Hạ tầng giao thông thuận tiện, đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hoá là nhân tố quan trọng góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất, đó là tiêu chí được nhà đầu tư chú trọng. Sóc Trăng cần đặt mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, cảng biển trước khi thành lập mới KCN. Cụ thể một số nội dung cần quan tâm triển khai như sau:
- Hiện Chính phủ đã có quyết định đầu tư một số công trình, dự án hạ tầng giao thông, cầu cảng cho Sóc Trăng, tỉnh cần xúc tiến thủ tục xin các bộ, ngành bố trí vốn để sớm hoàn thành hạ tầng cầu cảng, đường giao thông phục vụ hoạt động các KCN và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Hiện nay các doanh nghiệp phải vận chuyển hàng đến cảng xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh, chi phí tăng thêm là 10 USD/tấn; đến 2015 Sóc Trăng mới có thể xuất khẩu hàng hoá qua cảng Cái Cui, Thành phố Cần Thơ; do vậy, tỉnh phải nhanh chóng nâng cấp cảng cá Trần Đề để có thể xuất hàng với tàu có trọng tải dưới 5.000 DWT và giai đoạn 2015 - 2020 sẽ tập trung cho xây dựng cảng tổng hợp Đại Ngãi có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 20.000 DWT, cảng nước sâu Trần Đề, cầu Đại Ngãi (theo Quy hoạch phát triển giao thông, cầu, cảng Việt Nam đến năm 2020).
- Tranh thủ các chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong KCN của Chính phủ đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật điện, nước, viễn thông và ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp (tranh thủ các chính sách từ Quyết định 43-QĐ/TTg, ngày 19/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ vốn Ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn).
- Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch hạ tầng giao thông theo quan điểm kết nối hạ tầng bên ngoài đến KCN, hạ tầng trong KCN phải đồng bộ với hạ tầng kỹ thật bên ngoài hàng rào KCN. Đối với KCN Trần Đề, bố trí đủ vốn xây dựng hạ tầng bên trong hoàn chỉnh, nâng cấp cảng cá Trần Đề giai đoạn 2 để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng chợ đầu mối hải sản, tạo nguồn cung cấp nguyên liệu hải sản dồi dào; xúc tiến nhanh công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu hoàn thành sớm tuyến đường 24 km nối KCN Trần Đề với Thành phố Sóc Trăng (nhằm rút ngắn khoảng cách vận chuyển từ 40 km xuống còn 24 km) tạo lợi thế thu hút đầu tư vào KCN Trần Đề.
- Mời gọi, giao vai trò chủ đầu tư xây dựng các KCN cho các tổ chức, cá nhân có khả năng tài chính mạnh, nhằm giảm gánh nặng vốn ngân sách địa phương, đảm bảo triển khai sớm các KCN theo quy hoạch (học hỏi kinh nghiệm từ một số địa phương đã thực hiện rất có hiệu quả như: Vĩnh Long, Bình Dương,…).
- Khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng như: điện, nước, viễn thông, ngân hàng, giao thông và các Hiệp hội chuyên ngành, như: điện tử, cơ khí, nhựa - cao su, hóa chất… tham gia góp vốn đầu tư vào các công ty phát triển hạ tầng KCN nhằm tạo động lực, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tại các khu công nghiệp đồng thời kiểm soát được giá cho thuê đất.