Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình tài chính của Công ty Cổ phần Thương mại – Khách sạn tỉnh Sơn La (Trang 101)

Trong nền kinh tế cạnh tranh quyết liệt, công ty muốn tồn tại và phát triển được thì đòi hỏi phải có một sức mạnh về tài chính, đặc biệt là vốn. Vốn là biểu hiện của những tài sản, vật chất không thể thiếu trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, trong việc mở rộng quy mô về chiều sâu và chiều rộng của mỗi doanh nghiệp nói chung và công ty cổ phần Thương mại - Khách sạn tỉnh Sơn La nói riêng. Vì thế không những công ty phải luôn đảm bảo vốn cho hoạt động của mình mà còn phải không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, từ đó công ty mới có thể tăng lợi nhuận, tăng thu nhập để tồn tại và phát triển.

Với tình hình tài chính hiện tại đã và đang diễn biến theo chiều hướng khó khăn, công ty cần đề ra các giải pháp để khắc phục và ổn định hơn. Căn cứ vào hiện trạng, mặc dù quy mô nguồn vốn đầu tư hàng năm đang bị sụt giảm, nhất là năm 2011 nhưng công ty cũng không nên chú trọng quá nhiều vào việc gia tăng vốn hay mở rộng quy mô kinh doanh. Thay vì tăng quy mô hoạt động, trước mắt công ty nên chú trọng nâng cao hiệu quả và năng suất của đồng vốn được sử dụng ở hiện tại.

Khi chỉ tiêu ROE tại các năm thấp hơn lãi suất cho vay ở thời điểm nghiên cứu càng cho thấy công ty không nên huy động thêm vốn từ các ngân hàng thương mại. Công ty nên có các kế hoạch hoạt động kinh doanh để sử dụng có hiệu quả hơn nữa những tài sản hiện có. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Chỉ có nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn, vấn đề huy động nguồn vốn vay mới dễ dàng hơn. Khi đó, công ty sẽ có điều kiện để mở rộng quy mô, phát triển theo những định hướng, đạt được mục tiêu mà chủ sở hữu đã kỳ vọng.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, công ty có thể đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ, nâng cao doanh thu thuần hàng năm. Việc nâng cao doanh thu là một trong những mục tiêu hàng đầu của công ty. Trên thực tế, doanh thu của công ty đã có sự gia tăng hàng năm, tuy nhiên để tiếp tục gia tăng doanh thu thì đòi hỏi công ty phải mở rộng thị trường hoạt động và tiếp tục đầu tư về chiều sâu hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Với những ngành nghề công ty đã đăng ký kinh doanh cho thấy công ty là loại hình doanh nghiệp hoạt động đa ngành, trong đó có hoạt động du lịch nhưng cho đến nay, công ty vẫn chưa khai thác được nhiều trong lĩnh vực du lịch - tiềm năng lớn của tỉnh Sơn La. Trên cơ sở cung cấp các dịch vụ như: khách sạn, nhà hàng, địa điểm ăn uống, công ty cần khai thác hết những khả năng của một nhà cung cấp dịch vụ du lịch. Có thể tự tổ chức, chủ động xây dựng các tour du lịch lữ hành có phạm vi rộng hoặc nhận hợp đồng đại lý thực hiện mua và bán chương trình du lịch cho khách du lịch.

Với những chi nhánh đã được xây dựng tại các huyện thị là các khách sạn Hương Sen có cung cấp dịch vụ khách sạn, ăn uống và thư giãn, từ đây, công ty có thể thiết kế và quảng bá các tour du lịch trong ngày, trong tuần kết hợp với các tuyến du lịch tại các huyện, thị trong tỉnh. Cùng với việc tham quan cảnh đẹp hùng vĩ và các di tích văn hóa, lịch sử tại đây, du khách còn có thể được tận hưởng không khí trong lành và các bữa ăn đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc Sơn La tại các chi nhánh khách sạn này.

Bên cạnh đó, công ty còn có thể hoạt động thêm về lĩnh vực kinh doanh du lịch lữ hành. Kinh doanh lữ hành là việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, thiết lập các chương trình du lịch trọn gói hay từng phần, quảng cáo và bán các chương trình này trực tiếp hay gián tiếp qua các trung gian hay văn phòng đại diện, tổ chức thực hiện chương trình và hướng dẫn du lịch. Ngoài ra, công ty còn được phép tổ chức mạng lưới đại lý lữ hành tại các huyện, thị xa trung tâm thành phố Sơn La, nhằm khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của tỉnh về du lịch và dịch vụ.

Hơn nữa, xét về khía cạnh tài chính, hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành sẽ không có hàng tồn kho, không có sản phẩm dự trữ cho tiêu thụ, không có sản phẩm dở dang, quá trình cung cấp cũng đồng thời là quá trình tiêu thụ. Do đó, công ty ít phải quan tâm đến vấn đề ứ đọng vốn trong giai đoạn hàng tồn kho hay phải đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ quay vòng hàng tồn kho trong năm. Mặt khác, hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch lữ hành phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của khách

hàng, không qua trung gian mua bán. Doanh thu cung cấp dịch vụ phần lớn được khách hàng thanh toán ngay nên đối với hoạt động kinh doanh này, nợ phải thu của khách hàng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng tài sản ngắn hạn, công ty sẽ hạn chế được khả năng bị chiếm dụng vốn hợp pháp cũng như bất hợp pháp.

