Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý

Một phần của tài liệu Vai trò trợ giúp pháp lý đối với việc thúc đẩy tiếp cận và bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế trong xã hội (Trang 94)

Hiện nay, trên thế giới có ba mô hình trợ giúp pháp lý, bao gồm: trợ giúp pháp lý nhà nước, trợ giúp pháp lý xã hội và kết hợp hai mô hình trên. Việt Nam đã và đang thực hiện theo mô hình hỗn hợp trong đó nhà nước đóng vai trò trung tâm, vừa điều phối, quản lý, vừa thực hiện trợ giúp pháp lý. Đây là định hướng đúng đắn, song, để có thêm nhiều nguồn lực cho hoạt động này, chúng ta cũng cần đẩy nhanh công tác xã hội hóa hoạt động trợ giúp hơn nữa nhằm nâng cao số lượng và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Dưới đây là 03 biện pháp hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu trên:

3.2.3.1. Xây dựng chính sách thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội

Đến nay, trợ giúp pháp lý không chỉ là hoạt động xã hội hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách mà còn dành cho nhiều đối tượng khác, quy mô đã lớn hơn rất nhiều so với thời điểm mới thành lập. Chưa kể, theo định hướng tới năm 2020, trợ giúp pháp lý sẽ phát triển trọng tâm là cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan đến tố tụng, đặc biệt là tố tụng hình sự. Do đó, cần phải có một lực lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý dày dạn kinh nghiệm và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng với đòi hỏi khắt khe hơn trước.

Để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý cần phải có các chính sách ưu đãi cho những chủ thể này, chẳng hạn:

- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý;

89

- Ký kết biên bản ghi nhớ về cộng tác thực hiện trợ giúp pháp lý giữa các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực pháp lý nhưng không đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý;

- Xét khen thưởng hằng năm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho cộng đồng.

Việt Nam có thể tham khảo mô hình luật sư công, theo đó, những luật sư này làm việc trong các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với chức danh luật sư công hưởng lương hằng tháng, tập trung thực hiện tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng. Đối với đội ngũ luật sư tư (cộng tác viên hoặc làm việc trong các văn phòng luật sư có đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý) chuyên đảm nhận bào chữa và đại diện trong các vụ án hình sự, nhà nước chi trả tiền bồi dưỡng theo từng vụ việc dựa trên biểu phí cụ thể.

Ngoài các chủ thể truyền thống như luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, cơ quan, tổ chức tư vấn pháp luật, chúng ta cũng nên khuyến khích những người có chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được đào tạo về pháp luật tham gia với các vai trò, nhiệm vụ khác nhau như giảng viên luật, sinh viên luật…

3.2.3.2. Nâng cao nhận thức về trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư và những người hoạt động, làm việc liên quan đến lĩnh vực hỗ trợ pháp lý

Để việc thực hiện trợ giúp pháp lý không còn là mang tính khuyến khích, thụ động và nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, thì mỗi cá nhân hoạt động liên quan đến pháp luật phải nhận thức được đây là trách nhiệm nghề nghiệp của chính mình với xã hội.

Việc giáo dục, nâng cao nhận thức này nên được thực hiện ngay tại các cơ sở đào tạo luật ở mọi trình độ. Những năm gần đây, một số cơ sở đào tạo luật đã xây dựng và phát triển mô hình thực hành luật với mục đích giúp sinh viên nhận thức được việc giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng là trách nhiệm nghề nghiệp của mình sau khi ra trường thông qua các buổi phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật dưới sự hướng dẫn của các giám sát viên là luật sư và giảng viên. Tuy nhiên, chương trình này mới dừng lại ở mức nhỏ lẻ như hoạt động ngoại khóa, do đó, nhiều sinh viên luật chưa được tiếp cận. Nếu được tổ chức thường xuyên (dưới hình thức tự chọn hoặc bắt

90

buộc), chắc chắn về lâu dài sẽ tạo được hiệu quả tích cực, thiết lập tư duy về trách nhiệm nghề nghiệp của các cử nhân luật tương lai – những người sẽ trở thành hoặc luật sư, hoặc Trợ giúp viên pháp lý hoặc công tác trong các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp lý.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong xã hội cũng cần phải nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Đối với cơ quan, tổ chức, nhân viên công quyền có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để người thực hiện trợ giúp pháp lý hoàn thành tốt công việc của mình.

Một phần của tài liệu Vai trò trợ giúp pháp lý đối với việc thúc đẩy tiếp cận và bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế trong xã hội (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)