9. Khung lý thuyết
1.2.1. Chính sách
Thuật ngữ chính sách thực tế được sử dụng với nhiều nghĩa khác nhau. Tiếp cận từ góc độ chính sách công có thể định nghĩa: chính sách là chương trình hành động do các nhà lãnh đạo hay các nhà quản lý đưa ra để giải quyết một vấn đền nào đó thuộc thẩm quyền của mình [15, tr.281]. Chính sách được hiểu là hình thức của những mối liên hệ, tác động qua lại giữa các nhóm, tập đoàn xã hội gắn liền với tổ chức, hoạt động của Nhà nước, của các đảng phái hay các thiết chế khác nhau của hệ thống chính trị nhằm thực hiện các mục tiêu, lợi ích, nhiệm vụ của cá nhân và tập đoàn xã hội đó. Chính sách là công cụ điều tiết lợi ích giữa các cá nhân và giữa các nhóm xã hội của chủ thể quản lý để đạt được mục đích do chủ thể đó quy định. Công cụ đó thường được thể hiện trong các quyết định, trong hệ thống pháp luật, trong quy chuẩn hành vi và những quy định các của chủ thể quản lý. Chủ thể quản lý có thể là tổ chức quốc tế, Đảng, Nhà nước hoặc các tổ chức xã hội khác. Trong đề tài này, chính sách được hiểu là chính sách công do Nhà nước ban hành, bao gồm các cấp có thẩm quyền tron bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương. Nó
đối nghĩa với chính sách tư – chính sách riêng do các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, các đoàn thể đề ra để áp dụng trong phạm vi của tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội hay đoàn thể đó.
Đối với chính sách công, Nhà nước vừa là chủ thể ban hành, vừa là chủ thể thực thi chính sách một công cụ tác động tới đời sống của cộng đồng dân cư. Chính sách công thực hiện chức năng của Nhà nước, quản lý và điều hành sự phát triển kinh tế - xã hội theo những mục tiêu đề ra và được thể chế hóa thành các quyết định có hiệu lực pháp lý của cơ quan nhà nước. Nó được thực thi dựa vào việc sử dụng quyền lực công của Nhà nước. Chủ thể điều hành thực thi chính sách công là các tổ chức trong bộ máy nhà nước sử dụng thẩm quyền được pháp luật thừa nhận.
Tóm lại, trong luận văn này chính sách được hiểu là hệ thống quan điểm, chủ trương, phương hướng và biện pháp của Nhà nước để giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra trong một thời gian và không gian nhất định, nhằm góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước.