Quyền xử lý tài sản bảo đảm là quyền của bên nhận bảo đảm được tác động trực tiếp tới tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Quyền xử lý tài sản bảo đảm được xác lập thông qua hợp đồng bảo đảm và có hiệu lực ràng buộc giữa các bên kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Tuy nhiên, bên nhận bảo đảm chỉ có quyền xử lý tài sản trên thực tế khi phát sinh các căn cứ theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận, ngoài các trường hợp đó bên nhận bảo đảm không có quyền xử lý tài sản bảo đảm.
Như đã phân tích ở phần đầu của luận văn, pháp luật hiện hành (BLDS năm 2005, Nghị định số 163) quy định rõ các căn cứ để bên bảo đảm thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm, các nguyên tắc, phương thức, trình tự thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm. Việc xử lý GTCG thực hiện theo quy định của pháp luật về GTCG. Tùy thuộc GTCG nhận bảo đảm thuộc loại nào, việc xử lý GTCG đó sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về GTCG tương ứng.
Ví dụ, việc xử lý GTCG là hối phiếu đòi nợ được thực hiện theo quy định tại Điều 38 Luật CCCCN, theo đó, bên cầm cố đã hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố hối phiếu đòi nợ thì bên nhận cầm cố phải hoàn trả hối phiếu đòi nợ cho bên cầm cố, trường hợp bên cầm cố không thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ được bảo đảm thì người nhận cầm cố trở thành người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ và được thanh toán theo nghĩa vụ được bảo đảm; việc xử lý GTCG là chứng khoán được thực hiện theo các quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán; việc xử lý GTCG do TCTD phát hành lại được thực hiện theo quy định của Luật NHNN, Luật Các TCTD và Quy chế phát hành GTCG; …
Để đảm bảo quyền xử lý GTCG để thu hồi nợ vay của mình, các TCTD khi xác lập hợp đồng bảo đảm cũng thường đưa ra các điều khoản quy định cụ thể các trường hợp xử lý GTCG. Trong đó, ngoài các trường hợp xử lý GTCG theo quy định của pháp luật, các bên bảo đảm thường dự liệu thêm hai trường hợp đó là xử lý GTCG khi giá trị của GTCG xuống thấp hơn mức giá trị nhất định do TCTD đã quy định (thường là khi giá GTCG cầm cố giảm
xuống bằng hoặc thấp hơn 70% thị giá GTCG cầm cố được xác định tại thời điểm định giá để cho vay thì TCTD thực hiện quyền bán toàn bộ GTCG của bên bảo đảm theo giá sàn để thu hồi nợ) và xử lý GTCG theo yêu cầu của
chính bên bảo đảm để thanh toán nợ vay cho bên vay (bên bảo đảm phải có đề nghị bằng văn bản, TCTD sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để bên bảo đảm bán GTCG đồng thời quản lý số tiền thu được từ việc bán GTCG).
Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm là GTCG được các TCTD áp dụng khác nhau phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng loại GTCG.
Trường hợp GTCG do chính TCTD nhận bảo đảm phát hành, các TCTD sẽ tự động bán thanh lý GTCG (khi GTCG đã đến hạn thanh toán) hoặc chuyển quyền sở hữu GTCG sang tên chính TCTD nhận bảo đảm (nếu GTCG chưa đến hạn thanh toán).
Trường hợp GTCG do tổ chức khác phát hành, thì TCTD nhận bảo đảm yêu cầu tổ chức phát hành thực hiện việc chi trả GTCG của chủ sở hữu GTCG cho TCTD nhận bảo đảm (khi GTCG đã đến hạn thanh toán) hoặc chuyển quyền sở hữu GTCG sang tên cho TCTD nhận bảo đảm (nếu GTCG chưa đến hạn thanh toán. Quyền xử lý GTCG theo các phương thức này của TCTD có căn cứ thực hiện trên thực tế vì tại thời điểm nhận GTCG làm tài sản bảo đảm TCTD đã yêu cầu tổ chức phát hành GTCG cam kết hỗ trợ TCTD thực hiện quyền xử lý GTCG.
Đối với GTCG lưu ký, việc xử lý GTCG được TCTD trực tiếp hoặc ủy quyền cho công ty lưu ký thực hiện. Tại thời điểm nhận bảo đảm GTCG lưu ký, giữa TCTD, bên bảo đảm và TCTD đã có thỏa thuận bằng văn bản ủy quyền cho công ty lưu ký tự động trích tài khoản giao dịch GTCG của bên bảo đảm để thu nợ gốc và lãi vay cho TCTD khi xử lý GTCG. Khi TCTD yêu cầu xử lý GTCG để thu hồi nợ, công ty lưu lý sẽ thực hiện thủ tục bán GTCG. Giấy tờ có giá được đặt bán với giá thấp nhất của các phiên giao dịch gần nhất, được công ty lưu ký thực hiện ngay từ phiên giao dịch gần nhất cho đến khi việc bán GTCG được thực hiện xong. Công ty lưu ký phải thông báo ngay kết quả việc xử lý GTCG cho bên bảo đảm và TCTD. Số tiền thu được từ việc bán GTCG sau khi thanh toán đủ phí giao dịch cho công ty lưu ký và các khoản phí phát sinh từ xử lý GTCG (nếu có) sẽ được công ty lưu ký chuyển cho TCTD để thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ gốc, lãi và các chi phí khác của bên vay đối với TCTD. Trường hợp số tiền bán GTCG không đủ trả nợ vay, TCTD có quyền yêu cầu phong tỏa và xử lý tiếp các GTCG khác (nếu có) trên tài khoản giao dịch GTCG của bên vay tại công ty lưu ký để thu hồi nợ vay. Trường hợp số tiền thu được sau khi thanh toán nợ còn thừa thì TCTD sẽ trả lại số tiền thừa cho bên bảo đảm.
Xử lý GTCG bảo đảm để thu hồi nợ bằng cách bán GTCG là quyền của TCTD nhận bảo đảm đã được pháp luật thừa nhận và đúng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo đảm GTCG. Đặc biệt, khi GTCG niêm
yết bị giảm giá trị, nếu các TCTD không bán GTCG để bảo đảm thu hồi đủ nợ vay thì TCTD cũng buộc phải "thúc ép" đòi nợ bên vay vốn và bên bảo đảm tìm cách trả nợ vay trước hạn, trong nhiều trường hợp chính bên bảo đảm phải chủ động yêu cầu tổ chức lưu ký bán GTCG để thay bên vay trả nợ vay cho TCTD. Tuy nhiên, khi giá GTCG đang trong tình trạng giảm, nếu TCTD và bên bảo đảm "bán tháo" GTCG, sẽ càng làm cho giá trị của GTCG đi xuống. Có những thời điểm (năm 2007) thị trường chứng khoán suy giảm liên tục, mất dần tính thanh khoản mà nguyên nhân từ việc các TCTD liên tục bán ra GTCG một cách "ồ ạt", không có tổ chức, nên NHNN và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phải gửi công văn tới các TCTD yêu cầu TCTD thực hiện nghiêm túc các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, kêu gọi các TCTD ngừng việc "bán tháo" GTCG. Tuy nhiên, nhiều TCTD vẫn phải bán GTCG khi giá GTCG giảm mạnh nhằm "tận thu" nguồn vốn, tránh các khoản nợ xấu xảy ra.