TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CẤU TRÚC NGHĨA BIỂU HIỆN CỦA CÂU VỚI VỊ TỪ TRAO/TẶNG

Một phần của tài liệu Cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu có vị ngữ là vị từ mang ý nghĩa trao tặng (Trang 39)

VỚI VỊ TỪ TRAO/TẶNG

Cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ trao/tặng từ trước tới nay được rất nhiều nhà ngôn ngữ học đề cập. Có thể nói không ai khi nói về cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu, đặc biệt là câu với vị từ tam trị hay đa trị, lại không dẫn các ví dụ có vị từ trao/tặng. Tuy nhiên, chúng mới chỉ được đề cập một cách rải rác, nằm trong tổng thể những vấn đề chung về vai nghĩa, về vị từ đa trị, v.v. chứ chưa được nghiên cứu cụ thể, toàn diện, sâu sắc. Đến giữa thập kỷ 1990 mới bắt đầu xuất hiện một số công trình chuyên sâu về nhóm vị từ này, tiêu biểu là Newman (1996) và một số cộng sự của ông.

Newman và một số người khác đã tiến hành nghiên cứu những vị từ có ý nghĩa trao/tặng ở nhiều ngôn ngữ khác nhau và đã có những tổng kết quan trọng về nhóm vị từ này. Ví dụ:

 Newman khảo sát give trong tiếng Anh, Đức, Nhật, Trung quốc, và Kalam ở New Guinea;

 Robert nghiên cứu give trong tiếng Amele ở Papua New Guinea;  Tuggy nghiên cứu give trong tiếng Nawatl ở Trung Mỹ;

 Wilcox nghiên cứu give trong Ngôn ngữ Cử chỉ Mỹ (ASL –

American Sign Language);

 Song nghiên cứu give trong tiếng Thái và tiếng Việt, v.v.

(những nghiên cứu này được tổng hợp trong Newman, 1996 và nhiều công trình về sau của ông và các cộng sự). Kết quả nghiên cứu của các tác giả kể trên là những cơ sở quan trọng được tiếp tục phát triển và khảo sát theo mục đích và nhiệm vụ cụ thể trong nghiên cứu này.

Trước hết, các nhà nghiên cứu này quan niệm rằng hành động trao/tặng là hành động trong đó một người (người cho) chuyển quyền kiểm soát đối với một vật nào đó (vật trao/tặng) cho một người khác (người nhận). Mỗi một hành động trao/tặng cụ thể còn có những đặc điểm riêng biệt khác. Những cuộc trao/tặng như tặng quà sinh nhật, mừng tuổi (hay lì-xì) trong những dịp tết ở Việt Nam, Trung Quốc, trao giải trong một cuộc thi, v.v.., lại còn có những nghi thức riêng, phức tạp hơn thế nhiều. Để có thể mô tả được vô vàn những cuộc trao/tặng khác nhau như thế, các ngôn ngữ trên thế giới đều có hàng loạt vị từ khác nhau, mỗi vị từ mô tả một cuộc trao/tặng theo một cách thức cụ thể, giữa những đối tượng có những đặc trưng nhất định, với những ý nghĩa văn hoá, xã hội nhất định. Việc nghiên cứu những vị từ này ở các ngôn ngữ có thể phát hiện ra nhiều điều lý thú cả về ngôn ngữ, nhận thức lẫn văn hoá, xã hội.

O.N. Seliverstova (2004) trong khi phân tích thành phần cấu tạo của từ đa nghĩa trong tiếng Nga cũng dành hẳn một chương đề cập đến động từ dat‟ – cho. Seliverstova đã tiến hành phân tích khá cặn kẽ các nghĩa (sense) của

động từ dat‟ - cho trong tiếng Nga và các kết hợp của nó ở từng nghĩa với

Chủ ngữ, Tân ngữ Trực tiếp và Tân ngữ Gián tiếp. Sau đó bà đã phân loại các nét nghĩa này thành các nhóm nghĩa (trên 10 nhóm), từ nhóm nghĩa thông thường tới nhóm nghĩa có tính hình tượng, ẩn dụ. Seliverstova cũng chỉ ra

khả năng thay thế đa dạng của dat‟ cho nhiều động từ khác. Bà chú trọng đến việc phân tích các phong cách ngôn ngữ qua các kiểu kết hợp giữa động từ

dat‟ với Tân ngữ Trực tiếp và Tân ngữ gián tiếp, đặc biệt là những đặc trưng

cụ thể của Tân ngữ Trực tiếp. Tuy nhiên, bà mới chỉ dừng ở việc phân tích các ý nghĩa từ vựng (lexical meaning) của động từ này mà chưa khảo sát cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với động từ này. Bà đã phân tích được rõ nhiều đặc trưng của Chủ ngữ, Tân ngữ Trực tiếp và Tân ngữ Gián tiếp trong các kết hợp với động từ dat‟ nhưng không hề thảo luận những mối quan hệ hay tác

động của những đặc trưng đó tới vai nghĩa của các đối tượng tham gia sự tình. Bà chưa đưa ra được những cách thức giúp xác định vai nghĩa một cách thuận tiện căn cứ vào chính những đặc trưng mà bà đã chỉ ra. Đó là một số hạn chế trong công trình này của Seliverstova.

