Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tăng 5,03% so với năm 2011. Con số này thấp hơn so với mức dự náo được đưa ra trước đó là 5,2 – 5,5% và càng thấp hơn mục tiêu đặt ra cho năm 2012 là 6,4%. Nếu xét trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, với mục tiêu trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì việc tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt hơn 5% là điều hợp lý.
Sự chững lại của tốc độ tăng trưởng có thể do các nguyên nhân sau: (1) ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do Việt Nam đã có độ mở kinh tế nhất định nên không thể nằm ngoài những ảnh hưởng chung của thế giới; (2) vốn và số lượng lao động chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của tái cơ cấu nền kinh tế; (3) tính bất ổn định của nền kinh tế thế giới và bản thân Việt Nam cũng rất nhạy cảm với các biến động vĩ mô; (4) tình hình tồn kho nhiều, sức tiêu thụ chậm, đặc biệt là tồn kho trong lĩnh vực bất động sản đang là trở ngại lớn của nền kinh tế.
Biểu đồ 2.1.: Tốc độ tăng trưởng GDP qua các năm
Đơn vị: %
Nguồn: Tổng cục thống kê
Tuy nhiên, nằm trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, tăng trưởng GDP bình quân (đã điều chỉnh) phải đạt từ 6,5 – 7% thì việc tăng chậm lại của năm 2012 sẽ gây khó khăn cho những năm tiếp theo. Cụ thể, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được kế hoạch thì hai năm 2014 và 2015 tăng trưởng GDP phải đạt từ 8 – 9%. Có thể nói cho tới thời điểm hiện tại việc đạt được mục tiêu trên là rất khó khăn.
Năm 2012, tốc độ tăng trưởng theo từng khu vực đều có sự giảm sút so với năm 2011. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm mạnh nhất với tốc độ hơn 32%, từ 4,01% năm 2011 xuống còn 2,72% năm 2012, chỉ đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung 5,03%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm và cuối cùng là khu vực dịch vụ tăng 6,42%, đóng góp 2,7 điểm phần trăm.
Biểu đồ 2.2: Tăng trưởng kinh tế theo khu vực
Đơn vị: %
Nguồn: Số liệu Tổng cục thống kê 2.1.1.2 Lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt
Bình ổn lạm phát luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của chính sách kinh tế vĩ mô. Trong những năm qua, chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến động kinh tế thế giới cũng như điều chỉnh trong chính sách vĩ mô, lạm phát của Việt Nam biến động khá phức tạp. Nếu như năm 2011, lạm phát của cả nước ở mức 18,68% thì đến năm 2012, mức lạm phát đã ở mức 6,81%, tức là mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định chỉ số CPI đã được thực hiện thành công. Tuy nhiên đến cuối năm 2012, việc tăng giá điện thêm 5% cùng với đầu năm 2013, việc giá xăng bị điều chỉnh tăng liên tục sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chi phí đầu vào của ngành sản xuất và từ đó, tác động không nhỏ tới chỉ số CPI trong những tháng đầu năm 2013. Ngoài ra việc nới lỏng cung tiền cũng làm cho giá tiêu dùng chịu tác động và có xu hướng đi lên. Áp lực lạm phát gia tăng trở lại vào năm 2013 hoàn toàn có thể nếu như không cân nhắc và xem xét những vấn đề trên một cách kỹ lưỡng.
2.1.1.3 Tiền tệ và ngân hàng
Theo số liệu của NHNN, trong năm 2012, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 7%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1992, mức tăng trưởng tín dụng ở một chữ số. So với mức trung bình của 10 năm trở lại đây (28%) thì mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 là thấp nhất. Điều này được giải thích do hai nguyên nhân chính: Một là, nền kinh tế đang ở trong giai đoạn khó khăn, tổng cầu suy giảm dẫn đến doanh nghiệp không bán được hàng, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh và ưu tiên cho mục tiêu giải phóng hàng tồn kho. Hai là, trong một năm có quá nhiều biến động đối với gành ngân hàng, nợ xấu có xu hướng tăng cao và nhanh, các ngân hàng thương mại có xu hướng thắt chặt tín dụng, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền để hạn chế rủi ro. Ba là, tín dụng tăng chậm còn bắt nguồn từ khó khăn nội tại của nền kinh tế do nhiều doanh nghiệp hoạt động đình trệ, thu hẹp quy mô hoặc rơi vào tình trạng phá sản. Tính đến cuối tháng 9/2011, có gần 49.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, đóng cửa; tăng 11.000 doanh nghiệp so với năm 2010. Do đó, tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng trưởng được trong thời gian này do cầu giảm sút.
