Đổi mới quản trị nhân lực

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, CN Nghệ An (Trang 130)

- Tỷ lệ thu nhập dịch vụ/Tổng thu nhập bán lẻ

4.2.3.2 Đổi mới quản trị nhân lực

Cán bộ, nhân viên là khâu quyết định hiệu quả kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Kết quả này phụ thuộc rất lớn vào trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính năng động sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ của cán bộ ngân hàng, đó cũng là những vấn đề mà khách hàng phàn nàn nhiều nhất và mong muốn nhiều nhất từ ngân hàng. Do vậy, để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm DVNH và tạo được hình ảnh thân thiện trong lòng khách hàng thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên chính là một giải pháp rất quan trọng, có giá trị trong mỗi giai đoạn phát triển của chi nhánh. Thực hiện giải pháp này, chi nhánh nên tập trung trên các phương diện sau:

- Định kỳ tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhân viên về khả năng thực hiện công việc với kỹ thuật công nghệ hiện đại, khả năng ứng xử khi tiếp xúc với khách hàng. Đồng thời, lập kế hoạch cử các cán bộ trẻ có năng lực đi đào tạo chuyên sâu ở các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, các dịch vụ mới nhằm xây dựng được đội ngũ chuyên gia giỏi, làm nòng cốt cho nguồn nhân lực trong tương lai.

- Tổ chức các cuộc thi về nghiệp vụ chuyên môn, thể thao và các vấn đề xã hội khác. Qua việc kiểm tra khả năng ứng xử của nhân viên, chi nhánh có thể một mặt khen thưởng để khích lệ, mặt khác có thể rút ra những yếu kém hiện tại để có biện pháp cải thiện kịp thời. Từ đó, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ của chi nhánh. Đối với những nhân viên mới lẫn nhân viên cũ, cần làm cho họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc thường xuyên nghiên cứu, học tập để cập nhật những kiến thức về chuyên môn và những kiến thức xã hội, gắn lý luận với thực tiễn để có thể vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và có hiệu quả.

- Xây dựng cơ chế khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Cơ chế khen thưởng của chi nhánh hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập. Do đặc tính địa bàn, nếu dựa theo các tiêu chí của chương trình khen thưởng do hội sở ban hành thì chi nhánh NA và các phòng giao dịch trực thuộc rất khó để đạt được. Kết quả

thực hiện của cán bộ nhân viên còn có tình trạng đối phó chứ chưa hẳn là do động lực tạo nên. Khi xây dựng cơ chế khen thưởng chi nhánh cần có sự phân chia theo các hình thức như định kỳ, đột xuất,…

Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, nếu như CLDV là mục tiêu quan trọng mà mỗi ngân hàng hướng tới, thì khả năng giao tiếp chính là những công cụ đưa sản phẩm đó đến với khách hàng. Kỹ năng giao tiếp của cán bộ giao dịch là một trong những yếu tố quan trọng tạo ấn tượng tốt đẹp, sự tin tưởng nhất định của khách hàng đối với ngân hàng, quyết định đến việc họ trở thành khách hàng của ngân hàng. Như vậy, giao tiếp của cán bộ ngân hàng tác động trực tiếp đến tiến trình quyết định sử dụng sản phẩm dịch vụ của khách hàng và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Chính vì vậy, nâng cao khả năng giao tiếp của cán bộ giao dịch là một việc cần phải thực hiện. Để làm được việc này, nhân viên giao dịch phải hiểu rằng khi tiếp xúc với khách hàng ngoài việc nắm vững chuyên môn còn cần thực hiện tốt các nguyên tắc sau:

Một là, nguyên tắc tôn trọng khách hàng

Tôn trọng khách hàng thể hiện ở việc cán bộ giao dịch biết cách cư xử công bằng, bình đẳng giữa các loại khách hàng, biết lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng, biết khắc phục ứng xử khéo léo linh hoạt và làm hài lòng khách hàng, biết cách sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, có văn hóa, trang phục gọn gàng, đúng quy định của ngân hàng, đón tiếp khách hàng với thái độ tươi cười niềm nở, nhiệt tình, thân thiện và thoải mái… Điều đó không chỉ mang đến sự hài lòng cho khách hàng mà còn góp phần tạo ra nét văn hóa riêng của ngân hàng góp phần tạo nên độ tín nhiệm và thương hiệu cho ngân hàng.

Hai là, nguyên tắc trung thực trong giao dịch với khách hàng.

Mỗi cán bộ giao dịch cần hướng dẫn cẩn thận, tỉ mỉ, nhiệt tình và trung thực cho khách hàng những thủ tục hành chính đúng với quy định của ngân hàng, quyền lợi và trách nhiệm của khách hàng khi sử dụng loại hình dịch vụ đó. Trung thực còn biểu hiện ở việc thẩm định đúng thực trạng hồ sơ khách hàng, không có bất cứ đòi hỏi và yêu cầu nào với khách hàng để vụ lợi.

Ba là, nguyên tắc kiên nhẫn, biết chờ đợi và tìm điểm tương đồng, mối quan tâm

Trong quá trình tiếp xúc trực tiếp, cán bộ giao dịch cần biết chờ đợi, biết chọn điểm dừng, biết tạo ấn tượng để khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng mình, hiểu được tâm lý, nhu cầu của khách hàng, tư vấn cho khách hàng về lợi ích khi họ sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, CN Nghệ An (Trang 130)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w