Việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài là hình thức giải quyết có điều kiện. Điều kiện đó chính là phải có thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hoặc các bên thỏa thuận với nhau khi có tranh chấp xảy ra. Theo khoản 2, Điều 2 Pháp lệnh Trọng tài thương mại Việt Nam 2003, “Thỏa thuận trọng trài là thỏa thuận giữa các bên cam kết giải quyết bằng trọng tài các vụ tranh chấp có thể phát dinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại”. Điều 7. 1 Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế 1985 quy định “Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa mà các bên đưa ra trọng tài một hoặc các tranh chấp nhất định phát sinh hoặc có thể phát sinh giữa các bên về quan hệ pháp lý xác định…Thỏa thuận trọng tài có thể dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức trọng tài riêng”. Đa số các Công ước quốc tế và pháp luật các quốc gia khi quy định về thỏa thuận trọng tài đều yêu cầu thỏa thuận này phải được lập thành văn bản.
Giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài có dấu hiệu pháp lý như sau: - Như đã nêu ở trên, các bên phải có thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng hoặc sau khi có tranh chấp để có thể áp dụng hình thức trọng tài trong giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài có thể là một điều khoản hoặc là một văn bản kèm theo hợp đồng MBHHQT.
- Khác với thương lượng và hòa giải, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có tính chất tài phán. Từ đó, phán quyết của trọng tài có giá trị bắt buộc đối với các bên.
- Giống với thương lượng và hòa giải nhưng khác với phương thức tòa án, phương thức này tiến hành xét xử không công khai mà chỉ có sự tham gia của các bên đương sự và trọng tài viên. Do đó, các bên có khả năng kiểm soát các nguồn
chứng cứ và giữ gìn bí mật kinh doanh.
- Việc giải quyết bằng con đường trọng tài phải được tiến hành theo một trình tự, thủ tục nhất định (quy tắc tố tụng). Trình tự này có thể do các bên quy định nhưng thông thường pháp luật các nước và pháp luật quốc tế có liên quan tới hợp đồng hoặc trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp được chỉ định giải quyết đều quy định trình tự này.
- Theo pháp lệnh trọng tài này của chúng ta và đa số các công ước liên quan tới vấn đề trọng tài (như Công ước New York năm 1958, Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế,.. ), các quyết định, phán quyết của trọng tài viên hoặc của Hội đồng trọng tài sẽ là phán quyết chung thẩm dựa trên sự cân nhắc mọi chứng cứ và lập luận của các bên. Các phán quyết và quyết định của trọng tài có thể được Tòa án công nhận và cho thi hành thông qua một thủ tục tư pháp trong trường hợp các bên không tự nguyện thi hành.
Việc giải quyết bằng trọng tài rất đơn giản, các bên có khả ngăng tác động vào quá trình trọng tài như lựa chọn trọng tài viên trong khi lệ phí của trọng tài thấp hơn nhiều lần chi phí của toàn án. Do đó, hiện nay, đa số các nước trên thế giới đều cố gắng hạn chế giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường toà án mà người ta giải quyết bằng con đường trọng tài. Thêm vào đó, các doanh nhân một năm có thể buôn bán hàng nghìn phi vụ, trong khi đó nếu chỉ có 1 vụ tranh chấp thôi thì họ phải bỏ 999 phi vụ kia để lao vào xử lý vụ tranh chấp mà họ không muốn nên bao giờ các doanh nhân cũng muốn giải quyết tranh chấp một cách nhanh, gọn. Hơn nữa, giải quyết bằng trọng tài thương mại còn có đặc điểm là bí mật, xử kín. Tại mỗi trung tâm trọng tài có nhiều chuyên gia chuyên sâu trong từng lĩnh vực, tranh chấp trong lĩnh vực nào sẽ có những chuyên gia trong chính lĩnh vực ấy xét xử.
Vì vậy, ở các nước khác, họ rất tin tưởng vào trọng tài thương mại. Trong đàm phán gia nhập WTO, các đối tác cũng luôn yêu cầu Việt Nam đồng ý nguyên tắc khi có tranh chấp thương mại xảy ra giữa các doanh nghiệp của nước đối tác với doanh nghiệp Việt Nam thì phải được giải quyết thông qua trọng tài quốc tế chứ không giải quyết thông qua toà án. Từ đó cho thấy vai trò to lớn của trọng tài trong đời sống kinh tế.
Trọng tài thương mại quốc tế có 2 loại: trọng tài theo vụ việc và trọng tài có cơ quan thường trực. Trọng tài theo vụ việc được thành lập theo sự thỏa thuận trước của các bên để giải quyết một tranh chấp cụ thể và giải thể khi không còn tranh chấp. Loại trọng tài này không có bộ máy thường trực, thường không có quy tắc tố tụng trước, cũng như không có các trọng tài viên của riêng mình mà. Vì thế Các quy tắc tố tụng có thể do các bên tự soạn thảo hoặc do Hội đồng trọng tài soạn thảo, các bên cũng có thể thỏa thuận sử dụng các quy tắc trọng tài của một tổ chức quốc tế có uy tín. Thẩm quyền và tính chất hoạt động của loại trọng tài này không khác với trọng tài có cơ quan thường trực. Còn trọng tài có cơ quan thường trực hoạt động theo các quy tắc riêng của mình. Các quy tắc này được soạn thảo để làm luật tố tụng cho các quá trình trọng tài được tiến hành dưới sự quản lý của cơ quan thường trực.
Việc lựa chọn loại trọng tài nào được cân nhắc dựa trên việc các bên có thỏa thuận được hay không cách thức lựa chọn trọng tài sau khi tranh chấp xảy ra khi trong điều khoản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có điều khoản trọng tài.