Biểu đồ 2.3: Tốc độ tăng trưởng tín dụng qua các năm
Đơn vị: %
Nguồn: Số liệu thống kê NHNN
Trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp thì ngược lại, tốc độ huy động vốn vẫn cao. Trong tháng 11 đầu năm 2012, vốn huy động tăng 15,98% so với cuối
năm 2011 và cả năm 2012 là 17%. Thực trạng này cho thấy dòng tiền vẫn đang tồn đọng trong hệ thống ngân hàng mà không được đẩy ra nền kinh tế.
b. Nợ xấu có xu hướng tăng cao và nhanh
Từ mấy năm gần đây, nợ xấu đã trở thành vấn đề nhức nhối không chỉ của ngành ngân hàng mà cả nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng quá nóng và sự quản lý yếu kém trong hệ thống ngân hàng đã trực tiếp dẫn đến tình trạng này.
Nếu như từ giai đoạn 2007 – 2009 tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 2 – 3,5% thì đến năm 2010 – 2011 con số này tăng dần và đến năm 2012 thì ở mức 8,5% (biểu đồ). Tính đến nay, trong tổng dư nợ thì dư nợ ngành bất động sản chiếm hơn một nửa. Nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản và bất động sản hình thành trong tương lai chiếm đến hơn 70% tổng nợ xấu. Hiện nay thị trường bất động sản lại đang ở trạng thái đóng băng nên vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng càng trở nên trầm trọng.
Biểu đồ 2.4: Tỷ lệ nợ xấu qua các năm
Đơn vị: %
c. Lãi suất
So với các nước trong khu vực thì trần lãi suất của Việt Nam thời gian qua vẫn đang ở mức cao và gây nhiều khó khăn cho hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp.
Biểu đồ 2.5.: Lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam qua các năm
Đơn vị: %
Nguồn: World Bank Indicators
Từ biểu đồ lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam qua các năm có thể thấy tình hình lãi suất tăng cao vào thời điểm cuối năm 2010 và tiếp tục tăng trong năm 2011 khiến lãi suất cho vay trong năm 2011 luôn duy trì ở trên mức 17%, thậm chí trong năm có lúc cao điểm lên tới 23 – 24%. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân chính: (1) Lạm phát tăng cao khiến các ngân hàng phải đẩy lãi suất huy động lên cao nhằm thu hút tiền gửi từ dân chúng. (2) Kèm theo đó là chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khiến nhiều ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản và phải huy động bằng mọi giá bằng cách đẩy lãi suất huy động lên cao hơn nữa. Hệ quả là không nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn giá cao này do e ngại khả năng trả nợ của mình.
Biểu đồ 2.6: Khả năng chịu đựng mức lãi suất của doanh nghiệp
Đơn vị: %
Nguồn: Báo cáo thường niên doanh nghiệp 2011 của phòng Thương Mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Hình trên cho thấy có 76% số doanh nghiệp hiện phải vay ở mức lãi suất 18- 19% trở lên. Chỉ có 9% số doanh nghiệp cho rằng mức lãi vay này là hợp lý ở thời điểm hiện tại. Nếu buộc phải chấp nhận mức lãi vay này thì chỉ có 49% số doanh nghiệp thấy có thể chịu được. Nghĩa là, 51% số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi vay này trong lâu dài. Kết quả khảo sát này cho thấy, lãi suất vay 18 – 19% đã là quá cao. Với mức lãi suất này, doanh nghiệp sẽ không thấy hợp lý nếu mạnh dạn đầu tư chiều sâu cho phát triển lâu dài. Do vậy, mức lãi này dễ thúc đẩy doanh nghiệp chọn hướng đầu tư cho các thương vụ ngắn hạn hoặc đầu cơ vào dự án có mức độ rủi ro cao nhưng có lãi suất cao.
