Nguyên tắc chủ Doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý của Doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 52)

Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp trở thành thương nhân. Khác thế, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên không phải là thương nhân mặc dù chỉ một mình người này đầu tư thành lập nên công ty đó, trừ khi người này là một thương nhân pháp nhân. Hành vi đầu tư như vậy, tạo lập nên một pháp nhân có sản nghiệp riêng biệt với sản nghiệp của người thành lập nó [2, tr.26]. Chủ DNTN chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ trong kinh doanh của doanh nghiệp, phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với mọi khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của mình (bao gồm cả tài sản chủ doanh nghiệp đưa vào kinh doanh và tài sản chủ doanh nghiệp không đưa vào kinh doanh). Điều này đồng nghĩa nếu chủ

doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn bằng vốn kinh doanh thì theo yêu cầu của chủ nợ Tòa án có thể cho bán những tài sản mà chủ doanh nghiệp không đem vào kinh doanh để trả nợ.

Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ DNTN khác với chế độ TNHH của thành viên trong Công ty TNHH, cổ đông trong Công ty cổ phần và thành viên góp vốn trong Công ty hợp danh. Trong các loại hình doanh nghiệp này, chủ doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Công ty trong phạm vi phần vốn góp của mình trong Công ty. Ở đây, có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản cá nhân và tài sản đưa vào kinh doanh.

Việc quy định chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ DNTN xuất phát từ bản chất pháp lý của doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể:

Về sở hữu tài sản: Tài sản của doanh nghiệp thuộc về sở hữu cá nhân của chủ doanh nghiệp. Tài sản của DNTN chỉ là một phần tài sản của chủ doanh nghiệp, tức là không có sự phân tách rõ ràng giữa tài sản bỏ vào kinh doanh và tài sản không bỏ vào kinh doanh. Vì vậy, khi gặp rủi ro hay kinh doanh thua lỗ. Chủ doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.

Về mặt quản lý hoạt động: DNTN thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, chủ doanh nghiệp nắm toàn quyền quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không phải chia sẻ quyền lực cho bất kỳ ai. Nếu kinh doanh có lãi, chủ DNTN được hưởng toàn bộ lợi nhuận thu được, do vậy cũng phải gánh chịu mọi rủi ro.

Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình là cơ sở để DNTN thực hiện quyền tự do kinh doanh vừa là đảm bảo pháp lý cho các chủ thể khác có quan hệ với doanh nghiệp tư nhân. Tuy vậy, nguyên tắc chịu trách nhiệm vô hạn cũng là một trong những yếu tố tạo ra một số rủi ro cho chủ DNTN trong quá trình tồn tại và hoạt động bởi trong điều kiện kinh

doanh có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia, tính cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh là rất cao thì rủi ro trong kinh doanh sẽ là rất lớn. Vì vậy, với chế độ trách nhiệm vô hạn, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính bằng toàn bộ tài sản của họ chứ không giới hạn trong số vốn chủ doanh nghiệp đã đầu tư vào doanh nghiệp. Do vậy, đây sẽ là một thách thức mà chủ đầu tư phải lưu ý khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp này để tiến hành các hành vi của hoạt động thương mại.

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý của Doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)