0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (194 trang)

Nhận thức về mục đích của hành vi bạo lực

Một phần của tài liệu MỘT SỐ YẾU TỐ TÂM LÝ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG CỦA HỌC SINH THPT (Trang 73 -73 )

8. Phương pháp nghiên cứu

3.3.1.2. Nhận thức về mục đích của hành vi bạo lực

Trong các hành vi nói chung, hành vi bạo lực học đường nói riêng, nếu chúng ta nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về mục đích của hành vi bạo lực thì có thể chúng ta sẽ không thực hiện hành vi bạo lực. Ngược lại, nếu chúng ta nhìn

nhận sai, phiến diện về mục đích của hành vi bạo lực thì chúng ta sẽ không hoặc ít ngần ngại hơn khi thực hiện hành vi này.

Khi đề cập về mục đích của bản thân khi học sinh tiến hành hành vi bạo lực, những em học sinh đã từng gây ra hành vi bạo lực với bạn bè của mình chia sẻ: “Chẳng hạn xúc phạm đến bố mẹ em, chửi bố mẹ em không biết dạy chẳng hạn hay coi thường em, sỉ nhục em thì em sẽ đánh các bạn ấy để các bạn ấy không lặp lại hành động đó nữa.” (Nam học sinh lớp 12 A6); “Về việc đánh nhau thì em vẫn nghĩ là phải đánh để lần sau các bạn ấy chừa, không dám đụng đến bọn em nữa”

(Nam học sinh lớp 12). “Em chỉ nghĩ người như nó thì phải đánh thì lần sau mới chừa thói xúc phạm người khác” (Nữ học sinh lớp 11 D4). Điều này cho thấy, các em học sinh cho rằng việc gây ra hành vi bạo lực là một cách thức để giải quyết mâu thuẫn, xung đột và đó là cách thức có thể giúp các học sinh khác sợ hãi và không lặp lại hành vi đó nữa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, sự trả đũa nhau liên tục tiếp diễn, nghĩa là sau khi bị dằn mặt thì các em học sinh bị bạo lực cũng tìm cách để trả thù chứ không phải là sẽ chừavà không dám lặp lại hành vi cũ. Như vậy, bạo lực đã nối tiếp bạo lực, hành vi của các em không những không chấm dứt bạo lực mà còn khiến cho bạo lực tiếp diễn, đôi khi với mức độ trầm trọng hơn. Vì không nhận thức đúng đắn về điều này, nhiều em đã lựa chọn hành vi bạo lực để giải quyết mâu thuẫn mà không hiểu rằng, hành vi của các em có thể sẽ châm ngòi cho một dây chuyền các hành vi bạo lực đáp trả từ cả hai phía (từ phía các em và đối phương).

Ngoài ra, nhiều bạn đánh nhau để…khẳng định bản thân mình, cho thấy rằng mình không thua kém ai, mình là người chiến thắng hay để bảo vệ danh dự của bản thân mình: “Mình không đánh nghĩa là thua nó, mà thua nó thì lần sau nó còn gây sự với mình nữa” (Nam học sinh lớp 11 A6); “Em không phải là người vừa đâu, không bao giờ lại để thua nó cả” (Nữ học sinh lớp 11 D4); “Bạn ấy nói em sống không tốt với bạn bè, không đánh bạn thì em sợ mọi người sẽ hiểu nhầm em, nghĩ em đúng là người như vậy” (Nam học sinh lớp 12 A6). “ Em thì thích thể hiện, nói

chung là đánh nhau là chuyện bình thường rồi. Nhiều khi muốn nổi bật lên thì đánh nhau” (Nam học sinh lớp 12 A6)

Có em cho rằng việc đánh nhau là việc bình thường, là cách để những học sinh có thể thể hiện được bản thân mình:

Thì bây giờ chả nhẽ trường cấp ba thì nói chung đánh nhau là chuyện bình thường, lên cấp ba ông nào chả muốn thể hiện. Giờ em hỏi chị, lớp 12, em xuống lớp 10 em soi gái chẳng hạn, nó mà cứ soi lại là đánh luôn” (Nam học sinh lớp 12 A6) ; “Nói chung là ai cũng muốn thể hiện mình là kẻ mạnh nên ai cũng không vừa”. (Nam học sinh lớp 12 A6)

Một số giáo viên chủ nhiệm cũng cho rằng nhiều em học sinh cho rằng các em học sinh nghĩ bạo lực là một cách thể hiện bản thân mình với các bạn, cho rằng bản thân là anh hùng khi làm vậy hay cho thấy bản thân mình là người mạnh mẽ: “Các em gây bạo lực ra để giải quyết xung đột, cách đó không tốt nhưng nhiều bạn bè cứ a dua, khích bác, tỏ ý ủng hộ khiến các em lại càng hăng và nghĩ rằng mình đang làm đúng, kiểu anh hùng” (Giáo viên chủ nhiệm lớp 11) ; “Cái tuổi của các em bây giờ cũng bốc đồng lắm, cứ nghĩ là đánh thì mới là anh hùng, là thể hiện mình thắng kẻ khác chứ không nghĩ nhiều đến các các thể hiện bản thân khác, chẳng hạn thông qua học tập hay các hoạt động văn thể mỹ khác” (Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 A6)

Không những từ phía chủ thể gây ra hành vi bạo lực, một số em học sinh ngoài cuộc cũng có những cái nhìn, thái độ, lời nói có xu hướng ủng hộ quan điểm cho rằng những bạn gây ra hành vi bạo lực là những kẻ mạnh, anh hùng: “ Bạn ấy đánh nhau suốt nhưng mà nhiều bạn gái thích lắm, vì nghĩ là bạn ấy dũng cảm, anh hùng, mạnh mẽ, nam tính ” (Nữ học sinh lớp 11 D2) . Hoặc có bạn cho rằng bị bạo lực mà không đánh lại hoặc chỉ đi mách với người lớn thì là người nhút nhát, yếu đuối “ Không đánh lại thì có vẻ yếu đuối kiểu gì ấy, với cả ai lại đi mách phụ huynh, đàn ông ai lại thế” (Nam học sinh lớp 12 A6).

Những nhận thức sai lầm, không phù hợp về ý nghĩa, vai trò của hành vi bạo lực cũng là một trong số những lí do khiến cho các em gây ra các hành vi bạo lực về mặt thể chất, tinh thần với bạn bè của mình. Một khi hành vi bạo lực vẫn được các em coi là một con đường, một cách thức để thể hiện, khẳng định vị trí của bản thân mình trong mắt bạn bè thì thật khó để các em không thực hiện hành vi bạo lực với các bạn hoặc có được thái độ, hành vi lên án, tố cáo khi phát hiện ra hành vi bạo lực trong môi trường học đường.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ YẾU TỐ TÂM LÝ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG CỦA HỌC SINH THPT (Trang 73 -73 )

×