- Cơ quan, đơn vị sự nghiệp Cơ sở sản xuất, kinh doanh
3.2.4. Phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và ngăn chặn suy giảm môi trường
bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và ngăn chặn suy giảm môi trường
Thực tiễn qua các năm qua cho thấy, thành công của các hoạt động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ngăn chặn suy giảm môi trường có sự
đóng góp rất lớn từ cộng đồng dân cư. Đánh giá tầm quan trọng của cộng đồng, Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu lên quan điếm “Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mọi người”. Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg, ngày 2-12-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 cũng nhấn mạnh: "Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và của mọi người dân".
Cộng đồng có thể được hiểu theo nghĩa rộng trên phạm vi toàn xã hội, nhưng thông thường được hiểu là cộng đồng ở cơ sở, tức là nhóm người sống tại cùng một địa phương hoặc dưới sự quản lý của cùng một chính quyền địa phương. Các tổ chức bao gồm nhiều loại hình, như các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội. Các tổ chức, cộng đồng, tuy có tính chất và đặc điểm khác nhau, nhưng đều phát huy vai trò trong hoạt động bảo vệ môi trường.
- Trước hết, cần nâng cao nhận thức pháp luật của người dân trên địa bàn huyện trong hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường. Về cơ bản, ý thức bảo tồn tài nguyên, giữ gìn vệ sinh chung và môi trường trên địa bàn đã có bước tiến bộ nhất định, một số người dân đã có ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường và bảo vệ tài nguyên tại nơi cư trú. Bảo vệ tài nguyên môi trường là trách nhiệm chung của toàn thể cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn, lien quan đến nhiều đối tượng cũng như phải qua nhiều thế hệ. Mặc dù vậy, trong thực tế nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Hoạt động nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường phải được quan tâm và thực hiện nghiêm túc.
Một trong những biện pháp tốt nhất để bảo vệ tài nguyên môi trường là tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức môi trường cho mọi người dân, cộng đồng. Sự tham gia của các cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ gìn giữ môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như:
+ Phối hợp cùng Đài truyền thanh, truyền hình huyện, các tổ chức xã hội, tổ chức Đoàn – Hội thanh niên, học sinh thường xuyên giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên môi trường…
+ Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của địa phương qua các kênh thông tin từ huyện xuống đến các đơn vị nhỏ hơn.
+ Phổ biến nhận thức về pháp luật về tài nguyên môi trường thông qua các hoạt động mitting, các cuộc thi tìm hiểu, giáo dục ngoài nhà trường… từng bước đưa các quy định pháp lý về bảo vệ tài nguyên môi trường vào các hương ước địa phương, các bản ký kết xây dựng thôn, bon văn hóa; xây dựng thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đánh giá gia đình, thôn bon văn hóa…
- Quản lý tài nguyên và môi trường muốn đạt được hiệu quả đòi hỏi phải xã hội hóa hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường. Nội dung của xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường là huy động được sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động về môi trường, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, tái chế và xử lý chất thải. Cần đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội trong việc phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, phân loại rác tại nguồn, thực hiện các mô hình tự quản về môi trường ở từng cộng đồng dân cư; đồng thời giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ở từng cơ sở.
- Bên cạnh các biện pháp hành chính, tuyên truyền giáo dục về môi trường cần áp dụng các biện pháp về kinh tế. Thực hiện nguyên tắc "người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường". Thực hiện đầy đủ các quy định của Trung ương về thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; buộc bồi thường thiệt hại đối với những hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
- Vấn đề khoán quản lý bảo vệ rừng cần thực tế và cần có sự hợp tác từ phía đơn vị giao rừng và người nhận khoán. Cần có chính sách cho phép các chủ rừng khai thác, hưởng lợi hợp lý từ lâm sản rừng.
Trên lý thuyết, khoán quản lý bảo vệ rừng là một chủ trương đúng đắn, khẳng định và xác lập được tư cách pháp nhân của người nhận khoán trên đất được giao. Tuy vậy, trên thực tế khoán quản lý bảo vệ rừng chưa thực sự được người dân quan tâm xuất phát từ một số hạn chế trong hoạt động: chi phí quản lý 1ha rừng của người nhận khoán quá thấp, quyền lợi được hưởng từ tài nguyên rừng được bảo vệ chưa hấp dẫn và đặc biệt là quyền sở hữu rừng chưa có những quy định rõ ràng và cụ thể. Trong khi đó, nếu họ phá 1ha rừng để trồng cây cà phê hoặc nông sản khác có giá trị kinh tế khá lớn (mặc dù phá rừng là bất hợp pháp) thì họ được toàn quyền hưởng sản phẩm do họ sản xuất và khi cần cũng có thể chuyển nhượng. Chính vì thế người dân không thiết tha với nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, đây là vấn đề cần quan tâm để rừng thực sự có chủ và được người dân quan tâm.
