Giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng của khủng hoảng Tài chính Tiền tệ khu vực Đông Nam Á (từ năm 1998 – 2001)

Một phần của tài liệu Nâng dần và tiến tới thực hiện đầy đủ tính chuyển đổicủa đồng tiền Việt Nam (Trang 76)

- Chuyển đổi toàn phần

2.2.1.4. Giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng của khủng hoảng Tài chính Tiền tệ khu vực Đông Nam Á (từ năm 1998 – 2001)

Giai đoạn này có một số sự kiện khá quan trọng, mở ra một thị trường lớn cho hoạt động kinh doanh thương mại của Việt Nam, đó là: Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998 và Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (năm 2000). Do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - Tiền tệ khu vực nên tình trạng đô la hóa có dấu hiệu tăng lên, mặc dù có điều chỉnh về chính sách quản lý ngoại hối theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng tính chuyển đổi của VND nhưng do tác động của các dòng vốn đầu tư bị giảm sút, xuất khẩu giảm, nguồn ngoại tệ dự trữ bị giảm và tính chuyển đổi của VND chưa được cải thiện nhiều.

(*) Tình trạng đô la hóa

Sau một thời gian giữ ổn định ở mức tương đối thấp khoảng trên 20%, tỷ lệ FCD/M2 lại có dấu hiệu tăng lên trong giai đoạn này và đến năm 2000- 2001 đã tăng cao trở lại đến trên 30%. Mức độ đô la hóa giai đoạn này có xu hướng tăng có thể giải thích qua các nguyên nhân sau:

- Tỷ giá có khuynh hướng tăng đặc biệt tăng mạnh trong hai năm 1997 và 1998. Mức tăng cao của tỷ giá do áp lực của khủng hoảng tiền tệ trong khu vực. Sự phá giá của đồng tiền các nước trong khu vực cũng góp phần thúc đẩy sự phá giá của Việt Nam Đồng. Tỷ giá của Việt Nam năm 1997 là 12.921 VND/USD cuối năm 1996, 1997, 1998 là 11.159 VND/USD; 12.921 VND/USD và 13.900 VND/USD.

- Mức lãi suất đồng nội tệ ổn định ở mức 9,6%, từ năm 1991 mức lãi suất giảm xuống mức thấp trên dưới 5%. Mức lãi suất bằng Việt Nam Đồng

vẫn duy trì ở mức lãi thực dương do lạm phát thấp. Lãi suất thậm chí giảm xuống 4,4% năm 2000.

- Lợi tức tiền gửi bằng nội tệ thấp hơn so với lợi tức tiền gửi ngoại tệ. Do vậy, các chủ thể kinh tế, đặc biệt là khu vực dân cư nhạy cảm với lợi tức sẽ có khuynh hướng chuyển đổi tiền gửi nội tệ sang ngoại tệ.

- Một nguyên nhân khác nữa là trong suốt một thời gian dài kinh tế Mỹ tăng trưởng cao và ổn định làm cho đồng USD có tính hấp dẫn cao hơn các đồng tiền khác. Mặt khác, các Chính sách mới ban hành đã tạo sự tin tưởng của người dân, thu hút được một số lượng lớn ngoại tệ từ thị trường tự do vào hệ thống ngân hàng. Tâm lý đô la hoá trong giai đoạn này cũng một phần do tác động của khủng hoảng và thị trường tin vào sự giảm giá của VND.

Bảng 2.2: Tình trạng đô la hóa của Việt Nam giai đoạn 1998-2001

Đơn vị: Nghìn tỷ đồng

Năm 1998 1999 2000 2001

M2 120,4 142,6 222,9 279,8

Tổng tiền gửi (TG) 74,15 101,1 170,7 213,4

Tiền gửi ngoại tệ (TGNT) 24,9 37,2 70,4 88,7

TGNT/M2 (%) 20,7 26,1 31,6 31,7

TGNT/TG (%) 33,6 36,8 41,2 41,6

Nguồn: IMF – Vietnam Statistical Appendix 2007. Tỷ giá lấy vào thời điểm cuối năm của Ngân hàng NTVN.

