GIAI ĐOẠN 2001-2007 THEO GIÁ SO SÁNH
- Thu nhập bình quân đầu người năm 2007 của huyện Đăk Mil đạt khoảng 11.700.000 đồng/người, tăng 10% so với 2006. Tổng sản lượng lương thực đạt 49.620 tấn, đạt 117% kế hoạch. Sản lượng cà phê nhân đạt 32.765 tấn. Giá trị sản lượng CN-TTCN ước đạt 63,5 tỷ đồng, đạt 113,6% kế hoạch. Tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản đạt 100 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 68.392 triệu đồng, đạt 135,22% kế hoạch. Tổng chi ngân sách của huyện là 97.701 triệu đồng.
- Toàn huyện có 9/10 xã, thị trấn được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS; 10/10 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Có 2 trường tiểu học và 3 trường THCS được công nhận trường chuẩn quốc gia.
- Công tác dân số, gia đình và trẻ em trong năm 2007, huyện đã phấn đấu giảm tỷ suất sinh 0,82o/oo, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,86%; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng là 24,2%; tỷ lệ hộ nghèo đã được hạ xuống chỉ còn 8,9%.
- Trong công tác an ninh quốc phòng, trong năm 2007, Đảng bộ và chính quyền huyện cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã giữ vững ổn định an ninh chính trị, giữ vững trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.
Một số đặc điểm thói quen sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ảnh hưởng không tốt đến tài nguyên môi trường
Đăk Mil là một huyện có nhiều thành phần dân tộc với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, người dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm tỷ lệ khá lớn, với 1.346 hộ/7.135 khẩu. Đời sống của đại bộ phận người dân tộc thiểu số còn nghèo, chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp và lâm nghiệp. Thói quen sinh hoạt, phong tục tập quán của đồng bào thiểu số cũng ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của đồng bào dân tộc.
Xuất phát với nhận thức còn thấp cùng nhiều hủ tục lạc hậu nên từ trước đến nay, khái niệm “Vệ sinh môi trường” - xem ra còn khá xa lạ với một bộ phận đồng bào dân tộc. Người Tây Nguyên từ xưa quen chăn thả rông gia súc: Trâu bò thì ăn cỏ trong rừng, lợn gà cũng tự đi kiếm ăn mà không được người cho ăn. Tối về, tất cả gia súc gia cầm đều được nhốt xuống dưới gầm nhà sàn. Bên trên là khu vực sinh hoạt của con người, bên dưới kết hợp làm chuồng nuôi và giữ gia súc gia cầm. Nơi nhốt vật nuôi quá gần với chỗ ở đồng thời chất thải của vật nuôi lại không được thu gom và xử lý triệt để… Điều này vô hình chung gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường sống, làm giảm cảnh quan sống. Ngay cả con người, khi đi vệ sinh cũng… rất tự nhiên: Góc rừng, bờ ruộng hoặc bụi cây nào đó quanh làng. Nhà vệ sinh nếu có được xây dựng thì cũng chỉ tạm bợ hoặc không đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Tình trạng xử lý chất thải sinh hoạt còn thực hiện chủ yếu thông qua việc đốt rác. Rác thải không được xử lý trước khi đốt. Các chất thải rắn, chất thải nguy hiểm như chai thủy tinh, vật dụng sành sứ… thường bị quăng bừa bãi, không có địa điểm thu gom và xử lý cụ thể hoặc nếu có thì thường là ở các bãi rác tự phát… Số liệu thống kê của tỉnh Đăk Nông
cho thấy hiện nay toàn tỉnh có khoảng 70% hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà vệ sinh; 60% chưa được sử dụng nước sạch; 90% hộ còn thực hiện chăn thả rông gia súc, gia cầm; hầu hết lượng rác thải không qua xử lý được đồng bào vứt bừa bãi vào rừng, sông suối, đường giao thông gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chính vì vậy mà vấn đề vệ sinh môi trường ở làng bản, cải thiện chất lượng sống cho bà con dân tộc thiểu số luôn là mối quan tâm lớn của chính quyền địa phương các cấp.
Hiện trạng môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến nay là đáng báo động. Đồng bào dân tộc thiểu số Đăk Mil nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung hiện nay hầu hết vẫn sản xuất theo phương thức “Tam tự” (tự phát, tự túc và tự cấp), mang tính cộng đồng cao và chưa được Nhà nước định hướng, quy hoạch thành vùng nguyên liệu, sản xuất chuyên canh có tính chất hàng hoá. Việc đồng bào chủ yếu khai thác tự nhiên, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư phân bón, cải tạo đất chưa được chú ý. Tập quán du canh cùng với nạn chặt phá rừng, huỷ hoại môi sinh khiến cho nguồn tài nguyên rừng, đất và nước ngày càng bạc màu và ô nhiễm. Song song với những vấn nạn đó, tỷ lệ tăng dân số trong vùng đồng bào ngày càng nhanh, áp lực của làn sóng dân di cư ngày càng tăng càng khiến cho diện tích rừng bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, khi rừng bị thu hẹp thì số lượng động vật rừng cũng sụt giảm. Tác hại trông thấy từ việc xâm hại tài nguyên, môi trường là bệnh dịch, đất đai bạc màu, ô nhiễm nguồn nước… chính điều này đã làm giảm mức sống, kéo chậm quá trình phát triển trong vùng đồng bào. Đáng lo ngại hơn là vấn đề này ngày càng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Những đặc điểm và thói quen sinh hoạt này ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn chưa cao, các phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn hiện hữu. Mặt khác, những đặc điểm này cũng đòi hỏi công tác quản lý tài nguyên môi trường phải hiệu quả hơn, nhất là trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường cũng như các biện pháp thực hiện trong việc nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc.