chất lượng môi trường đang bị suy giảm:
Huyện Đăk Mil nằm trong vùng hội tụ của hai luồng thực vật với hai loại hình rừng, bao gồm:
Rừng nửa rụng lá: điển hình là bằng lăng (Lagerstromea. Sp), căm xe (Xylia Dlarfriformis), dầu (Dipterocarpus. Sp), gáo vàng… Rừng nửa rụng lá có ở các đai thấp, chủ yếu từ 200m đến 500m, dọc theo suối và các vùng thung lũng. Rừng nửa rụng lá khép tán, tán dày và rừng có năm tầng.
Rừng khộp: Gồm các loại cây họ dầu (Dipterocarpaceae) chiếm ưu thế như các chi: Dipterocarpus, Shorea, Pentamea, Xylia, Hopea, Terminalia… Loại rừng thưa và thoáng này thường phân bố ở những vùng có khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt, phân bố ở các vùng đất ẩm, tầng đất sâu. Ở rừng khộp, cây rừng phát triển mạnh vào mùa mưa và rụng lá vào mùa khô. Vì cây lá rụng nhiều, ở mặt đất lại thường là các loại cỏ, le và cây con mọc dày đặc nên loại rừng này cực kỳ dễ cháy vào mùa khô. Tuy nhiên, chính lửa lại là yếu tố tích cực làm quả cây có đủ điều kiện để nảy mầm và tạo nên sức tái sinh mãnh liệt của rừng khộp. Vào mùa khô, rừng trơ trụi lá, đất đai khô cằn, các dòng suối trong rừng hầu hết đều cạn kiệt, nhìn như
những khu rừng chết, nhưng chỉ cần có một cơn mưa thoáng qua là cả khu rừng lập tức bừng màu xanh trở lại.
Tài nguyên rừng là một thế mạnh của huyện Đăk Mil. Diện tích, trữ lượng rừng khá lớn đóng vai trò quan trọng và có đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, rừng không chỉ có chức năng trong phát triển KT-XH mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong bảo vệ môi trường. Nhu cầu phát triển KT-XH cao, nhu cầu đất sản xuất và cho nhà ở nhằm đáp ứng sự gia tăng dân số đã dẫn đến hiện tượng khai thác rừng, đốt rừng làm nương rẫy, lấy đất làm nhà ở… đã làm giảm cả về diện tích lẫn chất lượng rừng trong huyện.
Theo Niên giám Thống kê huyện Đăk Mil năm 2007, địa bàn huyện còn 24.958ha đất dùng vào lâm nghiệp (36,54% diện tích tự nhiên), trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn xã Đăk Lao với 20.214ha. Phân theo chức năng, rừng sản xuất chiếm hầu hết diện tích với trên 80% đất rừng, còn lại là rừng phòng hộ tập trung tại 2 xã Đăk Lao (gồm các tiểu khu 1060, 1071 và một phần các tiểu khu 1027, 1030, 1043, 1047) và xã Thuận An (tiểu khu 1090, 1096).
Theo kết quả rà soát diện tích rừng trong huyện năm 2008, tổng diện tích rừng hiện có là 20.783,31 ha trong đó diện tích rừng sản xuất là 18.310,31 ha và diện tích rừng phòng hộ vành đai biên giới là 2.477 ha. So với năm 2001, diện tích rừng bị thu hẹp lại hơn 10.600 ha (năm 2001, tổng diện tích rừng của huyện là 31.454 ha). Nguyên nhân là tháng 6 năm 2001, một phần diện tích rừng của huyện chuyển sang cho huyện mới Đăk Song (trên cơ sở các xã Trường Xuân, Đắk N'rung tách ra từ huyện Đắk Nông và xã Thuận Hạnh, Đăk Môl, Đắk Song tách ra từ huyện Đắk Mil). Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác là do tình trạng phá rừng, rừng bị suy giảm do cháy rừng…
Dưới áp lực của sự gia tăng dân số, đặc biệt là dân di cư tự do đã làm cho diện tích rừng liên tục giảm theo các năm, trong khi đó diện tích trồng mới là không đáng kể, diện tích rừng bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, chất lượng rừng giảm, độ che phủ thấp.