Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm

Một phần của tài liệu Bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại các tổ chức tín dụng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 64 - 66)

Theo quy định tại Điều 405 BLDS năm 2005 thì hợp đồng dân sự được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy, nếu pháp luật không có quy định khác hoặc các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận khác về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự thì hợp đồng đó sẽ có hiệu lực từ thời điểm được giao kết hợp pháp. Tức là tại thời điểm giao kết, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng được phát sinh và các bên có trách nhiệm thực hiện.

Về quy định khác của pháp luật liên quan đến hiệu lực của hợp đồng bảo đảm hiện có các quy định như sau: theo Điều 328 BLDS năm 2005 thì

cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố; còn theo Điều 10 Nghị định số 163 thì giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ các trường hợp gồm cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố; thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp; giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực trong trường hợp pháp luật có quy định (hiện theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2005 thì hợp đồng thế chấp nhà ở có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực).

Qua các quy định trên đây cho thấy, đối với cầm cố tài sản thì hiệu lực của cầm cố phát sinh từ thời điểm bên cầm cố chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố; đối với thế chấp tài sản thì chỉ thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển là có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp, thế chấp nhà ở có hiệu lực từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực; còn các trường hợp thế chấp khác sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm hợp đồng thế chấp được giao kết.

Quay lại với giao dịch bảo đảm bằng GTCG của TCTD có thể thấy, nếu các bên lựa chọn biện giao kết hợp đồng cầm cố thì đương nhiên hiệu lực của cầm cố GTCG sẽ phát sinh kể từ thời điểm bên cầm cố giao GTCG cho bên nhận cầm cố, nếu các bên lựa chọn biện pháp thế chấp thì hiệu lực của hợp đồng thế chấp GTCG sẽ phát sinh kể từ thời điểm các bên giao kết hợp đồng.

Tuy nhiên, như ta đã biết, theo các quy định của pháp luật hiện hành và trên thực tế áp dụng, việc nhận bảo đảm bằng GTCG chỉ được thực hiện theo biện pháp cầm cố, các bên chỉ giao kết hợp đồng cầm cố GTCG. Chính vì vậy, việc cầm cố GTCG có hiệu lực kể từ thời điểm bên cầm cố chuyển giao GTCG cho bên nhận cầm cố.

Theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 339 BLDS năm 2005) và trên thực tế áp dụng tại các TCTD, việc cầm cố GTCG sẽ chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp: nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt, việc cầm cố được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác, GTCG cầm cố đã được xử lý và chấm dứt theo thỏa thuận của các bên.

Một phần của tài liệu Bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại các tổ chức tín dụng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)