8. Phương pháp nghiên cứu
3.4.3. Mối quan hệ bạn bè
Ở lứa tuổi học sinh THPT tình bạn của các em trở nên bền vững, sâu sắc hơn nhiều so với lứa tuổi trung học cơ sở. Các em gắn bó với bạn bè chủ yếu bằng những hứng thú và hoạt động chung. Đối với các em, sự tâm tình thân mật,, tình cảm ấp áp, sự chân thành là yếu tố quan trọng đầu tiên của tình bạn.Nhu cầu được sẻ chia với bạn bè là một nhu cầu cao ở học sinh THPT. Vì vậy, các em coi bạn như cái tôi thứ hai của mình. Nhóm bạn cũng có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, thái độ, hành vi của các thành viên khác trong nhóm.
Kết quả điều tra của chúng tôi cũng cho thấy rằng nhóm bạn có ảnh hưởng rất quan trọng lên nhận thức, hành vi bạo lực của học sinh. Vì nhiều lí do chủ quan và khách quan, sự đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt của các em không rõ ràng. Dưới áp lực hoặc tác động của nhóm bạn hoặc bạn bè thân quen, học sinh không nhận thức được vấn đề của mình là sai trái, thậm chí còn có em cho rằng lời nói của bạn cũng là của mình, mong muốn của bạn cũng là của mình, chỉ cần bạn nhờ là thực hiện, dù hành động đó là tốt hay xấu vì như vậy mới là bạn bè, mới thể hiện rằng bạn bè là phải biết vì nhau. “ Em đang học, bạn thân em bảo với em là cần đánh một đứa con gái khác ở lớp D3, ra về em cùng mấy bạn ấy chặn đường và đánh đứa kia thôi” (Nữ học sinh lớp 11 D4). Khi được hỏi: “Em có biết lí do vì sao mà bạn em lại nhờ em đánh bạn gái ấy không?” thì học sinh đó trả lời: “Em không biết nhưng chắc là phải có chuyện gì đó bạn em mới nhờ đánh, mà nó động đến bạn em tức là động đến em rồi, đánh thì đánh chứ cần gì biết lí do. Với lại em với nó là bạn
bè thân của nhau, nó khó khăn thì em phải giúp, chẳng lẽ đứng nhìn”. (Nữ học sinh lớp 11 D4)
Các giáo viên chủ nhiệm cũng chia sẻ: “Nói thật là em đó đánh nhau vì đứa bạn nó nhờ, học sinh bây giờ nó không sợ gì đâu, ngày xưa mình đi học thì không dám để xảy ra điều gì vì còn sợ thầy cô, cha mẹ, sợ điều tiếng của bạn bè, những người xung chứ giờ chúng nó không sợ gì cả, kỉ luật nó cũng chả sợ. Bạn bè đối với nhiều em còn quan trọng hơn cả cha mẹ nữa, vì bạn mà đánh nhau cũng có nhiều lắm” (Giáo viên chủ nhiệm lớp 11 D2); “Thực ra sau khi em đó đánh nhau thì cũng có tìm hiểu lí do, nguyên nhân nhưng em đó nói nó đánh bạn em thì em đánh nó thôi”. (Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 A6)
Nhiều học sinh trong trường lúc đầu chỉ gây gổ, đánh nhau với một bạn nào đó, tuy nhiên, vì “thất bại” khi gây gổ đã đi gọi những học sinh ở lớp khác trợ giúp và đánh hội đồng đối phương: “Em đánh nhau với nó nhưng vì nó mạnh hơn nên em phải nhờ mấy đứa bạn của em của em giúp đỡ, sau hôm đó bọn em đã chặn đường và đánh lại đứa kia”. (Nam học sinh lớp 11 D2)
“Bạn ấy nhờ mấy bạn nữ với mấy bạn nam nữa chặn em trước cổng trường rồi dọa nạt, tát tai em”. (Nữ học sinh lớp 11 D2)
Các em học sinh quan niệm bạn bè là phải hy sinh vì nhau, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, sự hy sinh, hỗ trợ của các em đã không đặt đúng chỗ, đúng nơi, khi được bạn bè nhờ giúp, các em không phân biệt sự việc là đúng hay sai. Cũng không ý thức được hậu quả của sự việc mà chỉ cần biết là cần phải giúp vì đó là bạn mình nhờ cậy.
Sự im lặng, thờ ơ hay xúi giục, a dua, cổ vũ của những bạn bè xung quanh cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy hành vi bạo lực học đường. “Mấy bạn nữ lớp 12A7 đã xúi giục mấy bạn nam trong lớp đi sang lớp em bắt bạn Trung Anh xin lỗi. Các bạn sang chửi và đe dọa nếu bạn Trung Anh không xin lỗi thì sẽ đánh”
(Nam học sinh lớp 12 A6); “Các bạn cũng thích xem đánh nhau nên là các bạn hô hào bảo là: “Đánh đi, đánh nhau đi”. (Nam học sinh lớp 11 D2); “Mấy bạn nam
thấy mấy bạn nữ đánh nhau còn cổ vũ, vỗ tay trêu bảo đánh đi, đánh đi rồi anh yêu”. (Nữ học sinh lớp 11 D2)
Ở lứa tuổi học sinh THPT, việc được thể hiện mình, được khẳng định bản thân mình đối với nhiều em rất quan trọng, cộng với việc được bạn bè cổ vũ, a dua khi gây hành vi bạo lực, các em học sinh trở nên mạnh dạn hơn, cảm thấy được ủng hộ: “Khi em đánh nó thì mấy đứa xung quanh cũng nói là cái con này nó ghê gớm, bị đánh cũng đáng, có đứa thì hò reo, em cảm thấy mình đánh nó vừa là vì việc của mình, vừa là để cho nó chừa lần sau đừng có hay nói xấu người khác”. (Nữ học sinh lớp 11 D2)
Khi được đặt câu hỏi: “Các em có khi nào tố cáo hành vi đánh nhau của các bạn không?” thì có em học sinh nói rằng:
“Không, bọn học sinh không bao giờ nó tố cáo, nó hùa theo nhau nó hư. Chỉ có trường hợp nó ghét nhau thôi, chia phe nhau thì tố cáo nhau ngay, kể cả đứa ngoan cũng tham gia. Chẳng hạn em ghét thằng nào đó trong lớp nó có việc gì xấu, đánh nhau thì em đều nhắn tin cho cô chủ nhiệm chẳng hạn, đấy, em không công khai, cô chủ nhiệm cũng biết nhưng không nói cho bọn em, cô làm thế thì lần sau bọn em mới dám nói chứ không thì bọn em không báo. Chỉ ghét nhau nó mới làm thế, còn chả đứa nào dại mà đi báo vì thứ nhất không phải việc của mình, thứ hai là báo để mang vạ vào người à, mà chả việc gì phải báo cả, có phải việc của mình đâu. Nếu mà là em thì em cũng thế thôi”. (Nam học sinh lớp 12 A6)
Chia sẻ trên cho thấy việc tố cáo chỉ xảy ra trong trường hợp các em học sinh ghét nhau, còn trong các tình huống khác thì các em lại thờ ơ không tố cáo vì sợ liên lụy và nghĩ rằng đó không phải là việc của mình.
Như vậy, chúng ta cũng có thể thấy rằng nhóm bạn đã có tác động không nhỏ đến nhận thức, hành vi của học sinh THPT. Ở một khía cạnh nào đó, nhóm bạn cũng có khi tạo ra tác động rất tiêu cực đến thành viên của nhóm khác bằng cách dùng hành động để ruồng bỏ, làm xấu hổ thậm chí hành hạ học sinh khác về mặt thể chất và tinh thần: “Thằng nào đứng đơn lẻ thì thằng đó dễ bị trêu, bị chửi đánh
nhất, như bọn em chơi với nhau đông thì bọn khác muốn động vào cũng khó” (Nam học sinh lớp 11 A6); “Hội em chơi với nhau, lắm lúc có thằng nào đi qua thấy ghét thì cả mấy thằng bê vứt nó xuống sân trường, thằng nào đi ngang qua mà không biết thì hai thằng túm chân, hai thằng túm tay ném nó vào thùng rác”. (Nam học sinh lớp 12 A6)
Theo các em học sinh thì những học sinh con nhà giàu, nhiều tiền, có thế lực thì không lo bị bạo lực, bởi lẽ việc dùng tiền để mua bạn bè hoặc thuê những thành phần đầu gấu bảo vệ mình là điều không khó khăn. Còn những học sinh không có tiền, không có thế lực thì cần phải dựa vào nhau, phải chơi thành hội, thành nhóm đông thì sẽ đỡ bị bắt nạt, gây gổ hơn. Có chuyện gì xảy ra thì nhóm bạn có thể bảo vệ cho mình vì mình cũng là thành viên trong nhóm. Các thành viên khác cần có trách nhiệm bảo vệ nhau cho dù có chuyện gì xảy ra. Chơi theo bè, theo hội, học sinh sẽ đỡ bị bắt nạt hoặc gây bạo lực hơn, tuy nhiên, khi tham gia vào nhóm bạn gồm những thành viên xấu, chuyên đi gây gổ với các bạn khác hoặc các nhóm khác thì chính các em đã trở thành kẻ đi gây bạo lực bởi lẽ khi ở trong nhóm thì các em phải hành động theo mong muốn của các thành viên khác trong nhóm. “Những đứa con nhà giàu, có tiền, có thế lực thì không sợ ai đâu chị ạ, vì chúng nó có thể dùng tiền mua được bạn bè, thuê đầu gấu bảo vệ, bảo kê cho mình. Chỉ có ai thấp cổ bé họng thì phải chơi thành nhóm, như vậy sẽ đỡ bị bắt nạt hoặc đỡ bị gây gổ hơn. Chơi thành nhóm thì một thành viên trong nhóm có chuyện, cả nhóm phải bảo vệ thành viên đó”. (Nam học sinh lớp 12 A6)
Có thể nói, sống trong một môi trường học đường như trên, nhiều học sinh sẽ rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”, không tham gia vào nhóm bạn xấu thì không thể bảo vệ được mình. Bởi lẽ khi các quy định, các hình thức kỉ luật của nhà trường đối với vấn đề bạo lực học đường còn lỏng lẻo, chưa nghiêm khắc, chưa công bằng; các học sinh ngoan ngoãn khác thì không dám tố cáo hành vi bạo lực vì sợ liên lụy, sợ bị trả thù thì các em học sinh bị bạo lực còn biết bấu víu vào ai ngòai việc tham gia vào các nhóm bạn xấu? Ảnh hưởng của mối quan hệ bạn bè trong tình huống này có tác động tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của các em học sinh,
biến các em từ người bị bạo lực thành người gây hành vi bạo lực đối với người khác.