Mặt khác, doanh thu từ hoạt động này được công ty thu ngay trong kỳ sẽ tiếp tục được chi ra cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo và được luân chuyển liên tục, tốc độ quay vòng vốn nhanh. Do đó, nhu cầu vốn cho các kỳ kinh doanh tiếp theo thường xuyên được đáp ứng. Công ty ít phải tính đến việc huy động vốn để đáp ứng cho nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực này vì một đặc thù của ngành này là vốn đầu tư ít nhưng đòi hỏi kênh thông tin, dịch vụ phải được thiết lập rộng rãi tại nhiều địa điểm du lịch sinh thái.

Tận dụng những lợi thế sẵn có như: kinh tế vườn, thắng cảnh thiên nhiên, khu du lịch nghỉ dưỡng, di tích văn hóa - lịch sử, món ăn đặc sản... có thể xây dựng thêm nhiều hình thức du lịch khác nhau như: du lịch nhân văn tại các bản, các xã của huyện hoặc thành phố Sơn La, du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng...

Hiện nay, công ty đã và đang hoạt động với 5 chi nhánh khách sạn tại 5 huyện, thị và thành phố. Tuy nhiên, để thực hiện mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực này, công ty cần xây dựng và củng cố thêm mạng lưới du lịch và hoạt động thông suốt tới các huyện thị mới. Cụ thể, để thuận tiện hơn trong quá trình hoạt động du lịch, công ty có thể đầu tư mở rộng thêm thị trường hoạt động tại các huyện, thị khác trong tỉnh như: huyện Thuận Châu, huyện Sông Mã,... là các huyện, bản, xã với những khu du lịch với các địa danh, khu sinh thái nổi tiếng như: Hang bản Thẳm - Tông Lạnh, di tích lịch sử kỳ đài huyện Thuận Châu, đèo Pha Đin, dòng Sông Mã anh hùng, núi Mường Hung với nhiều hang động đẹp.

Trong lĩnh vực này, công ty có thể nghiên cứu thị trường và mở rộng địa bàn hoạt động tại các tỉnh lân cận cùng tuyến du lịch khu vực vùng Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai để kết hợp kinh doanh với các tour du lịch của các công ty tại các khu vực khác.

Thực tế, tổng doanh thu hàng năm của công ty gia tăng với tốc độ mạnh, tuy nhiên mục tiêu mà công ty hướng đến không phải là doanh thu nói chung mà là chỉ tiêu lợi nhuận nhưng qua các năm nhưng chỉ tiêu này lại giảm mạnh. Thực tế cho thấy doanh thu của công ty tương đối cao nhưng lợi nhuận chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn mà nguyên nhân chính là do chi phí quá cao. Ngoài giá vốn hàng bán

chiếm tỷ trọng lớn hàng năm, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng biến động tăng nhanh qua các năm cho thấy công tác kiểm soát chi phí quản lý chưa thực sự hiệu quả. Hơn nữa, do mở thêm các chi nhánh tại các huyện, các xã nên đòi hỏi cơ cấu tổ chức bộ máy khá lớn và bộ máy quản lý khá cồng kềnh. Do vậy, công ty cần thực hiện xây dựng và tổ chức lại bộ máy quản lý cho phù hợp, nếu có thể, nên thực hiện phân chia nội dung công việc cho nhân viên theo công tác kiêm nhiệm để hạn chế chi phí quản lý, cố gắng giảm thiểu các khoản chi phí khác như chi phí tiếp khách, hội nghị, công tác phí và đặc biệt là hạn chế sử dụng điện thoại đối với cán bộ công nhân viên trong công tác quản lý.

Mặc khác, để nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng được tỷ suất sinh lời của đồng vốn, điều quan trọng là công ty cũng cần xây dựng và xác định được cấu trúc vốn hợp lý nhằm làm giảm rủi ro và chi phí vốn. Với cơ cấu vốn hiện tại, công ty khó có thể gia tăng được hiệu quả sử dụng của vốn bởi công ty đã sử dụng quá nhiều nguồn vốn tự có để tài trợ và đầu tư. Năm 2010, vốn chủ sở hữu chiếm tới 79,81% và năm 2011 lên tới 83,5% trong tổng nguồn vốn. Trong thực tế, các trường hợp hiệu quả kinh doanh và giá trị của doanh nghiệp tăng cao sẽ không thuộc về các doanh nghiệp chỉ biết sử dụng nguồn vốn tự có. Tùy theo tỷ lệ vốn vay được sử dụng để tạo ra hiệu quả kinh doanh mà giá trị tài sản và nguồn vốn của công ty sẽ tăng lên nhiều hay ít. Do vậy, công ty cần xác định được một mức tỷ lệ vốn vay nhất định trong cấu trúc vốn của mình. Trên thực tế, vẫn có doanh nghiệp nâng mức nợ phải trả lên trên 50% mà vẫn đạt được hiệu quả sử dụng vốn như mong đợi. Tuy nhiên, cấu trúc vốn hợp lý phụ thuộc nhiều vào đặc điểm riêng của từng công ty như khả năng phá sản, khả năng sinh lời, chất lượng và cơ cấu tài sản, cơ hội tăng trưởng và mục tiêu của công ty... Tuy nhiên, để đảm bảo được về mức độ ổn định, công ty nên duy trì cơ cấu vốn tại mức tỷ lệ vốn vay trong độ an toàn thấp hơn tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình tài chính của Công ty Cổ phần Thương mại – Khách sạn tỉnh Sơn La (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w