Định hướng phát triển tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH

Một phần của tài liệu Phát triển tín dụng đối với Học sinh sinh viên tại Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (Trang 70)

7. Bố cục của luận văn

3.1.1.Định hướng phát triển tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong hơn 10 năm qua, NHCSXH Việt Nam đã đề ra định hướng hoạt động đến năm 2020 như sau:

Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách phục vụ hộ nghèo, hộ gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Như trên đã đề cập, hoạt động của NHCSXH không vì mục tiêu lợi nhuận, mà nó có mục tiêu cao cả là thực hiện chính sách kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, nhằm hướng tới giảm bớt sự bất bình đẳng xã hội giữa các thành viên. Chương trình cho vay HSSV, ngoài mục tiêu trên còn nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho tương lai. Vì vậy, nếu chương trình cho vay người nghèo nói chung, cho vay HSSV nói riêng được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, thì chắc chắn đất nước sẽ có cơ hội phát triển nhanh và bền vững.

Hai là, tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ cho vay HSSV. Đây là chương trình tín dụng lớn đối với HSSV và đang được sự hưởng ứng của rất nhiều gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Trên thực tế, Chương trình cho vay HSSV đã phát huy tác dụng của nó, thể hiện ở chỗ mỗi năm có hàng triệu HSSV được tiếp tục đến trường cho dù hoàn cảnh rất khó khăn; hàng ngàn HSSV nhờ nguồn vốn ưu đãi đó mà tốt nghiệp ra trường và tìm kiếm được việc làm, có thu nhập ổn định, đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo. Chỉ với những thành công đó cũng đủ để minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của Chương trình. Vì vậy, việc Nhà nước, cụ thể là NHCSXH cần phải duy trì và phát triển mạnh hơn nữa Chương trình cho vay ưu đãi đối với HSSV.

Một khi đối tượng HSSV được vay vốn nhiều hơn, không chỉ những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mà cả cho các HSSV có hoàn cảnh ít khó khăn hơn, thì chắc chắn tác động của Chương trình sẽ sâu rộng hơn và có sức sống mạnh mẽ hơn.

Ba là, hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, điều hành ở cả 3 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện) theo hướng tập trung sự quản lý thống nhất ở Trung ương, tinh giản các khâu trung gian và tăng cường hoạt động tại các Điểm giao dịch lưu động ở xã, phường.

Sự chỉ đạo của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp có tác động rất lớn đến hiệu quả của Chương trình. Vì vậy, cùng với việc củng cố tổ chức, phải nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả của phương thức ủy thác tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, có sự tham gia chỉ đạo, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tăng cường vai trò của chính quyền cấp xã. Xây dựng hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ độc lập, thống nhất về tổ chức và hoạt động.

Bốn là, tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm” để tạo nguồn vốn cho Chương trình. Trong mối quan hệ này, Nhà nước là trung tâm, đóng vai chủ đạo, còn doanh nghiệp và nhân dân là vệ tinh, là nguồn hỗ trợ đắc lực để hình thành nguồn vốn bền vững cho NH. Trong điều kiện nguồn vốn của Chương trình còn thiếu tính bền vững như hiện nay thì đây là biện pháp cần thiết và có tính khả thi cao. Một khi có nguồn vốn ổn định, Ngân hàng sẽ chủ động đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hoàn thiện cơ chế khoán tài chính ổn định trong từng thời kỳ, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, viên chức và người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với ngành.

Năm là, động viên các tổ chức chính trị-xã hội tham gia tích cực vào các hoạt động huy động vốn và cho vay vốn. Hiện nay, Chương trình đã được triển khai sâu rộng đến các địa phương trên toàn quốc, với sự vào cuộc và tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, trực tiếp là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Phải thấy rằng, phương thức cho vay từng phần giữa NHCSXH với các tổ chức Hội, đoàn thể, trên thực tế, đã tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện xã hội hóa công tác cho vay, dân chủ, công khai trong việc bình xét về đối tượng thụ hưởng cũng như quản lý, sử dụng vốn vay. Vậy nên, nếu phát huy được vai trò của các tổ chức này thì hiệu quả của Chương trình tín dụng ưu đãi sẽ cao hơn, nhiều HSSV sẽ được tiếp cận nguồn vốn này một cách thiết thực hơn.

Một phần của tài liệu Phát triển tín dụng đối với Học sinh sinh viên tại Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (Trang 70)