0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (191 trang)

Cận cảnh (Foreground) và Hậu cảnh (Background)

Một phần của tài liệu CẤU TRÚC NGHĨA BIỂU HIỆN CỦA CÂU CÓ VỊ NGỮ LÀ VỊ TỪ MANG Ý NGHĨA TRAO TẶNG (Trang 128 -128 )

TRÊN CẤU TRÚC CÚ PHÁP CỦA CÂU VỚI VỊ TỪ TRAO/TẶNG

4.1.3 Cận cảnh (Foreground) và Hậu cảnh (Background)

Quan hệ giữa Cận cảnh và Hậu cảnh (Foreground and Background) thể hiện đối tượng nào được tập trung mô tả rõ nét hơn cả, đối tượng nào ít được chú ý hơn, thậm chí bị bỏ qua. Ví dụ: “giả sử tôi đang xén cỏ trong vườn, lưỡi dao xén cỏ đập vào một hòn đá khiến nó bắn lên làm vỡ cửa sổ, tôi có thể nói:

(i) I‟ve broken the window.

(ii) A stone has broken the window.

Một hòn đá vừa làm vỡ cửa sổ.

(i) đưa vai trò của „tôi‟ vào cận cảnh và „hòn đá‟ lùi về hậu cảnh, trong khi (ii) lại đưa „tôi‟ vào hậu cảnh, làm như „tôi‟ chẳng liên quan gì đến việc cửa sổ bị vỡ, và trút tội lên „hòn đá‟ - đối tượng được đưa lên cận cảnh” (Lee, 2001:4).

Khi một sự tình diễn tiến theo một quá trình nào đó thì người phát ngôn có thể đưa vào cận cảnh một chiết đoạn nào đó của quá trình, còn các chiết đoạn khác lùi về hậu cảnh. Chẳng hạn một sự tình Henry đưa cỏ khô lên một chiếc xe đã dẫn ở Chương 1 có thể được mô tả theo hai cách như sau:

- Henry loaded the wagon with hay.

(tạm dịch) Henry chất đầy xe bằng cỏ khô.

- Henry loaded hay onto the wagon.

(tạm dịch) Henry chất đầy cỏ khô lên xe. (Mylne, 2000)

trong đó câu thứ nhất đưa lên cận cảnh đoạn cuối của quá trình thực hiện hành động: kết quả là chiếc xe trở nên đầy cỏ khô, còn trong câu sau thì đoạn cuối của quá trình này lùi về hậu cảnh. Điều này đã dẫn đến những đặc trưng khác nhau, mức độ tham gia sự tình khác nhau của hai đối tượng chiếc xe và cỏ khô, cũng như làm biến đổi vai nghĩa của chúng, như Mylne đã phân tích.

Cận cảnh và Hậu cảnh cũng là những yếu tố quan trọng tác động tới cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ trao/tặng.

Dĩ nhiên, cấu trúc nghĩa của câu không phải chỉ được xây dựng từ các góc độ tri nhận có vẻ chủ quan, cá nhân của người tri nhận mà còn xuất phát từ các đặc trưng của chính các đối tượng khách quan mà người ta tri nhận được. Đó cũng là mối quan hệ hữu cơ giữa mặt cá nhân và mặt xã hội của ngôn ngữ, như Saussure (1973) đã xác định.

Sau đây, các khái niệm nói trên sẽ được sử dụng để giải thích sự thể hiện cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ trao/tặng trên cấu trúc cú pháp trong tiếng Anh và tiếng Việt, qua đó xác định những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ về câu với các vị từ này. Sự thể hiện cấu trúc nghĩa biểu hiện trên cấu trúc cú pháp của câu trong tiếng Anh và tiếng Việt rõ rệt nhất là qua trật tự các tham thể, do vậy nội dung được khảo sát và phân tích trong chương này là trật tự các tham thể. Dĩ nhiên, trật tự các thành phần câu thể hiện các tham thể còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác nữa như thông tin nào là cũ (given, old), thông tin nào là mới (new), tiêu điểm thông báo (information focus) hay cấu trúc Đề - Thuyết, v.v. Những vấn đề này đã được nhiều tác giả khảo sát kỹ lưỡng nên sẽ không được nhắc lại trong chương này. Trọng tâm của chương này chỉ là đưa thêm một cái nhìn khác về trật tự các tham thể dưới tác động của các yếu tố tri nhận đã giới thiệu ở trên. Thực tế điều này cũng giúp giải thích rõ hơn nhiều trường hợp mà những quan điểm trước đây chưa đề cập tới hoặc chưa được biện giải đầy đủ.

Một phần của tài liệu CẤU TRÚC NGHĨA BIỂU HIỆN CỦA CÂU CÓ VỊ NGỮ LÀ VỊ TỪ MANG Ý NGHĨA TRAO TẶNG (Trang 128 -128 )

×