9. Cấu trúc của luận văn
3.1 Vận dụng hệ phương pháp Sáu sigma
Từ đánh giá thực trạng quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học tại Sở, có thể khái quát ba vấn đề: (1) chúng ta đã có một quy trình tương đối chặt chẽ, có sự liên kết giữa các khâu, các cơ quan, tổ chức có liên quan theo hệ thống quản trị chất lượng ISO; (2) quy trình quản lý hiện hành còn mang nặng tính hành chính, chưa thực sự phát huy hiệu quả, tồn tại một số hạn chế cố hữu; (3) sự cam kết giữa các bên trong quy trình quản lý này chưa được chặt chẽ, chưa được đánh giá, đo lường một cách đầy đủ, chuẩn xác dẫn đến việc khắc phục lỗi, nâng cao hiệu quả quản lý nói riêng và hiệu quả của hoạt động khoa học – công nghệ nói chung còn hạn chế. Cải tiến quy trình quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học là thực sự cần thiết, cấp bách vì sự phát triển của hoạt động khoa học – công nghệ nhằm đóng góp xứng đáng, thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
Về mặt thực tiễn, tác giả cho rằng, việc đưa ra một mô hình hoàn toàn mới thay thế cho mô hình quản lý hiện nay là không khả thi, thiếu thực tế vì mấy lẽ: (1) cho dù xem xét ở góc độ mở đến đâu, thì đây vẫn thuộc về phạm trù quản lý nhà nước, không thể máy móc, áp đặt như một quy trình quản trị sản xuất hoặc kinh doanh. Chúng ta không thể tách ly quy trình này ra khỏi hệ thống, cơ chế quản lý nhà nước hiện hữu, không thể xây dựng, bổ sung một bộ máy mới phục vụ cho một mô hình hoàn toàn mới; (2) các đề tài nghiên cứu khoa học là một loại sản phẩm đặc biệt mà chất lượng và tính hữu ích của nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan chứ không đơn thuần chỉ đánh giá về mặt kỹ thuật, định lượng; (3) điều kiện về nguồn nhân lực hiện có cũng
chưa thể thích ứng một cách đầy đủ, có hiệu quả với mô hình xa lạ, thậm chí có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực, phá vỡ mô hình; (4) điều kiện về tài chính, kỹ thuật cũng chưa cho phép chúng ta thực hiện việc thay đổi mô hình. Như vậy, giải pháp cải tiến tối ưu hiện nay là điều chỉnh, bổ sung những điểm yếu cố hữu của quy trình hiện hành. Đó cũng chính là mấu chốt trong đặt vấn đề của tác giả với đề tài nghiên cứu này.
Trở lại với cơ sở lý luận, Sáu sigma xét từ khía cạnh là một hệ phương pháp nhằm giảm khuyết tật dựa trên việc cải tiến quy trình, rõ ràng là một lựa chọn hợp lý cho mục tiêu đặt ra. Chúng ta có thể kết hợp Sáu sigma với ISO để hoàn thiện quy trình quản lý hiện hành trên cơ sở Sáu Sigma cung cấp một hệ phương pháp đáp ứng những mục tiêu cụ thể mà ISO đề ra.
Tiến trình DMAIC chính là cơ sở để thực hiện việc cải tiến quy trình hiện hành. Thông qua tiến trình DMAIC, tác giả sẽ trình bày dưới đây nghiên cứu của mình về căn nguyên gây ra dao động của quy trình quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học hiện hành và cách thức giảm thiểu căn nguyên đó.