tín dụng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Hải Dương đã áp dụng các biện pháp sau:
- Tuân thủ các qui định, quy trình nghiệp vụ: Việc cấp tín dụng nói chung và việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp XNK nói riêng được thực hiện theo quy trình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp do Hội sở chính ban hành. Chi nhánh cũng tuân thủ các quy định, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và của BIDV trong từng thời kỳ. Chi nhánh đã ban hành các quy định thẩm quyền phán quyết tín dụng nhằm hạn chế và kiểm soát rủi ro tín dụng.
- Thẩm định xét duyệt cấp tín dụng và đánh giá khách hàng: Đây là một trong các khâu quan trọng trong quá trình xét duyệt cấp tín dụng và cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa rủi ro tín dụng xảy ra tại Chi nhánh. Với khâu đầu tiên trong quá trình cho vay này, các cán bộ tín dụng cần xác định một số nội dung cụ thể: Tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của khách hàng, cấu trúc hoạt động, vị thế khách hàng trong ngành nghề đang kinh doanh, tiêu chuẩn đội ngũ quản lý, kiểm tra tính chính xác của báo cáo tài chính, phân tích đánh giá tình hình hoạt động, khả năng tài chính, tính khả thi của phương án vay vốn...
- Đánh giá, xếp loại khách hàng qua hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ: Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ sử dụng phương pháp chấm điểm các nhóm chỉ tiêu tài chính và phi tài chính của từng khách hàng. Trong mỗi nhóm chỉ tiêu tài chính hoặc phi tài chính sẽ bao gồm các chỉ tiêu nhỏ, thang điểm và trọng số của mỗi chỉ tiêu sẽ là khác nhau đối với mỗi loại khách hàng hay ngành kinh tế khác nhau. Hệ thống này sẽ giúp Chi nhánh xác định một cách hợp lý, chính xác mức độ cao nhất lượng tổn thất tín dụng theo từng dòng sản phẩm hoặc lĩnh vực hay ngành kinh tế.
Căn cứ vào các mức xếp hạng, các quy trình tín dụng và chính sách khách hàng sẽ được xây dựng một cách đồng bộ, rõ ràng và cụ thể. Kết quả xếp hạng được sử dụng làm một trong các căn cứ để đưa ra quyết định tín dụng. Việc kiểm soát rủi ro tín dụng sẽ hiệu quả hơn khi kết quả xếp hạng góp phần đo lường được hợp lý mức độ rủi ro của danh mục tín dụng tại Chi nhánh.
- Kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay: điều này nhằm hạn chế khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích hay đầu tư kém hiệu quả.
- Kiểm tra nội bộ: Với phương châm kiểm soát rủi ro tới mức thấp nhất, trong thời gian qua công tác kiểm tra tín dụng tại Chi nhánh luôn được kiện toàn và thực hiện thường xuyên nghiêm túc, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy chế, quy trình nghiệp vụ ở tất cả các khâu, phát hiện kịp thời những sai sót để có biện pháp khắc phục, chỉnh sửa kịp thời.
-Trích lập quỹ dự phòng rủi ro : Chi nhánh luôn trích lập đủ dự phòng rủi ro theo quy định . Hình thức trích lập quỹ là một hình thức tự bảo hiểm cho Chi nhánh, đó là một việc làm thiết thực trong điều kiện hiện nay để đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh nên được Chi nhánh thực hiện tốt.
Bên cạnh các biện pháp trên, Chi nhánh còn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tín dụng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả làm việc của cán bộ và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy.