Chăm lo tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ

Một phần của tài liệu Một số nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ. Ý nghĩa của chúng trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp huyện ở Văn Lâm - Hưng Yên hiện nay (Trang 79)

- Công tác an ninh quốc phòng

2- Chăm lo tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ

+ Chúng ta đã khẳng định rằng, chất lượng cán bộ là sản phẩm của phong trào cách mạng quần chúng và sản phẩm của quá trình thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, cũng là sự tự rèn luyện, học tập, tu dưỡng của bản thân người cán bộ. Huyện Văn Lâm phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong những năm tới đây. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Huyện luôn phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện cần tổ chức và tạo điều kiện cho các cán bộ có điều kiện về vật chất, đảm bảo ổn định cuộc sống để đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết chính trị; cán bộ chủ chốt đi tham quan, trao đổi trong và ngoài nước để mở rộng tầm nhìn và bổ sung những kiến thức mới, tìm nguồn liên kết và hợp tác làm ăn với các địa phương khác.

Công tác đào tạo phải gắn với quy hoạch và địa chỉ sử dụng cụ thể tránh lãng phí, đào tạo, sử dụng gắn với chế độ lương. Có như vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới đạt được hiệu quả, cán bộ mới có động lực trong học tập, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Như Hồ Chí Minh đã khẳng định: Năng lực của cán bộ không phải từ trên trời rơi xuống, không phải Chúa ban cho. Tài năng bẩm sinh chỉ là phần nhỏ, còn phần lớn là do quá trình học tập và bồi dưỡng mà nên. Do đó, trước hết cần làm cho cán bộ thấy được sự cần thiết phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt. Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay khi mà khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, trình độ dân trí của nhân dân ngày một cao, âm mưu chống phá của kẻ thù ngày một nham hiểm. Nếu như cán bộ không chịu khó học tập thì sẽ bị tụt hậu, dễ dẫn tới thoái hoá, biến chất và như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu của công việc trong thời kỳ mới.

Mỗi cán bộ phải quán triệt được phương pháp học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh: học ở trường, ở lớp, học trong cuộc sống, học ở thầy, ở bạn, học ở nhân dân. Người thường nhắc nhở cán bộ: nhân dân là người thầy vĩ đại của chúng ta. Nhiều việc ta nghĩ mãi không ra, nhưng xuống dân, dân lại cho ta câu trả lời nhanh chóng và chính xác.

Phải đào tạo ra một đội ngũ cán bộ có trình độ lý luận chính trị, có hiểu biết chuyên môn, có kiến thức tâm lý và các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nắm được pháp luật, đủ sức lý giải, tuyên truyền nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; biết vận dụng lý luận để giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống đặt ra, biết tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, có khả năng bảo vệ quan điểm của Đảng, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch.

+ Vấn đề sắp xếp, bố trí cán bộ phải căn cứ vào năng lực và trình độ của cán bộ. Cần bố trí cán bộ đúng công việc, hợp sở trường, đúng chuyên môn nghiệp vụ, từ đó sẽ phát huy tốt khả năng của họ. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định "dụng nhân như dụng mộc". Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, trên cơ sở đó mà đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Qua phân tích đánh giá cán bộ hàng năm mà lựa chọn, sàng lọc, bố trí lại cho phù hợp với năng lực sở trường của mỗi cán bộ. Có như vậy cán bộ mới phát huy được năng lực của mình.

Cần phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo mỗi chức danh, phải căn cứ vào tiêu chuẩn để sắp xếp bố trí cán bộ. Đây là điều kiện có tính quyết định để người cán bộ phát huy khả năng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Mỗi người cán bộ có mặt mạnh, mặt yếu, có sự khác nhau về trình độ, năng lực, phẩm chất, phong cách và sở trường. Vì vậy, khi bố trí cán bộ cần phải căn cứ vào các yêu cầu của từng loại hình công việc. Có như vậy mới phát huy được mặt mạnh, hạn chế được mặt yếu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phải đảm bảo tính kế thừa liên tục, có cán bộ trẻ, có cán bộ trung tuổi trong đội ngũ cán bộ. Để đảm bảo tính ổn định, kế thừa và phát triển, tránh hụt hẫng, bỡ ngỡ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo khi có nhu cầu thay đổi, cần phải có sự chủ động và kết hợp trong việc bố trí cán bộ lớn tuổi và cán bộ trẻ cho hợp lý, tạo thành "ê kíp" lành mạnh, bổ sung đội ngũ kế cận vững chắc trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực hiện chuyển giao nhiệm vụ giữa các thế hệ đúng lúc, đúng người, đảm bảo vững chắc cho sự phát triển chung của địa phương tiếp tục tiến lên không ngừng.

Phải đảm bảo nguyên tắc có lên có xuống, có ra có vào, không vì mang nặng tư tưởng "chính sách cán bộ" một chiều để làm cho bộ máy phát triển không lành mạnh, tạo điều kiện cho nhân tố mới và nhân tài có cơ hội phát triển, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Trong quá trình thực hiện công tác cán bộ không tránh khỏi nhiều trường hợp khi bố trí cán bộ rồi thì mới bộc lộ sự hạn chế, hoặc ở vị trí này thì phát huy tốt nhưng sang vị trí khác lại hạn chế, cá biệt, có trường hợp thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, do đó không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, thực hiện nguyên tắc này là đảm bảo cho cán bộ luôn luôn được bổ sung và tự bản thân người cán bộ cũng phải phấn đấu liên tục không mệt mỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.

+ Quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ.

Ban Tổ chức Huyện uỷ và phòng Tổ chức - Lao động xã hội UBND Huyện tham mưu giúp cho cấp uỷ nắm chắc đội ngũ cán bộ, cả những cán bộ hoàn thành nhiệm vụ và những cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ thiếu sót, khuyết điểm, cán bộ thoái hoá biến chất về đạo đức, nắm chắc từng cán bộ một cách toàn diện về đức và tài, sức khoẻ, sở trường trên cơ sở đó mà có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, đề bạt xử lý đúng mức.

Cần thông qua hoạt động thực tiễn, qua phong trào quần chúng mà lựa chọn cán bộ. Chính trong hoạt động thực tiễn mà tài năng, phẩm chất đạo đức của cán bộ được bộc lộ. Qua thực tiễn mới lựa chọn được những cán bộ dám đưa ra quyết định của mình, biết tìm mọi cách thực hiện cho được quyết định đó vì lợi ích của nhân dân và cũng từ đó mà loại được những cán bộ "bảo thì đứng, họ thì đi; thấy xôi khen xôi ngọt, thấy thịt khen thịt bùi". Qua phong trào quần chúng, để cho quần chúng lựa chọn những cán bộ mà họ tín nhiệm và khi đó thì cán bộ nói dân mới nghe và tin. Khi dân đã nghe và tin theo cán bộ thì cán bộ mới có khả năng tập hợp quần chúng, huy động quần chúng, tập trung sức mạnh của quần chúng để giải quyết những nhiệm vụ khó khăn của đất nước, của địa phương. Đây chính là một biện pháp quan trọng để khắc phục căn bệnh xa dân của một số cán bộ ta hiện nay.

Văn Lâm đang trong quá trình đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để nhanh chóng xây dựng Văn Lâm thành một huyện công - nông nghiệp. Huyện đang thiếu một

đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, có hiểu biết về ngoại thương, về ngoại giao để mở rộng khả năng hợp tác, liên kết của Huyện. Do vậy, một mặt Huyện phải chăm lo hơn nữa và đặt ra yêu cầu cụ thể cho cán bộ đang chức phải tự bồi dưỡng, cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, mặt khác phải mạnh dạn thu nhận những cán bộ có năng lực trong lĩnh vực này bổ sung cho đội ngũ cán bộ mà Huyện đang thiếu hụt.

Các xí nghiệp liên doanh, liên kết, các công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong Huyện ngày càng gia tăng. Việc quản lý kinh tế, quản lý văn hoá, quản lý an ninh, trật tự xã hội ngày càng khó khăn phức tạp. Những tệ nạn xã hội trên địa bàn Huyện có xu hướng phát triển. Do vậy, Huyện phải có kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng kiến thức trong các lĩnh vực này cho đội ngũ cán bộ trong Huyện. Phương thức đào tạo bồi dưỡng rất đa dạng, có thể gửi cán bộ đi học theo các chuyên đề, có thể mời cán bộ các nơi khác đến giảng dạy, hoặc là thông qua trao đổi kinh nghiệm với những cán bộ đã có kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Các xí nghiệp tư nhân, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều trên địa bàn Huyện là một thuận lợi cho Văn Lâm nhanh chóng trở thành một huyện công - nông nghiệp. Song hoạt động của công đoàn trong các doanh nghiệp đó đang là một vấn đề được quan tâm. Do vậy, Huyện phải nhanh chóng đào tạo cho được một đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực tổ chức, có tri thức và có trình độ chuyên môn, có ngoại ngữ, có hiểu biết luật pháp đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công việc trên.

+ Bên cạnh yêu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, đòi hỏi các trường đại học, hệ thống các trường Đảng cũng phải đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, theo hướng phát huy năng lực sáng tạo cho người học, đưa ra các tình huống để người học biết vận dụng lý luận đã học giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Một phần của tài liệu Một số nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ. Ý nghĩa của chúng trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp huyện ở Văn Lâm - Hưng Yên hiện nay (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)