Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC)

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động giám sát từ xa tại Chi nhánh bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khu vực Hà Nội (Trang 25)

FDIC được thành lập vào ngày 01/01/1934, đây là tổ chức BHTG đầu tiên trên thế giới. Đến nay, FDIC đang bảo hiểm cho khoảng 8390 ngân hàng và tổ chức nhận tiền gửi phi ngân hàng [19]. Một trong những yếu tố quyết định sự thành công và phát triển của FDIC là họ đã rất quan tâm chú ý đến hoạt động kiểm tra, giám sát. Ngay từ khi thành lập, tổ chức này đã cử 4.000 kiểm tra viên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các ngân hàng. So với số lượng thanh tra viên của hệ thống ngân hàng Nhật Bản năm 1995 là 400 người của Mỹ là 8000 người sẽ thấy rằng FDIC đã rất chú trọng đầu tư tới hoạt động kiểm tra, giám sát ngay khi mới triển khai hoạt động [8].

Nội dung kiểm tra, giám sát của FDIC bao gồm: Kiểm tra, giám sát việc đảm bảo là thành viên tham gia BHTG và bổ sung vốn nhằm đảm bảo quy định về vốn trong hoạt động ngân hàng; kiểm tra, giám sát khả năng đảm bảo hoạt động lành mạnh, an toàn của tổ chức tham gia BHTG với các nội dung cụ thể:

Thẩm định tài sản có nhằm xác định giá trị ròng của ngân hàng; Xác định chất lượng tài sản hiện có;

Phát hiện các hoạt động phát sinh có thể dẫn đến khó khăn tài chính; Thẩm định điều hành ngân hàng;

Phát hiện các hoạt động không bình thường và có dấu hiệu vi phạm pháp luật [8].

FDIC đã phát triển và áp dụng 8 hệ thống để giám sát các tổ chức tham gia BHTG giữa các kỳ kiểm tra, tuy nhiên có 3 mô hình được FDIC sử dụng và đánh giá là hiệu quả trong hoạt động giám sát từ xa đó là: Mô hình xếp loại từ

xa CAMELS bằng phương pháp thống kê SCOR, Hệ thống giám sát tăng trưởng (GMS), REST.

SCOR là công cụ giám sát từ xa được FDIC triển khai thay thế cho hệ thống giám sát từ xa CAMEL nhằm tăng cường hiệu quả và hiệu suất của giám sát rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG. SCOR sử dụng các báo cáo tài chính quý (bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, các phân tích chi tiết bảng cân đối kế toán) để xác định tổ chức nào có thể bị hạ bậc trong xếp loại CAMELS ở kỳ kiểm tra tiếp theo. SCOR tính và đưa ra khả năng xuống bậc của một tổ chức cả về kết quả tổng hợp và từng thành phần theo 12 biến số như: vốn chủ sở hữu, dự trữ tổn thất khoản vay, nợ quá hạn, các khoản vay, nợ khó đòi…

Hệ thống giám sát tăng trưởng (GMS) là phương pháp sử dụng để xác định những tổ chức có tốc độ tăng trưởng nhanh và có cơ cấu nguồn phụ thuộc nhiều vào nguồn không cơ bản. Tiền đề của GMS là sự tăng trưởng nhanh của Tổng tài sản có biểu hiện những rủi ro mà các cơ quan kiểm tra ngân hàng cần nhận biết. Rủi ro có liên quan đến tăng trưởng có thể xuất phát từ cho vay và việc quản lý ngân hàng. Tuy nhiên, GMS cũng phân biệt giữa tăng trưởng của nội bộ ngân hàng và các yếu tố bên ngoài để nhấn mạnh rằng tăng trưởng nhanh do yếu tố bên ngoài mang tính rủi ro cao hơn.

GMS sử dụng để tính toán các kết quả quý với việc sử dụng các dữ liệu báo cáo tài chính định kỳ và dựa trên mức phân loại và xu hướng quý của 6 thước đo, phản ánh bởi 4 hệ số và 5 tỷ lệ tăng trưởng được coi như những biến số độc lập. Hệ số tăng trưởng thường được đo lường hàng quý, tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng lại được đo lường theo năm để loại trừ tính mùa vụ của dữ liệu.

REST là chỉ tiêu đánh giá mức độ cho vay bất động sản của một ngân hàng bằng cách sử dụng dữ liệu từ báo cáo tài chính định kỳ để dự báo tình

trạng của một tổ chức trong vòng 3 đến 5 năm tiếp theo và tính điểm phân hạng camels từ mức 1 đến mức 5. Mức phân loại 1 của REST áp dụng cho tổ chức ít bị khả năng khủng hoảng bất động sản nhất và mức 5 áp dụng cho tổ chức dễ bị khủng hoảng nhất [7].

FDIC còn được giao quyền yêu cầu bất kỳ tổ chức nào là thành viên tham gia BHTG phải báo cáo về các giải pháp phòng chống tình trạng có rủi ro đối với hoạt động của mình: cướp ngân hàng, thiên tai… Nếu FDIC phát hiện tổ chức nào có các hoạt động làm ảnh hưởng tới an toàn hoạt động, FDIC sẽ thông báo tình hình đó với đơn vị thực hiện chức năng thanh tra và FDIC cũng có thể chấm dứt hợp đồng BHTG đối với tổ chức đó nếu hoạt động sai phạm không được điều chỉnh kịp thời [2].

Ngoài ra, FDIC yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm cung cấp thông tin phục vụ cho công tác giám sát. Đồng thời FDIC cũng sử dụng kết quả giám sát của cơ quan giám sát ngân hàng để có thêm cơ sở đánh giá thực trạng của các tổ chức tham gia BHTG.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động giám sát từ xa tại Chi nhánh bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khu vực Hà Nội (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w