Cơ sở lý luận:
Chọn mẫu kiểm toán là quá trình chọn một nhóm các khoản mục hoặc đơn vị từ một tập hợp các khoản mục hoặc đơn vị lớn và sử dụng các đặc trưng của mẫu để suy rộng cho đặc trưng của toàn bộ tổng thể. Vấn đề cơ bản của chọn mẫu là phải chọn được mẫu đại diện. Để chọn được mẫu đại diện, KTV có thể áp dụng phương pháp chọn mẫu thống kê hoặc chọn mẫu phi thống kê.
Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 530 “Lấy mẫu kiểm toán và các thủ tục lựa chọn khác” có quy định: “Việc lựa chọn lấy mẫu thống kê hay phi thống kê là tuỳ thuộc vào việc xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên xem phương pháp nào có hiệu quả hơn để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp trong từng trường hợp cụ thể” và “Kiểm toán viên phải đảm bảo rủi ro kiểm toán áp dụng phương pháp lấy mẫu giảm xuống mức có thể chấp nhận được khi xác định cỡ mẫu”. Vì vậy, khi chọn mẫu kiểm toán, KTV phải đảm bảo mẫu được chọn là mẫu đại diện cho toàn bộ tổng thể và đảm bảo rủi ro chọn mẫu là hợp lý, cân đối với chi phí phát sinh do chọn mẫu.
Giải pháp hoàn thiện:
KTV nên tiến hành thêm việc chọn mẫu ngẫu nhiên để đảm bảo tính đại diện của các mẫu được chọn. Cách chọn mẫu ngẫu nhiên sẽ đảm bảo được tính khách quan và có thể tận dụng sự trợ giúp của máy tính và bảng số. Có hai phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên: chọn mẫu ngẫu nhiên theo thuộc tính và chọn mẫu ngẫu nhiên kiểm tra chi tiết số dư.
Mẫu ngẫu nhiên là mẫu mà trong đó sự kết hợp khả dĩ của các phần tử trong tổng thể đều có cơ hội tạo thành mẫu như nhau, vì thế sẽ đảm bảo các phần tử đều có cơ hội lựa chọn như nhau, tránh bỏ sót những nghiệp vụ số tiền không lớn nhưng lại xuất hiện sai sót, gian lận. Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên là phương pháp chọn mẫu dựa trên lý thuyết thống kê mang tính khoa học chính xác, tránh bị lệ thuộc vào khả năng phán đoán của riêng kiểm toán viên. Điều này cũng sẽ giúp kiểm toán viên tránh những rủi ro kiểm toán có thể xảy ra ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán và uy tín của công ty.