tín dụng
1.2.2.1. Là biện pháp bảo đảm được thiết lập nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay của bên vay vốn đối với bên cho vay là tổ chức tín dụng
Biện pháp bảo đảm tiền vay bằng GTCG không tồn tại độc lập mà luôn phụ thuộc và gắn liền với một nghĩa vụ đó là nghĩa vụ trả nợ tiền vay của bên vay vốn đối với bên cho vay là TCTD. Nghĩa vụ trả nợ tiền vay phát sinh từ hợp đồng chính là hợp đồng vay.
Khi bên vay và TCTD thiết lập hợp đồng vay thì TCTD cho bên vay vay một khoản tiền với điều kiện bên vay có nghĩa vụ hoàn trả số tiền vay đó
cộng thêm lãi phát sinh trên khoản tiền vay, kèm theo các chi phí khác liên quan đến khoản vay khi hết thời hạn vay. Trong mối quan hệ này, TCTD có quyền yêu cầu và bên vay có nghĩa vụ trả nợ vay theo quy định tại hợp đồng vay. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay có đúng, đầy đủ hay không lại phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính (nguồn trả nợ) và thiện chí hợp tác của bên vay, mặc dù, trước khi quyết định cho vay TCTD đã thực hiện thẩm định, phê duyệt khoản vay theo quy chế và quy trình rất chặt chẽ. Chính vì vậy, trong quan hệ cho vay, khi thiết lập hợp đồng vay, TCTD luôn đặt ra yêu cầu bên vay phải thực hiện biện pháp bảo đảm để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của mình.
Tùy thuộc vào tính chất của từng khoản cho vay (số tiền vay, thời hạn vay, mục đích vay,...), tùy thuộc vào khả năng tài chính của bên vay mà họ đưa ra các biện pháp bảo đảm phù hợp để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Một trong những biện pháp được lựa chọn chính là bảo đảm bằng GTCG.
Để làm rõ hơn đặc điểm này của bảo đảm tiền vay bằng GTCG, tiếp sau đây luận văn đề cập đến nghiệp vụ chiết khấu GTCG của TCTD và nghiệp vụ "repo" chứng khoán của công ty chứng khoán.
Nghiệp vụ chiết khấu GTCG của TCTD, xét về mặt hình thức có một số điểm tương đồng với bảo đảm tiền vay bằng GTCG vì đều có đối tượng là GTCG, một bên chủ thể có sự tham gia của TCTD. Tuy nhiên, về bản chất, bảo đảm tiền vay bằng GTCG là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay của bên vay đối với TCTD, là hợp đồng phụ đi kèm với hợp đồng cho vay, trong khi chiết khấu GTCG là một loại hình "cấp" tín dụng của TCTD thông qua việc ký kết hợp đồng mua bán trước thời hạn GTCG (đây là hợp đồng chính và là hợp đồng duy nhất vì không có hợp đồng bảo đảm nào kèm theo). Ngoài ra, đối với bảo đảm tiền vay bằng GTCG, GTCG chỉ bị xử lý khi bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ tiền vay. Còn đối với chiết khấu GTCG, bên được chiết khấu
đã chuyển giao quyền sở hữu GTCG cho bên chiết khấu (TCTD) để nhận lại khoản tiền vay chính là tiền bán GTCG do TCTD thanh toán, theo đó, nghĩa vụ trả nợ khoản tiền vay sẽ được chuyển giao cho người thứ ba là người mắc nợ theo quy định tại GTCG. Hiểu một cách khái quát, bảo đảm tiền vay bằng GTCG là một biện pháp bảo đảm "cấp" tín dụng còn chiết khấu GTCG lại là một loại hình "cấp" tín dụng, chúng khác nhau hoàn toàn về bản chất.
"Repo" chứng khoán là hoạt động nghiệp vụ liên quan đến GTCG do các công ty chứng khoán đang thực hiện, là phái sinh của nghiệp vụ cho vay có đảm bảo bằng GTCG tại TCTD. Dưới phương diện giao dịch, "Repo" chứng khoán là giao dịch mua bán có kỳ hạn chứng khoán thông qua việc thiết lập hợp đồng mua bán có kỳ hạn chứng khoán. Theo đó, bên bán thực hiện bán và chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán cho bên mua sau đó đến thời điểm mua lại (được ấn định trước trong hợp đồng), bên đã bán sẽ mua lại số chứng khoán đã bán (bên mua ban đầu chuyển giao lại quyền sở hữu chứng khoán cho bên bán ban đầu). Trong khi, đối với bảo đảm tiền vay bằng GTCG, khi thiết lập hợp đồng bảo đảm sẽ không có sự chuyển giao quyền sở hữu GTCG, GTCG làm tài sản bảo đảm vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, còn TCTD (bên nhận bảo đảm) chỉ là người "giữ" GTCG. Tổ chức tín dụng chỉ được xử lý GTCG khi bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và theo quy định chung của pháp luật. Như vậy, dưới góc độ pháp lý, "repo" chứng khoán khác biệt với bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD.
1.2.2.2. Tài sản dùng để bảo đảm tiền vay là giấy tờ có giá
Như đã nêu ở phần trên, bảo đảm tiền vay bằng tài sản là việc bên bảo đảm dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hoàn trả nợ vay của bên vay đối với TCTD. Tài sản dùng để bảo đảm là tài sản theo quy định của pháp luật, có thể là động sản, bất động sản, tài sản hiện hữu hoặc tài sản hình thành trong tương lai,…
Đối với bảo đảm tiền vay bằng GTCG thì tài sản bảo đảm đã được xác định chính là GTCG. Bên bảo đảm dùng GTCG thuộc sở hữu của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay của bên vay đối với TCTD.
