cam kết cả gốc và lãi. Việc đánh giá đúng khách hàng vay vốn, rủi ro từ việc cho vay đối với khách hàng đó giúp ngân hàng có quyết định cho vay đúng đắn, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro tín dụng có thể xảy ra và ngược lại đánh giá không đúng sẽ là tiền đề rủi ro xảy ra.

Thứ tư, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng

Chất lượng của nguồn nhân lực ảnh hưởng đến công tác quản trị rủi ro tín dụng thể hiện ở trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tư cách đạo đức của cán bộ làm công tác tín dụng. Cán bộ tín dụng với trình độ chuyên môn giỏi, được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm thực tế sẽ giúp ngân hàng đưa ra được chính sách tín dụng đúng đắn, quy trình tín dụng phù hợp, lựa chọn được khách hàng tốt, đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Ngoài ra trình độ cán bộ tín dụng giỏi thì khả năng phát hiện, ngăn chặn những thủ đoạn lợi dụng khách hàng, công tác quản trị tín dụng càng chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro. Ngược lại, nếu chất lượng nguồn nhân lực thấp, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác tín dụng không tốt và ngày càng xuống cấp thì công tác quản trị tín dụng sẽ gặp nhiều rủi ro.

Thứ năm, cơ chế giám sát, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ

Một cơ chế giám soát hoạt động tín dụng tốt sẽ hạn chế và khắc phục kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện công tác tín dụng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong ngân hàng sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn, nó vừa có tác dụng kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau đồng thời bổ xung những thông tin cần thiết để giám sát chặt chẽ một khoản vay và hơn nữa để hoàn thiện chính sách tín dụng chung của ngân hàng từ đó tăng cường hiệu quả của công tác quản trị rủi ro tín dụng.

Hiệu quả của công tác kiểm tra nội bộ trong hoạt động tín dụng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản trị rủi ro tín dụng. Thông qua hoạt động kiểm tra nội bộ có thể phát hiện, ngăn ngừa và chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện nghiệp vụ tín dụng cũng như phát hiện, ngăn chặn những rủi ro đạo đức do cán bộ tín dụng gây ra. Việc sắp xếp bố trí mô hình kiểm tra nội bộ cũng ảnh hưởng đến

chất lượng của công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ. Các ngân hàng cần sắp xếp mô hình kiểm tra kiểm soát nội bộ một cách độc lập với bộ phận trực tiếp kinh doanh thì các kết luận kiểm tra, kiểm soát đưa ra mới khách quan và giúp cho công tác quản trị rủi ro tín dụng đạt hiệu quả.

Thứ sáu, hệ thống thông tin, báo cáo của ngân hàng

Hệ thống thông tin nội bộ và hệ thống thông tin bên ngoài ngân hàng giúp cho việc ra quyết định tín dụng đúng đắn và kịp thời, giám sát món vay có hiệu quả, phát hiện sớm các dấu hiệu gây rủi ro, giảm thiểu rủi ro tín dụng. Khi thu thập được thông tin, ngân hàng cần phải có bộ phận xử lý thông tin để đảm bảo thông tin chính xác, từ đó có những biện pháp phù hợp.

Thứ bảy, sự phát triển của trình độ công nghệ thông tin

Ngày nay trình độ công nghệ là yếu tố quan trọng trong tổ chức kinh doanh ngân hàng, đặc biệt là đối với quản trị rủi ro tín dụng. Công nghệ ngân hàng hiện đại càng trợ giúp cho ngân hàng sàng lọc những khách hàng, ngành nghề đang có mức độ rủi ro cao cũng như các cơ sở dữ liệu thông tin về từng khách hàng để phân tích, xử lý các thông tin cần thiết, từ đó sớm phát hiện những rủi ro tín dụng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ giúp ngân hàng giảm bớt thời gian đánh giá, tìm hiểu thông tin về khách hàng, giúp cán bộ ngân hàng có nhiều thời gian hơn để quản lý, giám sát rủi ro tín dụng.

1.3.1.2. Yếu tố từ phía khách hàng vay vốn

Trình độ quản lý doanh nghiệp của lãnh đạo, thông tin tài chính doanh nghiệp và thái độ ứng xử của doanh nghiệp đối với khoản vay là cơ sở quan trọng để ngân hàng xem xét đánh giá tình hình tài chính của khách hàng vay vốn, tính khả thi của dự án vay vốn và khả năng trả nợ của khách hàng, đồng thời giúp cán bộ ngân hàng tăng cường giám sát các khoản vay của mình, đồng thời cũng hạn chế được những kẽ hở để doanh nghiệp có thể lợi dụng để gian lận.

Khi cho vay, Ngân hàng mong muốn khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả để có khả năng trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng. Đối với các doanh nghiệp, khi vay vốn đều có mục đích rõ ràng, phương án kinh doanh cụ thể và khả thi; đối với các cá nhân thì có kế hoạch trả nợ cụ thể và khả thi. Như vậy, khách hàng vừa là người mang lại thu nhập cho ngân hàng đồng thời đưa lại cho ngân hàng cả những nguy cơ rủi ro. Cho nên nếu quản lý được các nguy cơ rủi ro đó sẽ làm tăng đáng kể lợi nhuận cho ngân hàng.

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, chi nhánh Quảng Ninh (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w