Trong Việt ngữ học, vị từ mang ý nghĩa trao/tặng đã rải rác được đề cập ở một số công trình của các tác giả như Nguyễn Kim Thản, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Văn Hiệp, Hoàng Trọng Phiến, v.v. Trong Động từ trong tiếng Việt, Nguyễn Kim Thản (1977) đã dành một mục bàn về nhóm động từ mà ông gọi là “Động từ phát nhận”, trong đó có hai tiểu nhóm là động từ ban phát, gồm những động từ như ban, bán, biếu, bố thí, bồi thường, bù, cấp, cho, cấp phát,

dành, dâng, giao, gửi, nhường, phú, thí, v.v., và động từ tiếp nhận, gồm những động từ như giật, mượn, nợ, vay, chiếm, cướp, lấy, lĩnh, nhận, v.v. Động từ thuộc tiểu nhóm ban phát trong công trình của Nguyễn Kim Thản trùng với vị từ mang ý nghĩa trao/tặng trong luận án này. Nguyễn Thị Thu Hảo (2001) cũng dùng thuật ngữ “động từ phát nhận” để chỉ nhóm động từ này.

Trong Tiếng Việt – Sơ thảo Ngữ pháp chức năng, Quyển I và Ngữ pháp

Chức năng tiếng Việt, Quyển I – Câu trong tiếng Việt - Cấu trúc – Nghĩa – Công dụng, Cao Xuân Hạo cùng nhóm tác giả (1991, 1992) nhấn mạnh cấu

trúc tầng bậc rất phức tạp của nghĩa câu, trong đó có cấu trúc tham tố (một số tác giả khác gọi là khung vị từ - tham thể). Đối với trường hợp câu với nhóm vị từ mang ý nghĩa trao/tặng, Cao Xuân Hạo nhận định rằng trong một sự tình được gọi là „cho‟ phải có một người cho, một người nhận và một cái gì đó được đem cho. Sự tình được diễn đạt bằng câu Nam cho em bé cái kẹo, cái

khung ngữ vị từ (khung nghĩa) có thể phân tích như sau:

Diễn tố 1 Lõi của sự tình Diễn tố 2 Diễn tố 3

Hành thể Hành động Tiếp thể Đối thể

Agent Action Recipient Theme

Nam cho em bé cái kẹo

Hành động này cũng có thể coi là hành động chuyển vị, làm cho cái kẹo chuyển vị trí sở hữu chủ từ Nam sang em bé (Cao Xuân Hạo 1991:117). Ông cũng lưu ý rằng trong những câu như Nó cho thằng ấy một đạp, vị từ cho lâm thời được dùng như một hành động tạo tác (một đạp là kết quả của hành động đạp). Mặt khác, cũng có thể coi đó là một hành động gây khiến: Nam khiến cho em bé có cái kẹo.

Trong những công trình nói trên, Cao Xuân Hạo và nhóm tác giả thiên về quan điểm lôgíc học, chú trọng đến cấu trúc Đề - Thuyết của câu và quan tâm tới cấu trúc tham tố nằm ở bề nổi gắn với cấu trúc cú pháp của câu theo một quan hệ tương liên (correspondence) rõ ràng hơn những tầng cấu trúc khác. Bên dưới cấu trúc tham tố (argument structure) còn nhiều tầng nghĩa quy định, ràng buộc nhau mà các tác giả này chưa đi sâu phân tích kỹ lưỡng. Nguyễn Văn Hiệp (2003) cũng khẳng định “câu là một thực thể nhiều chiều kích ... đứng trên góc độ ngữ nghĩa để có một cái nhìn „lập thể‟ về câu thì phải đi đến một lối phân tích mang tính môđun về các thành tố cấu trúc của nó...” trên nhiều cấp độ như cấp độ lõi sự tình của câu, cấp độ khung câu. Trong

các công trình nói trên, nhiều ví dụ với vị từ trao/tặng đã được đưa ra làm dẫn chứng nhưng vẫn chưa phải là đối tượng được nghiên cứu thật sâu.

Hoàng Trọng Phiến (1980) cũng có sơ bộ đề cập tới cấu trúc câu với vị từ trao/tặng, ví dụ như ở trang 138:

- Nó tặng cuốn sách này cho An.

