Thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ VĨ MÔ ĐẾN CƠ CẤU VỐN DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM (Trang 42)

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước như trên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ảnh khá xác thực tình hình kinh tế vĩ mô, đà tăng trưởng kinh tế cũng như các tác động của chính sách vĩ mô.

Thị trường chứng khoán ở Việt Nam bắt đầu nổi lên như vũ bão vào giai đoạn năm 2005 – 2006 và vẫn tiếp tục phát triển vào mấy năm sau đó. Trong năm 2009, TTCK Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm và hoãn thuế thu nhập. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2009 một mặt góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhưng cũng góp phần giúp TTCK tăng mạnh trở lại. Ngoài ra, lạm phát giảm bớt trong năm này cũng tạo thêm lòng tin về ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2010 do áp lực lạm phát và lãi suất tăng cao, nhập siêu cao, trong đó tăng trưởng tín dụng, cung tiền giảm so với năm 2009 nên chỉ số VNIndex đã giảm 2,04%. Mặc dù vậy, TTCK Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực trên các mặt quan trọng: giá trị vốn hoá đạt 39% GDP, tăng 17,1% so với năm 2009; huy động vốn thực tế đạt 98,7 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2009; giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.480 tỷ đồng; số lượng tài khoản các nhà đầu tư tăng 38%...

Năm 2011 có lẽ là năm TTCK rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay. TTCK liên tục suy giảm và chạm đáy. Hàng loạt cổ phiếu bluechip mất giá nghiêm trọng, không còn khả năng kéo thị trường đi lên. Thị trường đi xuống thảm hại dẫn đến việc thanh khoản bị sụt giảm, thị giá nhiều cổ phiếu xuống rất thấp. Không ít cổ phiếu đã mất tới 80 – 90% giá trị so với thời điểm đầu năm 2011. Chính vì sự sụt giảm nghiêm trọng này, hoạt động mua bán sát nhập diễn ra khá sôi động trên TTCK thời điểm này như: Tập đoàn Xuân Thành mua lại chứng khoán Vincom, Masan Consumer mua cổ phần chi phối Vinacafe Biên Hoà,...Một điều đáng chú ý là dù thị trường không thuận lợi, nhưng một số tổng công ty nhà nước đã thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đó là Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty xăng dầu, Tổng công ty miền trung và hai ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng Quân đội (MB). Bên cạnh đó thì do giá chứng khoán và khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh nên nhiều công ty chứng khoán thua lỗ; hoạt động tự doanh và hoạt động môi giới cũng không hiệu quả do thu không đủ bù chi; hoạt động tư vấn đầu tư, phát hành, niêm yết, bảo lãnh cũng bị thu hẹp.

Biểu đồ 2.7: Diễn biến của chỉ số VN-Index qua các năm

Đơn vị: Điểm

Nguồn: Số liệu Tổng cục thống kê

Trong năm 2012, nếu như vào khoảng đầu năm TTCK tăng với khối lượng nhỏ giọt thì đến giai đoạn từ tháng 3 cho đến tháng 5, đà tăng được củng cố bằng hàng loạt các thông tin vĩ mô tích cực. CPI được kiểm soát tốt về mức một con số so với đỉnh 23% của tháng 8/2011; các mức lãi suất điều hành liên tiếp được điều chỉnh giảm trong 2 quý đầu năm,...Tuy nhiên về nửa cuối năm 2012, khi thông tin tốt đã được phản ánh vào giá, thị trường quay trở lại trạng thái giảm điểm cùng với thanh khoản suy giảm mạnh. Càng về cuối năm, câu chuyện về nợ xấu càng được nhắc đến nhiều, khó khăn của nền kinh tế càng ngày càng lộ diện khi doanh nghiệp phá sản hàng loạt, sản xuất kinh doanh trì trệ, thị trường bất động sản đóng băng.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ VĨ MÔ ĐẾN CƠ CẤU VỐN DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(88 trang)
w