Trong các DNTN trình độ tay nghề của lao động còn kém chủ yếu là lao động phổ thông trình độ văn hóa thấp, thiếu kỹ năng lao động. Thời gian tới các trường đại học chính quy của Nhà nước chỉ đảm nhiệm được 15 – 20% số chỉ tiêu đào tạo nghề hàng năm còn lại sẽ cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề tư nhân, các trung tâm dạy nghề ở các địa phương đoàn thể xã hội đảm nhiệm. Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải tạo thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp lớn liên kết, giúp đỡ các DNTN vừa và nhỏ đào tạo công nhân làm nghề [11].
Chính sách lao động hiện nay được thể hiện thông qua bộ luật Lao động còn mang tính cứng nhắc, thiên về bảo vệ quyền lợi của người lao động. Xu hướng này hoàn toàn hợp lý song trong giai đoạn hiện nay, khi sức ép về việc làm còn quá lớn thì chính sách này sẽ tạo thêm tâm lý lo ngại ở người sử dụng lao động. Điều đó khiến họ cân nhắc quá kỹ khi tuyển dụng lao động ( về cả chất lượng lẫn số lượng) dẫn đến những thiệt hại cho số đông lực lượng lao động. Chính vì vậy, trong thời gian trước mắt cần điều chỉnh, sửa đổi Bộ luật lao động theo hướng:
– Linh hoạt hơn trong việc điều hành các tổ chức công đoàn trong các DNTN, không bắt buộc đối với DN quy mô nhỏ.
– Linh hoạt hơn trong việc tuyển dụng và sa thải người lao động:
+ Việc sa thải lao động lệ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, vào thị trường chứ không nhất thiết phải có ý kiến chấp nhận của công đoàn.
+ Tự do tuyển dụng lao động không nhất thiết phải qua tổ chức trung gian. – Linh hoạt hơn trong việc ký kết hợp đồng lao động: Mở rông khung về thời gian lao động, về bồi thường khi sa thải, về chế độ nghỉ phép.
– Linh hoạt hơn trong việc xác định mức lương, đặc biệt là lương tối thiểu của người lao động.