- Nó tặng An cuốn sách này.

Tác giả lập luận rằng “hai câu này giống nhau về quá trình hành động và các nhân tố tham gia, còn chỗ khác nhau là ở trọng tâm thông báo... Sự khác nhau này có liên quan đến vai trò của đối tượng tiếp nhận An và hư từ cho.” Song tác giả chỉ dừng ở đó mà không giải thích rõ vai trò của đối tượng tiếp nhận khác nhau như thế nào, hay trọng tâm thông báo khác nhau ở đâu.

Nguyễn Thị Quy trong Vị từ hành động tiếng Việt và cấu trúc tham tố của chúng (1995) quan tâm đến việc mô hình hóa cấu trúc tham tố của vị từ hành động tiếng Việt là chính. Các vai nghĩa cũng được tác giả này đề cập tới dưới góc độ cú pháp với tiêu đề Cách diễn đạt các vai nghĩa của khung vị ngữ

„hành động‟ bằng các bổ ngữ của vị từ trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Nga và tiếng Anh). Tuy nhiên, ở đây các vai nghĩa cũng chưa được khai thác,

giải thích triệt để và mô hình hóa rõ ràng thành các tầng bậc nghĩa - cái cốt lõi của nghĩa câu. Vai Tác thể (Agent), hay Hành thể theo cách gọi của Nguyễn Thị Quy, không được bàn đến mặc dù trong thực tế vai này cũng còn một số đặc điểm khác cần phải phân biệt rõ ràng. Có lẽ là vì, về mặt cú pháp, vai này thường được ưu tiên làm chủ ngữ trong câu, một vị trí khá nổi bật nên tác giả không bàn sâu về nó.

Trong công trình này, Nguyễn Thị Quy cũng nêu một số luận điểm cần phải bàn thêm. Ví dụ ở trang 165 tác giả nhận định: “... các ngôn ngữ châu Âu chỉ quan tâm đến vị trí của vật chủ thể so với nơi chốn; còn tiếng Việt thì lại đưa vào cách dùng „giới từ‟ một yếu tố thứ ba: chỗ đứng của người nhìn.”

Đây là một kết luận chưa thuyết phục, bởi trong một thứ tiếng khá phổ biến trên thế giới như tiếng Anh, một số lượng khá lớn giới từ dùng như thế nào vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào vị trí của người nói hoặc đường chuyển động, ví dụ:

- The post office is across the street (from here). Bưu điện ở bên kia phố (nhìn từ đây).

- The village is over the hill (we have to go over the hill in order to reach it).

Ngôi làng ở bên kia đồi (chúng ta phải vượt qua đồi mới tới).

Còn trong ví dụ của Langacker (1987:123): cùng một sự tình là cái diều đang bay nhưng cả hai câu sau đây đều có thể chấp nhận được, tuỳ theo tư thế của người phát ngôn (tư thế bình thường hoặc „trồng cây chuối‟):

- The kite is above the house / The house is above the kite.

Cái diều ở bên trên ngôi nhà / Ngôi nhà ở bên trên cái diều.

Vai Tiếp thể và Đắc lợi thể được phân biệt tương đối rõ ở một số nét nghĩa, song tác giả không chỉ ra được rằng về thực chất vai này bao hàm vai kia, một vai nằm ở tầng bậc cao hơn vai kia như Frawley (1992) đã xác định. Vai Công cụ cũng được đề cập khá tỉ mỉ, song ở trang 182 tác giả không thực sự nhận thấy hiện tượng „hoà đúc tham tố‟ vào trong chính nội hàm của vị từ. Ví dụ vị từ „sút‟ đã bao hàm tham tố nghĩa công cụ „bằng chân‟, hay „thái‟ thể hiện cả nghĩa công cụ „bằng dao‟, do vậy vai Công cụ không cần phải thể hiện hiển ngôn bằng một giới ngữ (prepositional phrase) nữa. Nói đúng hơn, khi vai Công cụ được thể hiện hiển ngôn trong những câu như

*N sút bóng bằng chân. *Cô ấy thái thịt bằng dao. hoặc *Nó nhìn tôi bằng con mắt.

câu trở nên hoàn toàn bất khả chấp. Chỉ trong trường hợp cụ thể, để nhấn mạnh một cái gì bất thường hay đặc biệt, vai Công cụ mới được thể hiện hiển ngôn như các ví dụ tác giả đã dẫn:

- N. sút bóng bằng chân trái. - Cô ấy thái thịt bằng dao phay.