Trong thời gian tới, Nhà nước cần có những quy định cụ thể để khẳng định quyền lợi của người dân tham gia nhận khoán quản lý rừng, gắn quyền lợi của người dân đi kèm với hoạt động bảo vệ. Hoạt động cụ thể có thể là đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Ưu điểm của hoạt động này là đảm bảo một số quyền lợi nhất định cho người dân, giúp cho họ đầu tư hơn vào nguồn rừng. Hiện nay, chỉ mới có khoảng 25% tổng số đất rừng giao khoán được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Điều này đồng nghĩa với việc phần diện tích đất rừng còn lại, các chủ rừng nhận khoán chưa được đảm bảo tư cách pháp nhân trên đất rừng được khoán. Mặt khác, cần có những quy định các quyền lợi nhất định mà người nhận khoán được hưởng để vừa đảm bảo quản lý bảo vệ được phần rừng còn lại vừa phát huy những lợi ích mà đất rừng đem lại…
Sự tham gia tự giác và có trách nhiệm của cộng đồng nói chung và của nhân dân địa phương trên địa bàn các xã nói riêng trong hoạt động quản lý tài nguyên và môi trường có vai trò quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước ta trong lĩnh vực sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Trong việc phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên và môi trường cần phát huy tính dân chủ trong các hoạt động và chú trọng công tác tình nguyện ở địa phương, cụ thể:
Phát huy dân chủ trong các hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường
- Phát huy dân chủ thông qua việc cộng đồng tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường; các chương trình, dự án phát triển KT-XH có yếu tố tài nguyên môi trường và xây dựng các văn bản mang tính quy phạm về bảo vệ tài nguyên môi trường tại từng địa phương và cơ sở. Đối với các chương trình và dự án phát triển KT-XH, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về khía cạnh môi trường đã được quy định thành nhiệm vụ bắt buộc. Vì vậy, tùy theo tính chất của từng chương trình và dự án phát triển cũng như tùy từng đối tượng mà hình thức lấy ý kiến có thể khác nhau, đó có thể là cộng đồng dân cư gắn với nơi dự án hình thành hoặc cũng có thể là ý kiến của chuyên gia trong vấn đề, lĩnh vực đó. Việc lấy ý kiến đòi hỏi phải được tổ chức chặt chẽ và khoa học.
Sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa cộng đồng trong việc phát huy dân chủ trong hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường:
Các nhà hoạch định chính sách Cộng đồng Các nhà nghiên cứu 1 2 1 2 2 1
Các quan hệ 1 và quan hệ 2 thể hiện mối quan hệ giữa các đối tượng trong sơ đồ quan hệ. Khi các quan hệ 1 và 2 chủ động sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các đối tượng. Trong công tác hoạch định chính sách về tài nguyên môi trường, các nhà hoạch định chính sách đòi hỏi phải có các mối quan hệ mật thiết với các nhà nghiên cứu cũng như cộng đồng để tạo ra một chính sách hợp lý và hiệu quả. Ngược lại, cộng đồng muốn phát huy một các tốt nhất tác động của mình đến hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường cần tham khảo các ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu cũng như của các nhà hoạch định.
- Cần có các quy định bằng pháp luật trong việc tham gia của công chúng và cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ môi trường, từ việc góp ý cho các chủ trương, chính sách và biện pháp của các kế hoạch và dự án lớn đến các dự án cụ thể tại địa phương.
- Cộng đồng giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường ở địa phương và cơ sở. Quá trình trực tiếp tham gia giải quyết các xung đột về môi trường, cộng đồng đóng vai trò quan trọng ở chỗ:
+ Trực tiếp phát hiện sự cố về nguồn tài nguyên môi trường.
+ Phát hiện và đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, về bảo vệ môi trường tại từng địa phương và cơ sở.
+ Phối hợp cùng các cán bộ chức năng thực hiện cơ chế thông tin. - Sự tham gia của mọi thành viên trong cộng đồng vào việc quản lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường qua các hình thức trực tiếp (như học tập, nâng cao nhận thức, tuyên truyền, vận động mọi người điều chỉnh hành vi của mình trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, lên án và ngăn chặn những biểu hiện vi phạm pháp luật...) hay gián tiếp (thông qua chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội) đều mang ý nghĩa tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sống về phương diện môi trường. Hơn bất kỳ sự ràng buộc, tác động nào từ bên ngoài, tính tự giác và hành động tích cực của mỗi nguời cũng như của cộng đồng, của toàn xã hội trong lĩnh vực quản lý, tài
nguyên, bảo vệ môi trường là sự bảo đảm lớn nhất trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Phong trào tình nguyện
- Phát huy phong trào tình nguyện trong đông đảo đội ngũ thanh niên địa phương. Các hoạt động bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh hoạt của cộng đồng đã, đang và sẽ diễn ra ở tất cả mọi nơi bởi nhận thức của người dân về vấn đề bảo tồn tài nguyên và môi trường đang ngày càng được tăng cao.
- Phong trào tình nguyện cũng là một hoạt động từ các cộng đồng ở cơ sở. Việc thực hiện các hoạt động tình nguyện cần được sự gắn kết giữa các cấp đoàn từ huyện đến cơ sở. Trong đó, quan trọng nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên tại chỗ với các hoạt động thiết thực tại các chi đoàn cơ sở. Các đội tình nguyện xanh của thanh niên, học sinh với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục môi trường tới các đồng bào vùng sâu vùng xa, giúp họ nhận thức về môi trường, cải thiện môi trường sống, thúc đẩy các hoạt động phát triển KT-XH, xây dựng các làng văn hóa... là những hoạt động cụ thể.
- Để huy động sự tham gia của các cộng đồng thì vấn đề giáo dục môi trường là rất cần thiết. Hoạt động giáo dục ở đây bao gồm cả giáo dục trong nhà trường và cả ngoài xã hội. Giáo dục môi trường trong nhà trường được triển khai dưới nhiều hình thức trong việc lồng ghép với các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa. Giáo dục ngoài xã hội cần được thực hiện đa dạng và gắn với thực tế, bên cạnh đó cần có sự phối hợp với giáo dục từ phía nhà trường.