Giải pháp về đất đai, quy hoạch, môi trường

Một phần của tài liệu Giải pháp thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 (Trang 64)

- Tạo môi trường đất đai tốt nhất

Thực tế thời gian qua, tại các KCN Sóc Trăng đã xảy ra trường hợp nhà đầu tư nản lòng, không thực hiện dự án do khâu giải tỏa đền bù kéo dài thời gian ảnh hưởng đến khâu giao đất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, tức “quỹ đất sạch” chưa được quan tâm tạo lập đúng mức. Vì vậy, thời gian tới cần chú trọng tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư. Để thực hiện điều này cần:

+ Xây dựng chính sách bồi thường thỏa đáng, sát với thị trường để bảo đảm việc thu hồi đất nhanh, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh luôn chậm so kế hoạch, mà nguyên nhân chính là do Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc “Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” ra đời, tỉnh phải điều chỉnh giá cả bồi hoàn theo hướng tăng, gây khiếu kiện. Trên cơ sở thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ đề nghị tỉnh ban hành Quy định thống nhất về phương pháp tính giá bồi hoàn khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, tránh tình trạng điều chỉnh giá nhiều lần như hiện nay.

+ Chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân, nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu tầm quan trọng trong phát triển khu, tuyến công nghiệp là biện pháp đi lên CNH - HĐH, từ đó người dân có ý thức chấp hành tốt chủ trương của tỉnh và hoàn toàn ủng hộ chính sách phát triển của tỉnh.

+ Cần tập trung vốn để thực hiện nhanh, giải quyết dứt điểm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tránh tình trạng kéo dài việc thực hiện đền bù giải tỏa hoặc khi đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng người dân gây áp lực tăng giá bồi hoàn gây khó khăn trong vấn đề cho thuê đất sau này. Để giải quyết được vấn đề kinh phí giải phóng mặt bằng có thể học tập kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh là tiến hành thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất nhằm tạo nguồn kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng, theo phương pháp Trung tâm tiến hành thu hồi đất, chi trả bồi thường, sau đó tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

+ Tiến hành cập nhật, bổ sung quy hoạch sử dụng đất đai cấp xã, huyện đến năm 2020; đồng thời đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với việc sử dụng đất tại các địa bàn dự kiến thành lập các khu công nghiệp tập trung.

- Chú trọng công tác quy hoạch, bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững

Hiệu quả hoạt động của một KCN nghiệp phụ thuộc nhiều vào công tác quy hoạch vị trí, quy mô, thời gian xây dựng, các ngành nghề kêu gọi đầu tư,... có thể thấy hiệu quả hoạt động của các KCN tỉnh Sóc Trăng rất thấp, tỷ lệ đất cho thuê chỉ đạt 67% và trong đó có tới 11 doanh nghiệp chưa khởi động dự án; song song đó, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm, còn nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản ngoài KCN xả nước thải ô nhiễm, một số nhà máy trong KCN cũng chưa đảm bảo môi trường. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển bền vững các KCN của tỉnh, Sóc Trăng cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

+ Quy hoạch bố trí các khu công nghiệp tập trung ở vị trí hợp lý nhằm bảo vệ các khu vực có tính nhạy cảm với môi trường như khu dân cư, khu vực bệnh viện, khu hành chính, khu vực sông rạch thiên nhiên, giữ cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học... dành diện tích đất thích hợp cho việc trồng cây xanh, tạo thành vùng đệm xung quanh các khu công nghiệp.

+ Phân khu chức năng hợp lý trong các khu công nghiệp tập trung theo từng nhóm lĩnh vực, ngành nghề để thuận lợi cho việc xử lý, giảm thiểu thấp nhất ô

nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp gây ra, đáp ứng được tiêu chí khu công nghiệp thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tương ứng với áp lực môi trường công nghiệp như hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung ... Những dự án đầu tư phải hoàn tất các hạng mục công trình xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải… mới được phép hoạt động. Cần có biện pháp phối hợp giữa các KCN trên một địa bàn và các địa phương trong bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm cho nhau.

+ Trên cơ sở 06 khu công nghiệp tập trung, tùy vào ngành nghề sản xuất mà bố trí vào từng khu công nghiệp và tạo điều kiện để xử lý chất thải theo nhóm ngành nghề cụ thể của từng khu công nghiệp. Từng bước thực hiện chương trình di dời các cơ sở công nghiệp nằm đan xen trong khu dân cư vào các KCN tập trung, đi kèm là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, tín dụng cho doanh nghiệp.

+ Theo Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 trên địa bàn huyện Vĩnh Châu sẽ có 02 KCN Vĩnh Châu và Mỹ Thanh. Mặc dù đây là 02 vị trí thuận lợi cho thành lập KCN; tuy nhiên cần cân nhắc thêm một số vị trí ở các huyện khác cũng có điều kiện khá lý tưởng, có tiềm năng thu hút đầu tư nhiều hơn như: các huyện Ngã Năm, Mũ Tú có điều kiện giao thông thuận tiện, có nguồn nguyên liêu dồi dào, sản lượng lúa hàng hoá chiếm hơn 50% sản lượng lúa toàn tỉnh; trong đó, phần lớn là lúa chất lượng cao.

+ Để thực hiện được các giải pháp trên, công việc cần thực hiện ngay là rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; trên cơ sở đó điều chỉnh bổ sung Đề án phát triển các KCN của tỉnh đến năm 2020 sao cho phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam.

Một phần của tài liệu Giải pháp thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 (Trang 64)