Chương 4 sẽ cung cấp những lý do khác để giải thích cho trường hợp này. Nhóm vị từ trao/tặng được Nguyễn Thị Quy xếp thành một trong bốn loại vị từ mà tác giả gọi là Các vị từ [+Tác động] ba diễn tố. Tuy nhiên, tác giả chưa đưa ra những kiến giải xác đáng về các vai nghĩa mà các diễn tố này đảm nhiệm, và có chỗ tác giả còn nhầm lẫn giữa vai Tiếp thể với vai Đắc lợi thể. Như vừa nói ở trên, vai Tiếp thể và vai Đắc lợi thể có nhiều điểm tương đồng vì chúng bao hàm nhau nhưng không nằm trong cùng lớp nghĩa với nhau trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ trao/tặng. Thế nhưng tác giả lại coi hai vai này là bình đẳng với nhau. Hơn nữa, từ cho có những

lúc mơ hồ về chức năng, vừa hoạt động như động từ, vừa hoạt động như một công cụ từ (functional lexeme) làm cho tác giả nhầm lẫn, hoặc có thể cũng nhận thấy điều đó nhưng không làm rõ điểm khác biệt về chức năng của cho,

ví dụ như trong các dẫn liệu sau đây:

- Nam đem tiền cho các bạn. - Nó đem quà cho các bạn.

thì các bạn đều chỉ được coi là Tiếp thể, trong khi cho không những đánh dấu vai Tiếp thể mà còn đánh dấu cả vai Đắc lợi thể. Rõ ràng là những nhận xét này cần phải được lý giải, phân tích kỹ càng hơn nữa để làm rõ các vai nghĩa này cũng như chức năng của cho. Bên cạnh đó, vấn đề trật tự các tham thể

đảm nhận các vai này ở cấp độ cú pháp cũng có nhiều điểm chưa hợp lý. Tương tự như nhóm vị từ trao/tặng, nhóm vị từ ba diễn tố mà tác giả gọi là “các vị từ có một chủ thể chỉ người hành động, một đối thể chỉ vật bị

tác động theo kiểu thay đổi dáng vẻ bề ngoài và một đối thể thứ hai chỉ một chất liệu được dùng để thực hiện sự thay đổi đó” (trang 129) “có thể dùng với hai khung diễn tố khác nhau” nhưng lại có “một nội dung biểu hiện đồng nhất về thực trạng” (trang 137). Lý do vì đâu hai khung diễn tố khác nhau lại có một nội dung biểu hiện đồng nhất như vậy không được tác giả giải thích cặn kẽ. Hơn nữa, trong khi cố gắng khúc giải (paraphrase) cấu trúc cú pháp này, tác giả viện đến những dẫn chứng không thuần Việt, hay nói đúng hơn là cách dịch cấu trúc tiếng nước ngoài hơi gượng ép sang tiếng Việt. Ví dụ:

- Nó bôi mặt bằng vôi.

- Bà N. nêm canh bằng xì dầu.

Những chương sau sẽ trở lại bàn kỹ hơn về cấu trúc này.

Tựu trung lại, cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu và vai nghĩa của các tham thể trong cấu trúc đó với vị từ trao/tặng trong tiếng Việt đã thu hút sự quan tâm của một số nhà ngôn ngữ học và đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều luận giải tập trung hơn vào mối quan hệ giữa cấu trúc tham tố (argument structure) với cấu trúc cú pháp, mối quan hệ ở phần nổi hơn của câu mà chưa thật sự đi sâu vào cấu trúc ngữ nghĩa. Tính phức tạp, tầng bậc của cấu trúc ngữ nghĩa cũng như việc xác định các vai nghĩa trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ trao/tặng vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn nữa. Luận án này cố gắng áp dụng một cách nhìn mới hơn, toàn diện hơn đối với cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với những vị từ này, qua đó đưa ra những cơ sở để nhìn nhận các vai nghĩa một cách xác thực hơn.

1.5 TIỂU KẾT

Như vậy, Chương 1 đã trình bày những điểm chung, thống nhất trong quan điểm của nhiều tác giả nước ngoài và tác giả Việt Nam về nghĩa của

câu, cấu trúc nghĩa của câu và vai nghĩa của các tham thể trong cấu trúc nghĩa của câu cũng như cách phân loại vai nghĩa. Từ đó, những luận điểm cơ bản được đưa ra làm cơ sở nghiên cứu cho luận án. Phần cuối cùng của Chương 1 trình bày tổng quan về những công trình có liên quan ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp tới vị từ mang ý nghĩa trao/tặng. Kết quả nghiên cứu của những công trình này là những tiền đề quan trọng được tiếp tục phát triển, khảo sát và/hoặc điều chỉnh theo mục đích và nhiệm vụ cụ thể trong luận án này.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu có vị ngữ là vị từ mang ý nghĩa trao tặng (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)