Điều 327 và Điều 343 BLDS năm 2005 quy định, việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính; việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính; trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký. Hiện nay, các giao dịch phải công chứng, chứng thực gồm có các hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở (Khoản 3 Điều 93 Luật Nhà ở năm 2005 và Điểm a Khoản 1 Điều 130 Luật Đất đai năm 2003).
Đối với yêu cầu về đăng ký giao dịch bảo đảm, theo Điều 3 Nghị định số 83 thì các giao dịch bảo đảm phải đăng ký gồm: thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển; các trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định. Các giao dịch bảo đảm bằng tài sản khác được đăng ký khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Qua các quy định trên đây có thể thấy, đối với biện pháp bảo đảm bằng cầm cố tài sản, chỉ có cầm cố tàu bay là thuộc trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm; các trường hợp cầm cố tài sản khác chỉ đăng ký giao dịch bảo đảm khi các bên chủ thể giao dịch có yêu cầu. Thủ tục công chứng giao dịch cầm cố cũng không phải là thủ tục bắt buộc theo quy định của pháp luật. Với các quy định này, giao dịch cầm cố tài sản tự nó có hiệu lực pháp lý ràng buộc bên cầm cố, bên nhận cầm cố theo các quy định trong hợp đồng và pháp luật về cầm cố.
Việc nhận cầm cố các tài sản nói chung và GTCG nói riêng tại TCTD hầu như không thực hiện thủ tục công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm. Thực tế này xuất phát từ lý do pháp luật hiện hành không yêu cầu phải thực hiện công chứng và đăng ký. Ngoài ra, xuất phát từ việc các TCTD luôn tự muốn hoàn thiện, đơn giản hóa thủ tục quy trình xem xét cho vay và nhận tài sản bảo đảm qua đó tạo điều kiện để khách hàng dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận vốn vay.