2.1.1.4 Thị trường chứng khoán
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước như trên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ảnh khá xác thực tình hình kinh tế vĩ mô, đà tăng trưởng kinh tế cũng như các tác động của chính sách vĩ mô.
Thị trường chứng khoán ở Việt Nam bắt đầu nổi lên như vũ bão vào giai đoạn năm 2005 – 2006 và vẫn tiếp tục phát triển vào mấy năm sau đó. Trong năm 2009, TTCK Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm và hoãn thuế thu nhập. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2009 một mặt góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhưng cũng góp phần giúp TTCK tăng mạnh trở lại. Ngoài ra, lạm phát giảm bớt trong năm này cũng tạo thêm lòng tin về ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2010 do áp lực lạm phát và lãi suất tăng cao, nhập siêu cao, trong đó tăng trưởng tín dụng, cung tiền giảm so với năm 2009 nên chỉ số VNIndex đã giảm 2,04%. Mặc dù vậy, TTCK Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực trên các mặt quan trọng: giá trị vốn hoá đạt 39% GDP, tăng 17,1% so với năm 2009; huy động vốn thực tế đạt 98,7 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2009; giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.480 tỷ đồng; số lượng tài khoản các nhà đầu tư tăng 38%...
Năm 2011 có lẽ là năm TTCK rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay. TTCK liên tục suy giảm và chạm đáy. Hàng loạt cổ phiếu bluechip mất giá nghiêm trọng, không còn khả năng kéo thị trường đi lên. Thị trường đi xuống thảm hại dẫn đến việc thanh khoản bị sụt giảm, thị giá nhiều cổ phiếu xuống rất thấp. Không ít cổ phiếu đã mất tới 80 – 90% giá trị so với thời điểm đầu năm 2011. Chính vì sự sụt giảm nghiêm trọng này, hoạt động mua bán sát nhập diễn ra khá sôi động trên TTCK thời điểm này như: Tập đoàn Xuân Thành mua lại chứng khoán Vincom, Masan Consumer mua cổ phần chi phối Vinacafe Biên Hoà,...Một điều đáng chú ý là dù thị trường không thuận lợi, nhưng một số tổng công ty nhà nước đã thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đó là Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty xăng dầu, Tổng công ty miền trung và hai ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng Quân đội (MB). Bên cạnh đó thì do giá chứng khoán và khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh nên nhiều công ty chứng khoán thua lỗ; hoạt động tự doanh và hoạt động môi giới cũng không hiệu quả do thu không đủ bù chi; hoạt động tư vấn đầu tư, phát hành, niêm yết, bảo lãnh cũng bị thu hẹp.
Biểu đồ 2.7: Diễn biến của chỉ số VN-Index qua các năm
Đơn vị: Điểm
Nguồn: Số liệu Tổng cục thống kê
Trong năm 2012, nếu như vào khoảng đầu năm TTCK tăng với khối lượng nhỏ giọt thì đến giai đoạn từ tháng 3 cho đến tháng 5, đà tăng được củng cố bằng hàng loạt các thông tin vĩ mô tích cực. CPI được kiểm soát tốt về mức một con số so với đỉnh 23% của tháng 8/2011; các mức lãi suất điều hành liên tiếp được điều chỉnh giảm trong 2 quý đầu năm,...Tuy nhiên về nửa cuối năm 2012, khi thông tin tốt đã được phản ánh vào giá, thị trường quay trở lại trạng thái giảm điểm cùng với thanh khoản suy giảm mạnh. Càng về cuối năm, câu chuyện về nợ xấu càng được nhắc đến nhiều, khó khăn của nền kinh tế càng ngày càng lộ diện khi doanh nghiệp phá sản hàng loạt, sản xuất kinh doanh trì trệ, thị trường bất động sản đóng băng.
