Chỉ tiêu phi tài chính

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dịch vụ Thanh toán quốc tế phục vụ xuất – nhập khẩu bằng phương thức tín dụng chứng tư tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Trang 41)

Tốc độ và sự chính xác trong thực hiện thanh toán

Không chỉ đối với phương thức tín dụng chứng từ mà ở mọi phương thức thanh toán, thời gian để xử lý các nghiệp vụ trong giao dịch thanh toán càng ít thì chất lượng TTQT càng cao. Các doanh nghiệp khi mở L/C tại NHTM đều phải ký quỹ một khoản tiền tương đối lớn. Khi thời gian giao dịch càng ngắn, bên nhập khẩu sẽ sớm nhận được hàng, hoàn thành hợp đồng ngoại thương, nhanh chóng bước vào các khâu tiếp theo của hoạt động sản xuất – kinh doanh, đồng vốn được sử dụng có hiệu quả hơn và đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng mong muốn nhanh chóng được thanh toán tiền sau khi xuất trình bộ chứng từ.

Việc đảm bảo độ chính xác trong quá trình xử lý cũng là một yếu tố không thể thiếu, ngoài việc đảm bảo về thời gian thực hiện. Ngân hàng phát hành phải cẩn trọng trong khi kiểm tra bộ chứng từ trước khi thực hiện thanh toán cho người xuất khẩu, vì nếu có sai sót xảy ra như bộ chứng từ chưa phù hợp hoặc chứng từ giả mạo sẽ có ảnh hưởng lớn đến bên nhập khẩu hoặc ngân hàng không truy đòi được khoản tiền đã thanh toán, gây tổn thất kinh tế lớn.

Mặc dù nghiệp vụ thanh toán bằng tín dụng chứng từ được coi là hiệu quả cho các giao dịch thương mại quốc tế do hạn chế được rủi ro cho các bên tham gia, nhưng không phải là tuyệt đối. Có những hình thức rủi ro như: rủi ro tín dụng, rủi ro đạo đức, rủi ro quốc gia, rủi ro ngoại hối, rủi ro pháp lý, rủi ro tác nghiệp, liên quan đến vai trò của các NHTM. Khi rủi ro xảy ra, dù có gây tổn thất cho ngân hàng hay không, đều làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng hoạt động TTQT nói riêng và hình ảnh của ngân hàng nói chung.

Sự đa dạng trong hình thức thanh toán bằng tín dụng chứng từ

Ngày nay, do sự đa dạng phong phú của thương mại quốc tế, có rất nhiều hình thức thư tín dụng đang được áp dụng tùy loại hàng hóa, khách hàng, hay những đặc điểm và địa lý, uy tín, thời gian, thời hạn giao hàng…, nhằm đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng trong khi thanh toán tùy vào mỗi thương vụ cụ thể. Nếu ngân hàng có thể cung cấp nhiều hình thức thanh toán, điều đó có thể thể hiện trình độ phát triển nghiệp vụ TTQT của Ngân hàng, từ đó thu hút và mở rộng dịch vụ của ngân hàng đến nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Sự phong phú trong thực hiện thanh toán còn thể hiện ở đồng tiền sử dụng. Với hợp đồng ngoại thương, đồng tiền thanh toán là ngoại tệ với ít nhất một trong hai bên xuất – nhập khẩu và thường là một đồng tiền mạnh, có khả năng chuyển đổi dễ dàng. Nếu ngân hàng có thể đáp ứng được nhu cầu thanh toán bằng các loại ngoại tệ khác nhau sẽ cho thấy sự đa dạng trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng, đồng thời sẽ phòng tránh được những tổn thất có thể có do biến động về tỷ giá.

Hoạt động TTQT theo phương thức tín dụng chứng từ không chỉ gồm có việc xử lý nghiệp vụ thanh toán cho khách hàng mà còn có các dịch vụ hỗ trợ đi kèm như: tư vấn khách hàng, mua bán ngoại tệ, tín dụng xuất nhập khẩu.

Tư vấn khách hàng

Đây là một nghiệp vụ quan trọng của mỗi ngân hàng, thực hiện ở nhiều hoạt động như tín dụng, thanh toán quốc tế, bảo lãnh…Chất lượng của hoạt động tư vấn khách hàng là một yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ TTQT, bởi đây là nơi thực hiện việc hướng dẫn giới thiệu và giúp đỡ khách hàng về các điều kiện, điều khoản của gói sản phẩm mà khách hàng có thể sử dụng. Nếu hoạt động này thực hiện có hiệu quả thì không những giao dịch thanh toán của khách hàng sẽ được thực hiện nhanh chóng, an toàn mà còn có thể giới thiệu đến khách hàng những dịch vụ khác mà ngân hàng cung cấp, nâng cao doanh thu và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Cụ thể, chất lượng tư vấn được thể hiện ở thời gian tư vấn nhanh chóng, nội dung tư vấn chính xác, có giá trị, phù hợp với nhu cầu, thái độ tư vấn nhiệt tình, có trách nhiệm của nhân viên thanh toán quốc tế.

Mua bán ngoại tệ

Đây là một hoạt động kinh doanh của NHTM: mua bán ngoại tệ phục vụ nhu cầu khách hàng hoặc kiếm lợi nhuận cho bản thân ngân hàng. Trong TTQT, để đảm bảo nguồn ngoại tệ phục vụ thanh toán, ngân hàng cung cấp những dịch vụ thanh toán nhau hợp đồng giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi, hợp đồng quyền chọn. Nghiệp vụ ngoại hối phái sinh này không chỉ giúp khách hàng phòng ngừa rủi ro tỷ giá mà còn có thể thu thêm lợi nhuận do chênh lệch tỷ giá.

Đây là hình thức hỗ trợ vốn của ngân hàng đối với nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu, giúp hoạt động ngoại thương diễn ra thuận lợi. Đối với nhà xuất khẩu, ngân hàng có thể cung cấp các khoản vốn lưu động để họ thực hiện đơn đặt hàng, chiết khấu bộ chứng từ và bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Đối với nhà nhập khẩu, ngân hàng chấp nhận cho họ ký quỹ dưới mức 100% giá trị của L/C hoặc chấp nhận bảo lãnh thanh toán.

Số lượng ngân hàng đại lý và tài khoản NOSTRO – VOSTRO

Nếu một NHTM có số lượng đại lý lớn, có mặt tại nhiều quốc gia thì hoạt động TTQT bằng L/C sẽ diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn. Nếu nghiệp vụ tín dụng chứng từ phải thực hiện qua một ngân hàng khác thì sẽ làm tăng cao chi phí hoặc phải từ chối yêu cầu của khách hàng, giảm doanh thu và uy tín của ngân hàng.

Các ngân hàng ở các quốc gia khác nhau có quan hệ đại lý thường xuyên thường thiết lập các tài khoản đối ứng NOSTRO – tài khoản ngoại tệ của một ngân hàng mở tại ngân hàng đại lý của mình và VOSTRO – tài khoản giao dịch của ngân hàng đại lý mở tại ngân hàng bản địa, thường có đơn vị tiền tệ là đồng bản tệ.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dịch vụ Thanh toán quốc tế phục vụ xuất – nhập khẩu bằng phương thức tín dụng chứng tư tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Trang 41)