Với tư cách là một loại tài sản có các đặc điểm nổi bật là xác nhận quyền tài sản của một chủ thể xác định, trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao quyền sở hữu, GTCG được dùng làm tài sản bảo đảm tiền vay là hoàn toàn phù hợp với quy định của BLDS năm 2005, Quy chế phát hành GTCG và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Giấy tờ có giá dùng làm tài sản bảo đảm rất đa dạng như cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, séc, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch.
1.2.2.3. Một bên chủ thể trong giao dịch bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá là tổ chức tín dụng
Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phát sinh thông qua sự thỏa thuận của các bên trong một giao dịch dân sự. Trong giao dịch bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD có sự tham gia của các bên chủ thể trong đó bên bảo đảm (bên vay vốn, người thứ ba) có thể là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác … nhưng bên nhận bảo đảm phải là TCTD cho vay.
Tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành "là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng" [25]
(trong đó đặc trưng là hoạt động cho vay). Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
Với chức năng cho vay được pháp luật thừa nhận, tổ chức tín dụng cho các cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác vay vốn trên cơ sở thu hồi nợ gốc và lãi. Vì vậy, để đảm bảo bên vay thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ vay nhằm bảo toàn "số tiền vốn" và số tiền lãi sẽ thu được đầy đủ, TCTD và bên vay thỏa thuận và ký kết thêm hợp đồng bảo đảm bằng GTCG. Trong mối quan hệ bảo đảo này, rõ
ràng bên nhận bảo đảm luôn luôn là TCTD đã cho bên vay vay vốn, còn bên bảo đảm có thể chính là bên vay vốn hoặc là người thứ ba có quyền sở hữu GTCG đem GTCG dùng làm tài sản bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho bên vay.
Có thể khẳng định rằng, trong bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD, TCTD là chủ thể luôn được xác định rõ và là chủ thể đặc biệt. TCTD nhận bảo đảm chính là TCTD cho vay, có thể là ngân hàng (ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã) hoặc TCTD phi ngân hàng (như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác). TCTD là chủ thể đặc biệt do hoạt động của TCTD có độ rủi ro cao nên theo thông lệ quốc tế và thực tế đang được áp dụng ở nước ta, TCTD ngoài việc tuân thủ các quy định chung của pháp luật doanh nghiệp, còn phải tuân thủ các tỷ lệ và giới hạn nhất định theo quy định của pháp luật chuyên ngành nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động cho vay có bảo đảm bằng GTCG nói riêng. Ví dụ, TCTD khi nhận GTCG làm tài sản bảo đảm phải tính tỷ lệ khấu trừ để xác định giá trị khấu trừ của GTCG trên cơ sở giá trị có thể thu hồi từ việc phát mại GTCG sau khi trừ đi các chi phí phát mại GTCG dự kiến tại thời điểm trích lập dự phòng cụ thể, nhưng không được vượt quá tỷ lệ khấu trừ tối đa quy định của pháp luật.
Trên đây là ba đặc điểm cơ bản của bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD. Các đặc điểm này là cơ sở để phân biệt bảo đảm tiền vay bằng GTCG với bảo đảm tiền vay bằng tài sản khác tại TCTD, với các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự khác không có sự tham gia của TCTD.
1.2.3. Phân loại bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại tổ chức tín dụng
Thuật ngữ "biện pháp bảo đảm" là tên gọi chung của các loại biện pháp bảo đảm cụ thể gồm cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp. Trên thực tế, các bên phải xác định rõ loại biện pháp bảo đảm cụ thể sẽ được các bên thiết lập là loại nào. Mỗi loại biện pháp bảo đảm có những đặc điểm khác nhau theo đó quyền, nghĩa vụ của các bên chủ thể là khác nhau. Chính vì vậy, việc phân loại bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD là điều cần thiết.
Dựa vào khái niệm, đặc điểm của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành thì bảo đảm tiền vay bằng GTCG gồm có cầm cố GTCG, thế chấp GTCG và ký quỹ bằng GTCG.
Sở dĩ, bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD được phân thành các loại như trên vì đây là biện pháp bảo đảm mà bên bảo đảm sử dụng tài sản là GTCG để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay của bên vay chứ không dùng uy tín hay sự bảo đảm "suông". Tức là, trong bảo đảm tiền vay bằng GTCG có xuất hiện và mang yếu tố tài sản, tài sản được xác định cụ thể là GTCG. Vì vậy, nếu cứ chiếu theo khái niệm về cầm cố tài sản, thế chấp tài sản và ký quỹ trong BLDS năm 2005 (Điều 326, Điều 342 và Điều 360) thì bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD sẽ được phân thành các loại tương ứng. Nếu bên sở hữu GTCG giao GTCG cho TCTD thì đó là cầm cố GTCG, nếu không chuyển giao GTCG cho TCTD thì là thế chấp GTCG và nếu gửi GTCG đó vào tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì đó lại là ký quỹ GTCG.
Tuy nhiên, theo các quy định tại các văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm và các văn bản pháp luật hiện hành về phát hành GTCG (Điều 19 Mục 1 Chương III Nghị định số 163, Khoản 1 Điều 15 Quy chế phát hành GTCG, Điều 36 Luật CCCCN) thì bảo đảm tiền vay bằng GTCG được ấn định rõ dưới hình thức cầm cố GTCG. Trên thực tế, các TCTD nhận bảo đảm bằng GTCG cũng mặc nhiên thực hiện bảo đảm tiền vay bằng GTCG theo biện pháp cầm cố GTCG.