Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm thẻ của ngân hàng

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp - Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Trang 25)

thương mại

2.2.3.1. Các yếu tố khách quan

a. Yếu tố kinh tế

Những thay đổi của yếu tố kinh tế tạo ra những cơ hội và thách thức đối với ngân hàng trong kinh doanh sản phẩm thẻ. Một số chỉ tiêu chủ yếu thuộc yếu tố kinh tế ảnh hưởng tới phát triển sản phẩm thẻ gồm:

- Tốc độ tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế: Nếu nền kinh tế tăng trưởng cao sẽ góp phần làm cho quy mô kinh tế lớn lên, kích thích mọi lĩnh vực kinh tế phát triển trong đó có lĩnh vực thẻ.

-Thu nhập bình quân đầu người: Thu nhập bình quân đầu người tăng sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của dân cư kéo theo sản phẩm thẻ có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, nếu thu nhập giảm, tiêu dùng của dân cư giảm sút, việc phát triển thẻ sẽ kìm hãm không phát triển được.

b. Yếu tố công nghệ

Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của việc phát triển sản phẩm thẻ là hạ tầng công nghệ. Sự phát triển công nghệ tạo ra những bước phát triển mới cho ngân hàng cả về việc giảm chi phí sản xuất cũng như khả năng phát

triển các dịch vụ gia tăng cho sản phẩm thẻ. Trình độ công nghệ càng cao thì chất lượng phục vụ càng tốt, tính an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ càng cao, do đó, nâng cao niềm tin của khách hàng và thu hút được đông đảo khách hàng sử dụng thẻ.

c. Yếu tố văn hóa - xã hội

Là yếu tố quyết định đến việc phân đoạn thị trường của các ngân hàng. Các chỉ tiêu như vùng miền, trình độ dân trí, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, thói quen tiêu dùng,...là những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mở rộng hay thu hẹp thị trường dành cho sản phẩm thẻ của các ngân hàng.

Thẻ ngân hàng là một phương tiện thanh toán đa tiện ích, phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại. Muốn phát triển sản phẩm thẻ cần phải có khách hàng là những người có trình độ nhận thức, khả năng tiếp cận và sử dụng thẻ cũng như những tiện ích mà nó mang lại.

Ngoài ra, một trong những yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến việc phát triển sản phẩm thẻ đó là thói quen và tâm lý tiêu dùng của người dân. Khi người dân vẫn có thói quen thanh toán bằng tiền mặt thì việc phát triển sản phẩm thẻ là một thách thức lớn đối với các ngân hàng thương mại. Thói quen giao dịch qua ngân hàng cũng là một yếu tố đặc biệt quan trọng tác động đến sự phát triển sản phẩm thẻ bởi lẽ thẻ ngân hàng là sản phẩm do ngân hàng cung cấp. Nếu không có thói quen giao dịch qua ngân hàng thì cũng khó có thể tiếp cận với sản phẩm ngân hàng nói chung và sản phẩm thẻ nói riêng.

d. Yếu tố chính trị, chính phủ, luật pháp

Các yếu tố chính trị, chính phủ và luật pháp tác động đến hoạt động phát triển sản phẩm thẻ theo các hướng khác nhau.

- Sự ổn định về chính trị, sự nhất quán về quan điểm chính sách của chính phủ, sự hoàn thiện của hệ thống luật pháp điều chỉnh lĩnh vực thẻ và lĩnh vực liên quan đến thẻ sẽ tạo cho các ngân hàng sự chủ động và an toàn khi phát triển sản phẩm thẻ.

- Quyết định về các loại thuế và lệ phí vừa có thể vừa tạo ra cơ hội cũng lại vừa có thể là phanh hãm sự phát triển sản phẩm thẻ.

e. Yếu tố môi trường cạnh tranh

Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế như hiện nay, đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thẻ của ngân hàng không chỉ có các ngân hàng trong nước mà còn có các ngân hàng nước ngoài. Sự cạnh tranh gay gắt góp phần đa dạng hóa sản phẩm thẻ, giảm chi phí sử dụng thẻ, nâng cao tính năng, tiện ích, chất lượng của sản phẩm thẻ. Đối với các ngân hàng thương mại, họ có cơ hội nhanh chóng nắm bắt thông tin, ý tưởng, kinh nghiệm phát triển sản phẩm thẻ để tìm ra hướng phát triển sản phẩm thẻ cho chính mình. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức của các ngân hàng thương mại. Sự cạnh tranh mạnh mẽ dẫn đến chỗ xé nhỏ thị trường. Các ngân hàng phải hướng những sản phẩm mới của mình vào những khúc thị trường nhỏ hơn và điều này có nghĩa là mức tiêu thụ và lợi nhuận sẽ thấp hơn đối với từng sản phẩm. 2.2.3.2. Các yếu tố chủ quan

a. Quy mô và phạm vi hoạt động của ngân hàng

Khi ngân hàng có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng thì cơ hội phát triển sản phẩm thẻ theo hướng gia tăng số lượng thẻ phát hành càng nhiều. Đồng thời, việc hoạt động trên phạm vi lớn sẽ góp phần tạo nên nhiều thị trường mục tiêu cho sản phẩm thẻ, là tiền đề để phát triển đa dạng chủng loại các sản phẩm thẻ.

b. Tiềm lực kinh tế của ngân hàng

Việc kinh doanh sản phẩm thẻ gắn liền với hệ thống máy móc công nghệ cao: hệ thống quản lý thẻ, ATM, EDC, Kiosk Banking,... Tuy nhiên, vốn đầu tư cho hệ thống này đòi hỏi phải rất lớn và thời gian thu hồi vốn dài hạn. Bên cạnh đó, quá trình phát triển sản phẩm mới rất tốn kém. Vì vậy, chỉ có các ngân hàng lớn, có tiềm lực mạnh về tài chính mới có khả năng đầu tư hệ thống và đầu tư cho hoạt động phát triển sản phẩm thẻ.

c. Cơ chế, chính sách của ngân hàng trong vấn đề phát triển sản phẩm thẻ

Cơ chế, chính sách thông thoáng, không nặng về thủ tục hành chính sẽ thúc đẩy sự phát triển, ngược lại sẽ hạn chế sự phát triển sản phẩm thẻ.

d. Định hướng phát triển sản phẩm thẻ của ngân hàng

Mỗi ngân hàng kinh doanh sản phẩm thẻ đều phải xây dựng cho mình một kế hoạch, chiến lược marketing sản phẩm thẻ phù hợp. Chiến lược này được xây dựng trên nền tảng điều tra, khảo sát các đối tượng khách hàng mục tiêu, môi trường công nghệ, môi trường cạnh tranh, nguồn lực của bản thân ngân hàng. Một ngân hàng muốn phát triển sản phẩm thẻ nhưng lại không có chiến lược dài hạn, định hướng lâu dài thì sẽ rất khó tìm được hướng đi đúng với thời gian ngắn và mang lại được hiệu quả cao.

e. Trình độ kỹ thuật của hệ thống quản lý thẻ

Trình độ kỹ thuật của hệ thống quản lý thẻ thấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển sản phẩm thẻ. Bởi lẽ khi có ý tưởng về sản phẩm nhưng trình độ kỹ thuật lại không đủ khả năng đáp ứng thì sẽ không thể phát triển ý tưởng thành sản phẩm. Đồng thời, sự hạn chế của trình độ kỹ thuật có thể dẫn đến việc không xử lý được những sự cố bất thường phát sinh.

f. Trình độ của đội ngũ cán bộ

Thẻ là sản phẩm của ngân hàng hiện đại và nghiệp vụ thẻ là một nghiệp vụ mới so với các nghiệp vụ khác của ngân hàng thương mại. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ thẻ nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển sản phẩm thẻ nói riêng phải có trình độ chuyên môn cao, nhanh nhạy với công nghệ hiện đại, năng động, sáng tạo, có kỹ năng giao tiếp khách hàng. Sản phẩm thẻ không thể phát triển nếu không có yếu tố con người. Ngân hàng nào có chính sách nhân lực hợp lý thì ngân hàng đó sẽ có cơ hội đẩy nhanh sự phát triển sản phẩm thẻ.

g. Hoạt động quản lý rủi ro thẻ

Ngoài những rủi ro từ hoạt động phát hành và thanh toán thẻ, rủi ro do sự cố hệ thống thì rủi ro do tội phạm liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thẻ ngày càng gia tăng với mức độ ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Điều này gây ra tổn thất không nhỏ cho ngân hàng về uy tín và tài chính, gây cản trở việc tiếp cận sản phẩm thẻ đối với khách hàng tiềm năng, cũng như tạo ra tâm lý e ngại khi sử dụng sản phẩm thẻ

của những khách hàng đang sở hữu sản phẩm thẻ của ngân hàng. Chính vì vậy, hoạt động quản lý rủi ro thẻ không tốt sẽ kìm hãm sự phát triển sản phẩm thẻ.

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp - Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Trang 25)