(*) Tính chuyển đổi của Việt Nam Đồng

Vị thế của VND tiếp tục được cải thiện tuy có bị ảnh hưởng của khu vực. Xét theo quy định về quản lý ngoại hối và cơ chế tỷ giá thì khả năng chuyển đổi của VND có bước nâng cao so với giai đoạn trước. Tuy nhiên khả năng đáp ứng ngoại tệ trên thực tế có những hạn chế nhất định do cơ chế tỷ giá vẫn còn thiếu linh hoạt khó dự đoán, do chu chuyển ngoại tệ trong nền

kinh tế bị ách tắc. Để giải quyết tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra biện pháp tình thế là yêu cầu các tổ chức, cá nhân có nguồn thu ngoại tệ từ nước ngoài phải bán lại một phần cho ngân hàng - biện pháp kết hối ngoại tệ- với tỷ lệ cao nhất là 80% (năm 1998) sau đó giảm dần xuống 60%, 50%, 40% và còn 30% vào 15/5/2002.

Do khủng hoảng Tài chính – Tiền tệ khu vực, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm mạnh, trung bình chỉ còn 6%/ năm. Năm 1998, lạm phát lên đến 9.2% (so với mức 3,6% năm 1997), sau đó rơi vào giảm phát mà thấp nhất vào năm 2000 (- 0,6%). Trong giai đoạn này tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng biến động với mức độ lớn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài suy giảm mạnh và vay nợ nước ngoài gặp khó khăn.

Hệ thống ngân hàng tiếp tục được củng cố sau 02 Luật ngân hàng. Tiến hành việc sắp xếp cơ cấu lại NHTM cổ phần và chuẩn bị phương án củng cố ngân hàng thương mại thuộc sở hữu Nhà nước. Hình thành thị trường chứng khoán với quy định cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán có những hạn chế nhất định. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, chứng chỉ quỹ đầu tư của một quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó một công ty nước ngoài được nắm giữ tối đa 7% và một cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 3%. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 40% tổng số trái phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trong đó một tổ chức nước ngoài được nắm giữ tối đa 10% và một cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 5%.

Để hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng và tiếp tục mở rộng hội nhập kinh tế Quốc tế, ngày 17/8/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/1998/NĐ - CP về quản lý ngoại hối cùng với một loạt các văn bản quy

phạm phát luật khác có liên quan đến quản lý ngoại hối. Các chính sách mới được ban hành là một tiến bộ về cơ chế quản lý ngoại hối theo hướng chuyên nghiệp và phù hợp hơn với thông lệ Quốc tế.

Giao dịch vãng lai: Hình thành cơ bản xu hướng tự do hoá các giao

dịch vãng lai so với quy định của IMF. Chỉ còn một số hạn chế liên quan đến thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của doanh nghiệp FDI, hạn chế chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của các cá nhân.

Giao dịch vốn: Có một số nới lỏng hơn về kiểm soát vay ngắn

hạn nước ngoài và điều kiện vay nợ nước ngoài, các doanh nghiệp được quyền chủ động trong việc thoả thuận ký kết hợp đồng vay vốn nước ngoài, sau đó mới thực hiện đăng ký các khoản vay với Ngân hàng Nhà nước (trừ trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước). Xóa bỏ chế độ tự cân đối ngoại tệ đối với doanh nghiệp FDI.

Khả năng đáp ứng ngoại tệ: do ảnh hưởng của khủng hoảng và tình

trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ nên khả năng đáp ứng ngoại tệ của hệ thống Ngân hàng gặp khó khăn. Để điều hoà cung – cầu, Chính phủ đã áp dụng chế độ kết hối ngoại tệ với tỷ lệ rất cao (cao nhất đến 80% năm 1998), đồng thời áp dụng một số hình thức ưu tiên bán ngoại tệ, giấy phép mua ngoại tệ đối với doanh nghiệp FDI. Trong thời gian này, tỷ giá hối đoái của VND có biến động do ảnh hưởng của khủng hoảng.

Một phần của tài liệu Nâng dần và tiến tới thực hiện đầy đủ tính chuyển đổicủa đồng tiền Việt Nam (Trang 76)