2.1.2 Thực trạng cơ cấu vốn của doanh nghiệp Việt Nam
2.1.2.1 Phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng vốn nợ
Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đi vay để tạo nguồn vốn kinh doanh. Có rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính để có thể trang trải cho các hoạt động của mình. Một trong những hậu quả của việc vay nợ quá nhiều là doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận nhưng hầu hết số lợi nhuận đó đều được dùng để trả lãi ngân hàng. Ví dụ, công ty Sông Đà Thăng Long, theo tính toán của công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus, vào năm 2010, trong 10 đồng lợi nhuận trước lãi vay (EBIT) của doanh
nghiệp này, có đến hơn 5 đồng được dùng để trả lãi ngân hàng với cơ cấu vốn vay/vốn chủ sở hữu hiện lên đến 13 lần.
Việc vay vốn quá dễ dãi, cộng với một thực tế tại Việt Nam là chưa có hệ thống phá sản khi doanh nghiệp quá hạn trả gốc hay lãi vay, đã dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp tìm cách vay vốn bằng mọi giá trong đó có cả đảo nợ (tức là việc vay mới để trả khoản vay cũ từ chính ngân hàng hiện tại hoặc từ ngân hàng khác nhằm tránh nợ quá hạn), làm cho lãi suất đi vay cao lên. Thêm vào đó, số lượng ngân hàng ở Việt Nam hiện quá nhiều và sự cạnh tranh khốc liệt trong huy động vốn đặc biệt là giữa các ngân hàng nhỏ đã đẩy lãi suất huy động và cho vay lên quá cao.
Nghiên cứu của StoxPlus chỉ ra rằng chỉ số lợi nhuận trên vốn đầu từ (Return On Invested Capital) của gần 800 doanh nghiệp trong vòng 3 năm 2008 – 2010 chỉ ở mức 14,5%. Vốn đầu tư ở đây bao gồm vốn chủ sở hữu (hay của cổ đông) và vốn vay (chủ yếu là đi vay từ các ngân hàng). Con số này cho thấy về lâu dài, nếu mặt bằng lãi suất vẫn cao trên 14%, cổ đông và nhà đầu tư chỉ nên gửi tiền vào ngân hàng để thu về mức lợi nhuận cao hơn với rủi ro thấp hơn. Bởi nếu tính cả lạm phát, sự mất giá đồng VND,... lợi nhuận thực tế cho cổ đông sẽ rất thấp.
Biểu đồ 2.8: Tỷ số Nợ trên Vốn chủ sở hữu của một số ngành kinh tế
Nguồn: Báo cáo thường niên doanh nghiệp 2011 của phòng Thương Mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Việc vay nợ của các doanh nghiệp có thể được phản ánh qua tỷ số Nợ trên Vốn chủ sở hữu. Tỷ số này được coi là mức hợp lý nếu gần bằng 1. Biểu đồ trên cho thấy chỉ có ngành Du lịch có chỉ số nợ thoả mãn giá trị kỳ vọng chuẩn, đạt giá trị 0,9 lần trong năm 2010. Các ngành sản xuất đều có chỉ số nợ từ 2,1 – 2,3 lần. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp sản xuất hoạt động dựa nhiều hơn vào các khoản đi vay (vay tín dụng, nợ nhà cung cấp,...) so với các doanh nghiệp dịch vụ.
2.1.2.2 Nguồn tài trợ vốn chủ yếu cho doanh nghiệp là ngân hàng
Theo số liệu thống kê có 58% doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng thương mại nhà nước, gần 30% vay vốn từ ngân hàng thương mại cổ phần, 5,5% vay vốn từ các ngân hàng FDI và 39% vay từ bạn bè, người thân6. Điều này có thể được giải thích như sau:
Một là, hệ thống ngân hàng của Việt Nam khá phát triển trong những năm gần đây. Tính đến thời điểm đầu năm 2013, cả nước có gần 41 ngân hàng bao gồm cả ngân hàng nhà thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần. Bên cạnh đó hiện nay có 14 ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam. Với số